Thứ Tư, 15/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Margin tăng trưởng nóng trở lại: Trong cơ vẫn có nguy

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Song hành đà phục hồi của thị trường chứng khoán, lo ngại về mức tăng trưởng nóng của hoạt động cho vay ký quỹ (margin) và rủi ro trong trường hợp thị trường biến động cũng gia tăng.

Những chuyển động của dòng tiền

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam liên tục phục hồi từ tháng 5-2023 giúp kênh chứng khoán dần hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Điều này phần nào thể hiện qua số tài khoản chứng khoán mở mới liên tục ở mức cao những tháng gần đây, riêng tháng 8-2023 đã có thêm hơn 150.000 tài khoản đầu tư mới tham gia thị trường.

Niềm tin vào sự tăng trưởng của thị trường cũng được cải thiện khi tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell đánh giá kinh tế Việt Nam xuất hiện nhiều điểm sáng, Chính phủ Việt Nam đã triển khai hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng như cắt giảm thuế, nới lỏng chính sách tiền tệ và các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Ông N.V.S, nhà đầu tư chứng khoán, với số vốn ban đầu 200 triệu đồng, đã thu về một khoản lợi nhuận với lợi suất bằng 20% vốn đầu tư chỉ trong 1 tháng qua. Với nhìn nhận tích cực về thị trường trong dài hạn, ông quyết định rút tiền tiết kiệm để đầu tư thêm 600 triệu đồng.

“Tôi rút gửi tiết kiệm và đầu tư chứng khoán, vài tháng nay đã lãi rất nhiều. Chính sách của nhà nước đẩy nền kinh tế phát triển lên, kinh tế phát triển thì thị trường chứng khoán sẽ có lợi”, ông S cho biết.

Thị trường chứng khoán liên tục phục hồi những tháng gần đây. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Thực tế, những chuyển động của dòng tiền trên thị trường vốn đã xuất hiện từ giai đoạn đầu quí 2-2023, thời điểm TTCK Việt Nam bắt đầu xu hướng phục hồi. Theo đó, tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng, gồm tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng mạnh, dù lãi suất huy động giảm sâu. Thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho biết tổng số dư tiền gửi khách hàng là gần 9,01 triệu tỉ đồng tính đến 30-6-2023, tăng gần 367.000 tỉ đồng so với cuối tháng 3-2023 – tương ứng tăng 4,2%, Mức tăng trưởng tiền gửi này cao hơn 0,5% so với quí 1-2023.

Điều này, theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TPHCM, một phần xuất phát từ tâm lý chờ đợi cơ hội đầu tư mới của nhóm khách hàng các nhân. Theo đó, nhóm họ tập trung quan sát diễn biến các kênh đầu tư khác và chờ đợi cơ hội giải ngân, thay vì gửi tiết kiệm như giai đoạn trước.

“Dòng tiền được chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang tài khoản thanh toán, để sẵn sàng chuyển sang các kênh đầu tư”, ông Huân phân tích.

Dòng tiền chuyển từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ lượng tiền mặt cho giao dịch. Trên thị trường chứng khoán, thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect từ 30 công ty chứng khoán có quy mô tài sản lớn nhất thị trường cho thấy giá trị cho vay ký quỹ (margin) ở mức 140.000 tỉ đồng tính tới cuối quí 2-2023, tăng mạnh so với thời điểm cuối quí 1-2023 và cuối năm 2022.

Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quí 2-2023 của 40 công ty chứng khoán đại diện 96% tổng vốn chủ sở hữu của ngành chứng khoán cũng đưa ra con số tương đồng, với dư nợ margin toàn thị trường ở mức hơn 143.500 tỉ đồng tính tới cuối tháng 6-2023. Con số này cao hơn 24.400 tỉ đồng so với thời điểm cuối quí 1-2023, tương đương mức tăng 20,5%.

Dư nợ cho vay tăng ở hầu hết các công ty chứng khoán, đặc biệt là những đơn vị đang dồi dào vốn. Mức tăng nhiều nhất thuộc về Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) với 3.328 tỉ đồng tăng thêm. Quy mô các khoản cho vay tại đây cũng đạt mức 10.762 tỉ đồng, đứng thứ ba trong ngành sau Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam và Công ty cổ phần Chứng khoán SSI.

Với xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán và tỷ lệ ký quỹ vẫn duy trì ở mức thấp tính tới cuối quí 2, tổng dư nợ cho vay ký quỹ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng gần đây, vượt mức 150.000 tỉ đồng tính đến 24-8-2023 – tăng gần 10% so với thời điểm cuối quí 2-2023, theo thống kê của Công ty Chứng khoán DSC. Con số này thấp hơn khoảng 50.000 tỉ đồng so với mức dư nợ margin cao nhất được ghi nhận trong quí 4-2021 hay quí 1-2022, nhưng so với vốn hoá thị trường và dòng tiền hiện tại thì đang ở mức cao.

Cụ thể, tỷ lệ dư nợ margin/vốn hóa trên sàn HOSE đã vượt mức 3,2% và ở vùng cao nhất lịch sử.

Con dao hai lưỡi của mọi nhà đầu tư

Giao dịch cho vay ký quỹ (margin) mang lại lợi ích cho cả các chủ thể trên thị trường. Với nhà đầu tư, margin góp phần gia tăng lợi nhuận. Cụ thể, nếu sử dụng margin với tỷ lệ là 50% thì lợi suất mang lại có thể cao hơn gần hai lần so với không sử dụng margin.

Với công ty chứng khoán, margin mang lại nguồn doanh thu ổn định vì thị trường tăng hay giảm thì các nhà đầu tư đều sử dụng margin. Với thị trường, margin góp phần gia tăng của thanh khoản, vốn hóa và hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.

Thực tế, việc hạ lãi suất tiền gửi khiến thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn, thúc đẩy các nhà đầu tư giao dịch và tận dụng đòn bẩy để nắm bắt cơ hội đầu tư. Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên gia phân tích thuộc Công ty chứng khoán VNDirect, cho biết lợi suất cho vay toàn ngành chứng khoán đạt mức 5,6% trong quí 2-2023, cao hơn 1,4% so với quí 1 chủ yếu do lãi suất giảm, với lãi suất tiền gửi trung bình 12 tháng giảm từ mức 8% vào quí 1 xuống mức 7,3% vào quí 2.

Với dự báo tổng giá trị giao dịch tài sản tài chính tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam sẽ tăng với tốc độ 16% – từ mức 784.000 tỉ đồng vào cuối quí 2 lên khoảng 910.000 tỉ đồng trong nửa cuối năm, cùng tỷ lệ cho vay ký quỹ ngành trên tổng giá trị tài sản niêm yết trong 3 năm gần đây thường trong khoảng 17-20%, chuyên gia này cũng kỳ vọng tổng giá trị cho vay ký quỹ toàn thị trường có thể đạt 155.000-180.000 tỉ đồng trong nửa cuối năm 2023 – tăng 10-30% so với mức 140.000 tỉ đồng vào cuối quí 2.

Tuy nhiên, margin cũng mang lại không ít rủi ro. Nếu thị giá cổ phiếu niêm yết trên thị trường sụt giảm sâu do tác động từ thông tin tiêu cực thì nhà đầu tư có nguy cơ thua lỗ lớn, nếu sử dụng margin với tỷ lệ là 50% thì mức lỗ sẽ cao hơn lần so với việc không vay.

Công ty chứng khoán có thể gặp rủi ro tín dụng khi không thu được nợ hoặc khách hàng không thực hiện nghĩa vụ nợ theo hợp đồng; rủi ro thanh toán khi công ty bị thiếu hụt số dư tiền hay chứng khoán trên tài khoản để thanh toán cho các giao dịch trong ngày.

Còn thị trường chứng khoán bị tác động mạnh từ hoạt động giải chấp trên quy mô lớn của các công ty chứng khoán, tức bán chứng khoán của nhà đầu tư nếu họ không kịp thời bổ sung tài sản để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định.

Ông Phạm Tiến Đạt, Ban Phát triển thị trường tài chính thuộc Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), cho biết dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán dần gia tăng mạnh mẽ giai đoạn quí 2-2020 – quý 1-2022, khi thị trường hồi phục sau khi sụt giảm do dịch Covid-19 đầu năm 2020. Điều này góp phần đưa TTCK Việt Nam thành 1 trong 7 thị trường tăng điểm mạnh nhất thế giới năm 2021. Thậm chí, tổng giá trị cho vay margin của thị trường đạt hơn 200.000 tỉ đồng tính tới cuối quí 1-2022.

Nhưng việc sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính được xem là một trong những yếu tố dẫn đến sự biến động mạnh của thị trường từ quí 2-2022. Cụ thể, động thái bán giải chấp của các công ty chứng khoán khiến thị trường mất trụ đỡ và có những phiên lao dốc.

Chẳng hạn, chỉ số VnIndex kết phiên giao dịch 25-4-2022 với mức giảm gần 6%, mức giảm sâu thứ hai trong lịch sử của chỉ số này. Sau phiên giao dịch trên, chỉ số VnIndex tiếp tục ghi nhận mức giảm 4,53% phiên ngày 13-5-2022 và 4,44% phiên ngày 13-6-2022.

Còn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân thuộc Công ty Chứng khoán Yuanta, cho biết tình trạng bán tháo xảy ra liên tục trong giữa năm 2022 gồm hai giai đoạn.

Tại giai đoạn 1, diễn ra từ tháng 4-2022 tới tháng 8-2022, nhà đầu tư nhỏ lẻ là đối tượng bị bán tháo cổ phiếu, do liên tục mua vào để bình quân giá cổ phiếu nhưng thị giá tiếp tục giảm.

Tại giai đoạn 2, các nhà đầu tư lớn hay các cổ đông nội bộ dùng margin để “đỡ giá” cổ phiếu, nhưng thị trường vẫn không ngừng đi xuống và đây tiếp tục là một phần nguyên nhân dẫn đến giải chấp ở quí 4-2022.

Với năm 2023, tình trạng bán tháo trên diện rộng từng xuất hiện với 221.674 tỉ đồng vốn hóa thị trường “bốc hơi” trong phiên ngày 18-8, sau khi các công ty chứng khoán lần lượt thông báo thay đổi danh mục chứng khoán giao dịch ký quỹ theo hướng giảm vào nửa đầu tháng 8.

Việc điều này chỉnh này xuất phát từ việc nhiều cổ phiếu vi phạm tiêu chuẩn giao dịch ký quỹ của hai Sở giao dịch chứng khoán. Ngoài những cổ phiếu vi phạm tiêu chuẩn, nhiều cổ phiếu cũng không được đưa vào danh sách giao dịch hoặc thay đổi tỷ lệ ký quỹ theo yêu cầu về quản trị rủi ro của từng công ty chứng khoán.

Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại về việc margin đã tăng nóng và rủi ro gia tăng trong trường hợp thị trường đảo chiều cũng tăng lên khi số liệu do SGI Capital tính toán chỉ ra rằng, tỷ lệ margin trên vốn hóa thị trường đến cuối quý 2-2023 đạt 3,2%, tiến gần hơn mức gần 3,5% từng ghi nhận tại quý 1-2022 và quý 3-2022.

Áp lực giải chấp cùng các lệnh bán giải chấp (call margin) không chỉ là nỗi ám ảnh của nhà đầu tư, mà còn khiến nhiều công ty chứng khoán “chôn vốn” do không thể giải chấp các cổ phiếu.

Để dự phòng rủi ro có thể xảy ra, hầu hết các công ty chứng khoán đang duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức cao hơn nhiều so với ngưỡng yêu cầu. Chẳng hạn, Công ty chứng khoán SSI dự kiến phát hành thêm 104 triệu cổ phiếu theo kế hoạch đã được phê duyệt từ cuộc họp ĐHĐCĐ 2022, Công ty chứng khoán VPBank (VPBS) dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 16,82:1 và nâng mức tối đa sở hữu nước ngoài lên 100%, Công ty chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) dự kiến phát hành mới cho Techcombank với tổng giá trị ước tính gần 10.000 tỉ đồng.

Còn ông Nguyễn Thế Minh cho biết các công ty chứng khoán đã thận trọng hơn trong quản trị rủi ro. Dư nợ margin của nhóm cổ phiếu bất động sản trước đây từng chiếm 40% tổng margin nhưng nay không nhiều, mà tập trung ngân hàng chứng khoán, doanh nghiệp sản xuất.

“Hoạt động quản trị rủi ro tại các công ty chứng khoán đang rất chặt chẽ. Một trong các yếu tố mà các công ty chứng khoán xác định tỷ lệ cho vay là dựa trên tình hình cơ bản của doanh nghiệp”, ông Minh nói và cho biết sau khi kết quả kinh doanh quý 2-2023 được công bố, các công ty chứng khoán có những động thái để giảm tỷ lệ cho vay tại các nhóm ngành không hồi phục hay phục hồi chưa tốt như kỳ vọng.

Tuy nhiên, vị này cho rằng các khoản cho vay ngoài công ty chứng khoán với tỷ lệ đòn bẩy lớn sẽ phản ứng rất nhanh, nhất là với các trường hợp cho vay cổ phiếu bất động sản do các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp ngành này vẫn chưa phục hồi trong bối cảnh giá cổ phiếu đã tăng nóng.

“Với bối cảnh hiện nay, áp lực call margin tại các công ty chứng khoán sẽ không quá lớn. Tình trạng call margin và bán giải chấp sẽ không xảy ra kéo dài như năm 2022”, ông Minh dự báo.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới