Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một trường hợp quyên sinh nhắn gì với chúng ta?

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lý do trực tiếp khiến cậu sinh viên năm thứ nhất đại học ra đi mãi mãi đang làm xôn xao dư luận đã sáng tỏ sau buổi họp báo hôm qua, trong đó Công an TPHCM kết luận đây là một trường hợp quyên sinh. Thế nhưng, câu chuyện đằng sau cái chết không đáng có này sẽ còn nhắc nhở xã hội phải hành động hiệu quả hơn nhằm ngăn ngừa những trường hợp đau lòng tương tự.

Theo các điều tra viên, cậu sinh viên này đã tự kết liễu đời mình bằng cách trầm mình dưới dòng nước sâu. Thi thể của bạn ấy vẫn còn nguyên chiếc ba lô trên lưng, trong đó có khối xi măng nặng chừng 10 kí lô gam.

Theo báo mạng vietnamnet(1), bạn sinh viên này là học sinh giỏi suốt 12 năm phổ thông. Ở học kỳ đầu tiên năm thứ nhất đại học theo chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, bạn ấy cũng vẫn là sinh viên giỏi. Suốt thời gian qua, gia đình cho biết con mình ngoan hiền, chăm học. Về gia cảnh, tuy không xếp vào diện hộ nghèo, gia đình bạn cũng không thể nói là khá giả, với thu nhập dựa trên vài sào ruộng và mấy con bò. Lần trở lại trường này, do gia đình chưa thu xếp được tiền học phí, nên bạn lên đường với hai triệu đồng trong túi. Không biết có phải vì thấy gia đình mình túng quẫn, cậu sinh viên đã làm chuyện dại dột hay không. Các điều tra viên thuộc Công an TPHCM vẫn đang tiếp tục làm rõ hơn nguyên nhân đằng sau.

Tự kết liễu đời mình tuy là chuyện buồn nhưng không phải là chuyện hiếm. Một báo cáo nhan đề “Bản chất vấn đề tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên ở một số tỉnh/thành phố ở Việt Nam” của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố năm 2017(2) cho biết tự tử là nguyên nhân thứ hai gây thiệt mạng đối với nhóm tuổi từ 15 đến 29 trên thế giới năm 2012, chỉ sau tai nạn giao thông. Ở Đông Nam Á, tỷ lệ tự tử ở Việt Nam là thấp so với nhiều quốc gia khác với năm vụ trên 100.000 dân năm 2012, và có giảm so với năm 2000 (5,7 vụ trên 100.000 dân). Tỷ lệ tự tử ở trẻ vị thành niên ở Việt Nam cũng thấp so với khu vực. Tuy nhiên, báo cáo viết tỷ lệ này đang tăng lên và xã hội cần có hành động thích hợp để tìm ra nguyên nhân nhằm đối phó với hiện tượng này.

Theo báo cáo này, nữ giới, người sống ở đô thị, người nhập cư và người trẻ tuổi là nhóm có nguy cơ cao đối với hành vi tự tử. Tỷ lệ thanh thiếu niên có ý nghĩ tự tử cao nhất trong độ tuổi 18-21 (chiếm 4,4% số thanh niên trong độ tuổi này). Người di cư từ nông thôn lên thành thị có ý nghĩ tự tử cao gần gấp đôi so với người đã định cư ở thành thị từ lâu, và nguy cơ tự tử thực sự ở nhóm người nhập cư cao gấp 6,45 lần người đã định cư ở thành thị từ lâu. Trường hợp mới nhất của bạn sinh viên dường như khẳng định nhận định nêu trên trong báo cáo của UNICEF. Bạn ấy 19 tuổi, và cũng có thể nói là đang sống cuộc đời của một người nhập cư thành thị từ nông thôn. Bạn ấy hội đủ hai yếu tố tiềm tàng dẫn đến quyết định quyên sinh. Có lẽ, chúng ta, nhất là các bậc phụ huynh, cũng nên lưu ý các yếu tố này.

Nhân chuyện này cũng xin bàn thêm về một nhận định khác trong báo cáo của UNICEF. Báo cáo viết tại tỉnh Điện Biên, sự phổ biến của cây lá ngón, một loài cây độc gây chết người, dường như đã thúc đẩy hành vi tự tử tại địa phương, đặc biệt là các bạn gái người Hmong sống tại các nơi có loại cây này. Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu đã cho thấy hiệu ứng lan truyền của hành vi tự tử do bắt chước nhau qua mạng xã hội. Theo báo cáo của UNICEF, “trong một chừng mực nhất định, các phương tiện truyền thông đại chúng khi đưa tin về các em gái người Hmong ăn lá ngón tự tử, đã thổi phồng nhằm gây tin giật gân và cường điệu hóa hiện tượng này, và do đó có thể càng đổ thêm dầu vào lửa”.

Báo cáo viết tiếp, việc đưa tin giật gân không chỉ có thể gây ra nhiều trường hợp quyên sinh hơn, mà còn “làm trầm trọng hơn sự gạt ra ngoài lề và kỳ thị đối với các cộng đồng người Hmong (…) Hơn nữa, các em gái và phụ nữ trẻ Hmong, vốn đã phải đối mặt với một hệ thống chuẩn mực xã hội bất bình đẳng giới khắc nghiệt trong chính cộng đồng của mình (ví dụ, phải kết hôn sớm, bỏ học giữa chừng và hạn chế về khả năng di chuyển) lại còn phải chịu thêm một tầng kỳ thị và phân biệt nữa”.

Theo một số thống kê, hàng năm có khoảng  từ 800.000 đến 1 triệu người mất mạng vì tự kết liễu đời mình, so với khoảng 60 triệu người chết vì tất cả các lý do(3). Không có cách gì loại bỏ được hiện tượng này trong xã hội, nhưng hạn chế nó thì có. Nhằm làm được điều này, báo cáo của UNICEF đưa ra các khuyến nghị cần phải thực hiện liên quan đến chính sách, như tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng về tư vấn tâm lý và sức khỏe tâm thần, thực hiện mô hình sức khỏe tâm thần cộng đồng, nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội về những vấn đề liên quan đến tự tử, và tăng cường vai trò nồng cốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong trẻ em và thanh thiếu niên.

Trên thực tế điều kiện Việt Nam hiện nay, tất cả các khuyến nghị trên đều cần thiết và phải thực hiện về lâu về dài. Nhưng trên hết, mỗi người chúng ta cần ý thức được việc góp phần xây dựng một xã hội hòa ái, trong đó từng thành viên biết quan tâm đúng mức đến những người chung quanh – gia đình, hàng xóm, cộng đồng – là nền tảng cho một xã hội mang đến hạnh phúc cho mọi người.

Xét hoàn cảnh hiện nay với những chấn thương tâm lý ngày càng phổ biến vì hậu quả của đại dịch Covid-19, biết quan tâm lẫn nhau của mọi người sẽ là liều thuốc không mất tiền nhưng rất hiệu quả. Thay vì cứ cắm đầu, dán mắt vào màn hình điện thoại di động, hãy chăm sóc, thăm hỏi, thực sự quan tâm đến nhau. Hãy dẹp bỏ sự ích kỷ được hình thành bởi các mạng xã hội với những phút giây sống ảo để trở về với cuộc đời thực và người thân yêu chung quanh.

Chúng ta cùng thắp một nén hương cho bạn sinh viên đã ra đi. Với gia đình, bạn ấy đáng trách vì đã làm điều dại dột, nhưng với xã hội, bạn ấy rất đáng thương.

————-

(1)https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/me-nam-sinh-mat-tich-con-chao-di-nhap-hoc-nao-ngo-lai-ra-di-mai-mai-815908.html

(2)https://www.unicef.org/vietnam/media/1021/file/T%C3%B3m%20t%E1%BA%AFt%20v%E1%BA%A5n%20%C4%91%E1%BB%81%20t%E1%BB%AD%20t%E1%BB%AD.pdf

(3)https://www.theworldcounts.com/populations/world/deaths

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới