Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mục tiêu đến năm 2030, TPHCM đạt GRDP bình quân đầu người 14.500 đô la Mỹ

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó mục tiêu đến năm 2030, thành phố tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 đô la Mỹ.

Ảnh minh họa: T.Kiên

TTXVN đưa tin, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đưa TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nghị quyết cũng nêu TPHCM là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 đô la Mỹ; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Bộ Chính trị nhấn mạnh TPHCM tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực

Cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Quy hoạch, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố, phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái; xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Phát triển thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế – xã hội của TPHCM.

Hỗ trợ phát triển đồng bộ các thị trường; thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ số trong các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, du lịch, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế chất lượng cao… Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên các ngành và sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế; hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố; hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, tổ chức lại các mô hình hợp tác xã kiểu mới; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; xây dựng một số doanh nghiệp mang tầm quốc gia và toàn cầu.

Ảnh minh họa: Đ.Dương.

Bộ Chính trị yêu cầu TPHCM nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là lập Quy hoạch TPHCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển đô thị TPHCM theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng, đô thị xanh, đô thị thông minh, phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; kết hợp đồng bộ giữa cải tạo, chỉnh trang đô thị với phát triển đô thị mới, bảo đảm kiến trúc hài hòa, giữ gìn và phát huy các yếu tố văn hoá đặc trưng; tổ chức lại đời sống dân cư nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống trong quá trình cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị.

Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của thành phố bảo đảm tổng thể, đồng bộ và hiện đại; trong đó, chú trọng phân bổ hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hình thức đối tác công – tư (PPP).

Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến vành đai 3, 4, các đường cao tốc, đường sắt TPHCM – Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Xúc tiến đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mạng lưới đường sắt kết nối vùng TPHCM.

Chủ động thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu của thành phố trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực, địa phương trong cả nước.

Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng; hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực.

Cơ sở hạ tầng kết nối TPHCM và các địa phương lân cận là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của TPHCM và cả vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TL.

Bộ Chính trị cũng cho rằng, thí điểm chính sách mang tính đột phá để TPHCM chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển. Giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo, tạo điều kiện để thành phố có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Bộ Chính trị thống nhất ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế.

Xây dựng cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hóa trong các lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao; nâng cao hiệu quả các loại hình liên kết đầu tư trong các lĩnh vực này. Áp dụng thí điểm việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công – tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và khoa học – công nghệ.

Cho thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục.

Bộ Chính trị giao Thành ủy TPHCM xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, xác định các nhiệm vụ, giải pháp thật cụ thể, gắn kết chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành cùng xây dựng cơ chế để cụ thể hóa thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị; xem xét hoàn thiện thể chế, chính sách về đô thị đặc biệt, chính quyền đô thị; sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát thực hiện Nghị quyết mới.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới