Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

MB: Nợ có khả năng mất vốn cao hơn 2,2 lần năm 2019

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

MB: Nợ có khả năng mất vốn cao hơn 2,2 lần năm 2019

Hoàng Thắng

(TBKTSG Online) – Tổng nợ xấu của MB ở mức gần 3.248 tỉ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn gấp 2,2 lần đầu năm 2019, chiếm đến 1.384 tỉ đồng.

MB: Nợ có khả năng mất vốn cao hơn 2,2 lần năm 2019
Hoạt động nghiệp vụ tại một trụ sở của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB). Ảnh: TTXVN.

Thay đổi ‘khẩu vị’ rủi ro

Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) đã công bố báo cáo tài chính quí 4-2020 với thu nhập lãi thuần và thu nhập từ hoạt động dịch vụ lần lượt tăng trưởng 18,5% và 24,55% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 5.793,9 tỉ đồng và 1.090 tỉ đồng.

Lãi từ kinh doanh ngoại hối và vàng trong quí 4-2020 tăng tới 52% so với cùng kỳ năm 2019, đạt mức 267,5 tỉ đồng. Còn lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn đầu tư dài hạn giảm 63%, xuống mức 80,6 tỉ đồng.

Tương tự, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác của MB giảm 9% so với cùng kỳ, xuống mức 475,37 tỉ đồng.

Kết quả, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt mức 7.714 tỉ đồng trong quý 4-2020, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng kỳ, tổng chi phí hoạt động của MB chỉ tăng 5,7%, đạt mức 3.234,8 tỉ đồng. Vì vậy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của MB tăng 23%, đạt mức 4.479 tỉ đồng.

Nhưng ngân hàng trích lập tới 1.925 tỉ đồng chi phí dự phòng trong quí 4-2020 khiến lợi nhuận trước thuế trong quý chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019, lên mức 2.554 tỉ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt mức 1.931 tỉ đồng trong quí 4-2020, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế cả năm 2020, lợi nhuận trước và sau thuế của MB tăng 6% và 7% so với năm 2019, đạt mức hơn 10.688 tỉ đồng và 8.606 tỉ đồng.

Tổng tài sản của MB tính đến 31-12-2020 đã tăng 20% so với thời điểm đầu năm, đạt mức hơn 494.982 tỉ đồng. Trong đó, tiền mặt tăng 33% – đạt mức 3.109 tỉ đồng, tiền gửi tại NHNN tăng 21% – đạt mức 17.296 tỉ đồng, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác tăng 20% – đạt mức 47.888 tỉ đồng, cho vay khách hàng tăng 19% – đạt mức 298.296 tỉ đồng.

Đáng chú ý, MB đã đẩy mạnh cho vay ở các lĩnh vực nhiều rủi ro trong bối cảnh hệ số NIM – chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng – là 4,5%, giảm 17 điểm phần trăm so với năm 2019, do tác động của đại dịch Covid19 khiến ngân hàng phải cung cấp các gói tín dụng ưu đãi, hạ lãi suất cho vay.

Theo đó, cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của MB tăng 75,6% và chiếm 3,15% tổng dư nợ cho vay, cho vay chứng khoán MBS tăng 53,3% và chiếm 1,38% tổng dư nợ cho vay.

Còn chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành của riêng ngân hàng – gồm trái phiếu có kỳ hạn từ 6 tháng tới 14 năm với lãi suất từ 5,05% tới 10,8% mỗi năm – tăng hai lần so với năm 2019, đạt mức 24.798,7 tỉ đồng.

Trước đó, MB đã gia tăng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong quý 2 và 3-2020 với mức tăng trưởng lần lượt là 71,1% và 17,6% so với quý liền trước, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

Cải thiện chất lượng tài sản

Tỷ lệ nợ xấu của MB tính tới cuối quí 4-2020 là 1,09%, mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Bên cạnh đó, việc tăng trích lập dự phòng trong quí 4 đã đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLRC) lên mức 134%, mức cao nhất trong 10 năm gần đây của MB.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, ngân hàng đã dùng một khoản trích lập dự phòng lớn để xóa nợ xấu.

"Đây có thể là bước chuẩn bị cho sự không chắc chắn trong dự phóng nợ xấu mới hình thành, chuyển nhóm nợ và thu hồi nợ tái cơ cấu vào năm 2021", VDSC cho biết.

Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng nợ tái cơ cấu của ngân hàng đã giảm mạnh từ 7.000 tỉ đồng ở thời điểm cuối quí 3 xuống còn 2.500 tỉ đồng ở thời điểm cuối quý 4-2020.

“Ngân hàng đánh giá các khách hàng có nợ tái cơ cấu đang phục hồi tương đối tốt và khả năng phục hồi trở thành khoản nợ bình thường là trên 80%”, BVSC cho biết.

Nhưng một điểm đáng lưu ý số nợ xấu tuyệt đối của MB có xu hướng liên tục tăng sau mỗi quý kinh doanh. Theo đó, tổng nợ xấu của MB ở mức gần 3.248 tỉ đồng tính tới 31-12-2020, tăng 12% so với đầu năm.

Cụ thể, nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn – tăng khoảng 2,2 lần so với thời điểm đầu, tương ứng 1.384 tỉ đồng. Còn nợ nghi ngờ giảm 36%, xuống mức 890 tỉ đồng.

Bảng: Cơ cấu nợ xấu của MB giai đoạn 2017 – 2020. (Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp)

  31-12-2017 31-12-2018 31-12-2019 31-12-2020
Dư nợ cho vay khách hàng (đvt: tỉ đồng) 184.188,14 214.685,95 250.330,62 298.296,98
Nợ dưới tiêu chuẩn (đvt: tỉ đồng) 735,55 1.099,66 1.380,39 889,76
Nợ nghi ngờ (đvt: tỉ đồng) 668,43 797,69 899,34 973,56
Nợ có khả năng mất vốn (đvt: tỉ đồng) 813,67 962,33 617,9 1.384,48
Tổng nợ xấu (đvt: tỉ đồng) 2,217,65 2.859,68 2.897,64 3.247,81

Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết tỷ lệ nợ xấu của MB có xu hướng tăng từ cuối 2017 khi ngân hàng tái cơ cấu các khoản vay cho khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).

Theo đó, thời gian thông thường để cơ cấu lại một nhóm khách hàng là 3-4 năm nên SSI dự tính nợ xấu của nhóm SME được giải quyết phần lớn vào năm 2019. Nhưng dịch Covid-19 khiến ngân hàng cần nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề này.

Còn ông Lưu Trung Thái – Tổng giám đốc MB từng chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 về phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải cơ cấu lại gốc và lãi sẽ không được tính vào doanh thu hoạt động, đồng thời sẽ khiến nợ xấu và chi phí dự phòng gia tăng.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới