Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mới giải ngân hơn 22.000/301.000 tỉ đồng trong gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân sách mới giải ngân hơn 22.000 tỉ đồng trên tổng số 301.000 tỉ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ, thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT).

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022 diễn ra chiều 4-6, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KHĐT, cho biết ngân sách đã giải ngân 22.000 tỉ đồng cho một số chương trình thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, cho 100.000 khách hàng vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội với giá trị 4.500 tỉ đồng.

Thứ hai, hỗ trợ 2.500 người lao động, công nhân thuê nhà với giá trị 1,7 tỉ đồng tính tới 20-5-2022, theo quyết định số 08 của Thủ tướng

Thứ ba, miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với giá trị 11.800 tỉ đồng.

Thứ tư, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và giảm một số loại phí, lệ phí.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vẫn còn khiêm tốn trong những tháng đầu năm Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – cho biết 19 tỉnh, thành phố đã tiếp hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 46.000 lao động thuộc 2.007 doanh nghiệp tính tới 3-6-2022. Tổng số tiền đề nghị hỗ trợ là 33 tỉ đồng.

Hiện các địa phương đã thẩm định, phê duyệt hồ sơ hỗ trợ cho 21.000 lao động thuộc 319 doanh nghiệp, với số tiền đã có quyết định phê duyệt là 25 tỉ đồng.

Số tiền đã giải ngân là 3,1 tỉ đồng cho hơn 6.000 lao động thuộc 100 doanh nghiệp.

Kết quả này, theo bà Hà, cho thấy việc triển khai chính sách ở một số địa phưng còn chậm do cán bộ địa phương lúng túng trong hướng dẫn doanh nghiệp. Ngoài ra, một số địa phương chưa bố trí được nguồn lực hỗ trợ, phải chờ ngân sách trung ương phân bổ vốn.

Bên cạnh đó, một số địa phương e ngại người lao động trục lợi chính sách nên yêu cầu họ cung cấp thêm một số giấy tờ như giấy tạm trú. hợp đồng thuê nhà.

“Những yếu tố này khiến tiến độ phê duyệt hồ sơ bị chậm”, bà Hà nói.

Về phía doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết một số doanh nghiệp chưa chủ động làm hồ sơ hỗ trợ trong khi số lượng lao động lớn. Thậm chí một số nơi thì chờ 2-3 tháng mới làm hồ sơ cho người lao động.

Với nhóm chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, ông Trần Quốc Phương cho biết quá trình thực hiện đầu tư tương tự việc thực hiện quy trình thủ tục về đầu tư công, nên phải thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật. Hiện các cơ quan liên quan đã hoàn thành bước đầu tiên là xây dựng danh mục dự án để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư.

"Các bước quy trình phê duyệt giải ngân vốn dự án theo Luật Đầu tư công rất chặt chẽ, không thể làm tắt vì như vậy vi phạm quy định luật. Theo quy định thì phải làm từng bước, xong bước nào thì tới bước tiếp theo. Chúng ta không nên quá sốt ruột vì giải ngân vốn ngân sách rất quan trọng, giải ngân sai một đồng cũng dẫn tới hệ luỵ phức tạp”, ông Phương nói.

Để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhằm tăng tốc phục hồi kinh tế, bà Nguyễn Thị Hà cho biết bộ đã ban hành công văn yêu cầu địa phương đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8-2022. Theo đó, chính quyền cấp huyện sẽ phối hợp cùng Liên đoàn lao động đồng cấp thực hiện rà soát, lập danh sách hỗ trợ và kịp thời phê duyệt để người lao động sớm thụ hưởng chính sách này.

Với chính sách hỗ trợ tín dụng và lãi suất, ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) – cho biết cơ quan quản lý đã hướng dẫn hỗ trợ 2% lãi suất cho các đối tượng thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ trong danh mục do Bộ Xây dựng đề xuất, qua đó giúp quá trình giải ngân diễn ra nhanh và thuận lợi hơn.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có quy mô 347.000 tỉ đồng, gồm 46.000 tỉ đồng để mua vaccine phòng Covid-19 và trang thiết bị y tế, 301.000 tỉ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ.Với nhóm chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ, có 134.000 tỉ đồng dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, 64.000 tỉ đồng để miễn và giảm thuế, 38.400 tỉ đồng dành cho chính sách hỗ trợ tín dụng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, 6.000 tỉ đồng để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và giảm một số sắc thuế, 6.600 tỉ đồng để hỗ trợ cho người lao động thuê nhà, 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho vay qua các ngân hàng thương mại.Về chính sách và cơ chế, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ trưởng đã ban hành được 11/14 văn bản theo kế hoạch, gồm 7 Nghị định, 1 Nghị quyết, 3 quyết định của Chính phủ và một văn bản hướng dẫn của bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Lý do dẫn đến gói hỗ trợ giải ngân chậm, nhất là gói đầu tư công, rất đơn giản, chủ yếu nằm ở khâu phân cấp và quản lý. Hiện nay, người ôm vốn thì quá nhiều, với quá nhiều cấp, nhiều ngành có quyền hành xử phân phối, chia chác vốn. Trong khi người cần, người trực tiếp trên công trường thì lại đói vốn nghiêm trọng. Công nợ dây dưa đầy ra đó, vẫn không được thanh quyết toán. Nhiều công trình hoàn thành, đi vào hoạt động rất nhiều năm, sắp hết khấu hao, nhưng doanh nghiệp vẫn mãi kêu gào, đi đòi nợ mãi không xong ? Nếu cắt bỏ khối u cản trở này, thì dây chuyền “tham nhũng tiêu cực” mới bị xóa bỏ. Một khi cơ chế như vậy còn tồn tại thì không có gì lạ khi chủ tịch Quốc hội tỏ thái độ ngạc nhiên “Tiền để mãi trên tài khoản, vẫn không xài được”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới