Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mobile Banking: Mới chỉ là xu hướng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mobile Banking: Mới chỉ là xu hướng

Thiên Ân

(TBVTSG) – Việc người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động để thực hiện các giao dịch ngân hàng (Mobile Banking) đang trở nên phổ biến tại nhiều nước. Và tại Việt Nam, một số ngân hàng có lượng khách hàng cá nhân lớn đang xem Mobile Banking như một dịch vụ cộng thêm để thu hút thêm hoặc giữ chân khách hàng.

Dịch vụ giúp tăng sức cạnh tranh

Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) vừa hợp tác cùng Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Trực tuyến OnePay để liên kết dịch vụ thanh toán trực tuyến thông qua kênh giao dịch DongA eBanking. Theo đó, khách hàng có thể mua sắm hàng hóa chỉ bằng những cú nhấp chuột, hoặc sử dụng điện thoại di động có kết nối GPRS/Wi-Fi/3G để truy cập vào ngân hàng điện tử và chọn dịch vụ thanh toán trực tuyến. Trong khi đó, Techcombank và Công ty cổ phần Công nghệ thương mại di động cũng cho ra mắt dịch vụ F@stmobipay, cho phép người sử dụng dịch vụ thanh toán qua tin nhắn điện thoại di động (SMS).

Từ giữa tháng này, HDBank cũng triển khai dịch vụ Mobile Banking hoàn toàn miễn phí, cho phép khách hàng dùng điện thoại di động giao dịch với ngân hàng qua HDBank Mobile. Dịch vụ Mobile Banking của HDBank không chỉ cập nhật các thông tin mới nhất của ngân hàng về lãi suất, tỷ giá, tin tức, chương trình khuyến mãi và các thông tin tài khoản mà còn cho phép khách hàng chuyển tiền đến tài khoản tiết kiệm, tài khoản thanh toán và chi trả hóa đơn.

Ông Thái Nguyễn Hoàng Nhã, Giám đốc Trung tâm điện toán DongA Bank, nói rằng Mobile Banking là xu hướng giao dịch đang phát triển mạnh mẽ. Theo ông, tốc độ phát triển mạnh của lượng khách thuê bao Internet, điện thoại di động ở Việt Nam là điều kiện thuận lợi để các dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển. “Trong hai năm tới chúng ta có thể thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ về loại hình dịch vụ cũng như khối lượng giao dịch từ thị trường này”, ông nói.

Theo các thống kê của ngành ngân hàng, nếu như trong hai năm qua các ngân hàng thương mại tập trung đầu tư cho hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking), chiếm tỷ lệ 64%, và đầu tư vào việc phát triển các kênh phân phối của ngân hàng chỉ là 12%, thì trong hai năm tới, mức đầu tư cho các kênh phân phối sẽ lên tới 26% và đầu tư cho Core Banking sẽ chỉ còn 10%. Như vậy, việc phát triển các kênh phân phối như chi nhánh ngân hàng truyền thống, hay các phương thức hiện đại như ATM, SMS, Internet Banking, Mobile Banking… nhằm đa dạng hóa các kênh cung cấp dịch vụ cho người dân chính là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong thời gian tới.

Cần tăng cường đầu tư cho công nghệ

Trên thực tế, thời gian gần đây các ngân hàng Việt Nam đã tăng cường đầu tư cho CNTT, thực hiện việc đa dạng hóa các kênh phân phối nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hỗ trợ khách hàng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng những rào cản trước mắt vẫn còn khá lớn. Đó là hiện nay hệ thống hạ tầng viễn thông còn yếu và đòi hỏi các ngân hàng phải có mức đầu tư cao cho công nghệ.

Ở khía cạnh bảo mật, cũng theo các chuyên gia, việc bảo mật trong giao dịch với các thiết bị di động không hề thua kém các hình thức lưu trữ tài khoản khác, cụ thể là các chức năng bảo mật như nhận dạng mã số PIN, các mã khóa của điện thoại, đặc biệt là chức năng mã hóa tin nhắn… Tuy nhiên, một số trường hợp mất an ninh, giao dịch lừa đảo… đã khiến cho người sử dụng chưa tin tưởng hoàn toàn vào các dịch vụ như chuyển khoản qua SMS, Internet Banking hoặc Phone Banking chưa cao.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, từng nói rằng việc các ngân hàng đầu tư phát triển dịch vụ thanh toán di động là xu hướng đáng được khuyến khích trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước đã quá quen và lệ thuộc vào tiền mặt. Tuy nhiên, muốn các dịch vụ phát triển tốt, các ngân hàng cần phải thực hiện tốt sự cam kết cùng với ngành viễn thông và có chính sách bảo mật cho khách hàng.

Ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng phòng thẻ Vietcombank, thừa nhận ngoài thói quen sử dụng tiền mặt còn quá lớn, người dân không thích thanh toán qua ATM là còn do các dịch vụ trên Internet Banking, Mobile Banking hiện vẫn chưa thực sự đa dạng, việc quảng bá của các ngân hàng lại khá ít nên không thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

Tại cuộc hội thảo Banking Vietnam 2010 tổ chức hồi cuối tháng Năm ở Hà Nội, nhiều chuyên gia ngành ngân hàng xác định bên cạnh việc khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thẻ, cần đẩy mạnh việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại khác như Internet Banking, Mobile Banking, ghi nợ trực tiếp từ tài khoản, ví điện tử… Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng và ngân hàng mà còn mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới