Thứ Hai, 20/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lần đầu tiên kể từ năm 2006, Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, nguyên nhân được cho là do những “đối đầu địa chính trị” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhằm định hình lại chuỗi cung ứng.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm trong năm 2023 do đối đầu địa chính trị giữa hai bên đã thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh hơn trong chuỗi cung ứng. Ảnh: AP

Tác động từ chiến lược Friend-shoring?

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố trong tuần này, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc đã xuống dưới ngưỡng 14% trong tháng 11 của năm 2023. Thay thế cho vị trí mà Trung Quốc vốn luôn ở vị thế dẫn đầu trong nhiều năm qua khi xuất khẩu sang Mỹ là Mexico. Theo đó, nhập khẩu của Mỹ từ quốc gia này đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023, đạt 15% tổng nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2023.

Thị phần xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc tăng mạnh sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001, nhưng trên đà tuột dốc từ năm 2018 khi cựu Tổng thống Donald Trump áp thuế  với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ.

Thời gian qua, Mỹ tìm cách đa dạng hóa các nhà cung ứng từ nhiều nước cho các mặt hàng như điện tử tiêu dùng, may mặc, giày dép và các mặt hàng khác mà lâu nay vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Một số kết quả bước đầu cho thấy, nhập khẩu điện thoại thông minh từ Trung Quốc của Mỹ giảm khoảng 10%, trong khi nhập khẩu từ Ấn Độ tăng gấp 5 lần. Máy tính xách tay từ Trung Quốc giảm khoảng 30%, nhưng lượng nhập từ Việt Nam lại tăng 4 lần.

Một phần nguyên nhân có thể do chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn khuyến khích, nhằm thúc đẩy “friend-shoring” – tức duy trì chuỗi cung ứng trong phạm vi các nước đồng minh và đối tác tin cậy. Bên cạnh thúc đẩy friend-shoring với các đồng minh thì Nhà Trắng cũng đã duy trì mức thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 370 tỉ đô la Mỹ từ thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001. Ban đầu, Washington chọn hợp tác thương mại với Bắc Kinh, với ý đồ khai thác thị trường tiêu dùng khổng lồ của đại lục. Nhưng nội các của (cựu) Tổng thống Donald Trump lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và tác động của các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc đối với ngành sản xuất của Mỹ, vì thế, chính phủ Mỹ chuyển sang lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc và các đợt thuế quan “ăn miếng trả miếng” đã xảy ra giữa hai gã khổng lồ này.

Hiện chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét tăng thuế đối với xe điện, thiết bị năng lượng mặt trời và các con chip đời cũ. Các biểu thuế mới dự kiến sẽ được ban hành trong nửa đầu năm 2024.

Doanh nghiệp Trung Quốc đang đi vòng để đưa hàng hoá vào Mỹ?

Nhằm “thích nghi” với chính sách mới và để không mất đi một trong những thị trường quan trọng như Mỹ, các công ty Trung Quốc đang điều chỉnh cách thức làm ăn với người Mỹ.

Một trong những cách thức ấy là đẩy mạnh đầu tư vào Mexico – một nước láng giềng của Mỹ như Canada, cả ba nước này đã cùng nhau ký Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), có hiệu lực từ 7-2020. Vì thế, ở một góc độ nào đó, Trung Quốc đầu tư vào Mexico là tận dụng những lợi ích từ hiệp định này.

Do đó, năm 2022, hãng điện tử tiêu dùng Hisense của Trung Quốc bắt đầu sản xuất hàng loạt các mặt hàng tivi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt… tại nhà máy trị giá 260 triệu đô la ở một khu công nghiệp tại Monterrey, tiểu bang Nuevo León State. JAC Motors là hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào thị trường Mexico từ năm 2017, nhà máy lắp ráp mới JAC Mexico trị giá 1 tỉ đô la Mỹ sẽ hoạt động trong năm nay. SAIC Motor của Trung Quốc cũng có kế hoạch tương tự.

Theo Niels Graham của Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, lượng hàng xuất khẩu vào Mỹ ngày càng tăng từ nhiều quốc gia như Mexico và Việt Nam là ‘trung chuyển” chứ không phải là hoạt động sản xuất nội địa mới mà phía Chính phủ Mỹ hy vọng sẽ thấy qua hoạt động friend-shoring. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mexico đang tăng lên, cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc đã đặt cơ sở ở đó để hỗ trợ khâu lắp ráp cuối cùng.

Dù vậy, để tránh những rủi ro có thể phát sinh trong tương lai, Trung Quốc cũng đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Theo đó, Trung Quốc đang nâng cao vai trò của đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế, sử dụng đồng tiền riêng của mình thay cho đồng đô la Mỹ trong các giao dịch với Nga, Trung Đông và Nam Mỹ. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã tăng hơn 50% trong tháng 11 của 2023, khi so với cùng kỳ năm trước.

Theo Nikkei Asia, Mexico Business News

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới