Chủ Nhật, 1/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mỹ mở cuộc điều tra an ninh nhằm vào ứng dụng TikTok

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ mở cuộc điều tra an ninh nhằm vào ứng dụng TikTok

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Chính phủ Mỹ vừa mở cuộc điều tra an ninh nhằm vào vụ thâu tóm ứng dụng mạng xã hội Musical.ly với giá 1 tỉ đô la Mỹ được tiến hành bởi  công ty công nghệ ByteDance (Trung Quốc), chủ sở hữu của ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết dù vụ thâu tóm đã được hoàn tất cách đây hai năm, trong những tuần gần đây, các nghị sĩ Mỹ kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra an ninh nhằm vào TikTok. Họ lo ngại công ty ByteDance có thể kiểm duyệt các nội dung nhạy cảm về chính trị và nghi ngờ về cách thức mà công ty này lưu trữ dữ liệu của người dùng.

Mỹ mở cuộc điều tra an ninh nhằm vào ứng dụng TikTok
Ứng dụng TikTok đang tạo nên cơn sốt ở giới trẻ Mỹ. Ảnh: AP

TikTok ngày càng được tầng lớp thanh thiếu niên Mỹ yêu chuộng vào thời điểm mà Washington và Bắc Kinh đang căng thẳng về các vấn đề thương mại và công nghệ.

Khoảng 60% trong số 26,5 triệu người dùng tích cực hàng tháng của TikTok là giới trẻ ở Mỹ có độ tuổi từ 16-24.

Các nguồn tin cho biết Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra các vụ thâu tóm của các công ty nước ngoài tại Mỹ để xác định rủi ro an ninh, đã bắt đầu điều tra thương vụ thâu tóm Musical.ly.

Họ cho biết ByteDance đã không đề nghị CFIUS thẩm tra khi tiến hành thâu tóm Musical.ly cách đây hai năm.
CFIUS đang trao đổi với TikTok về các biện pháp mà ứng dụng này có thể triển khai để ngăn chặn TikTok bán các tài sản của Musical.ly.

“Trong khi chúng tôi không thể bình luận về tiến trình chỉnh đốn đang diễn ra, TikTok khẳng định rõ rằng chúng tôi không có ưu tiên nào cao hơn việc giành sự tin tưởng của người dùng và các cơ quan quản lý tại Mỹ”, người phát ngôn của TikTok, nói.

Tuần trước, trong thư gửi cho Quyền Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Joseph Macguire, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer và thượng nghị sĩ Tom Cotton đã yêu cầu điều tra rủi ro mà TikTok có thể gây ra với an ninh quốc gia Mỹ.

Họ cho hay họ lo ngại về việc nền tảng chia sẻ chia sẻ video ngắn này thu thập dữ liệu người dùng cũng như về việc liệu Trung Quốc có kiểm soát các nội dung mà người dùng Tik Tok ở Mỹ xem hay không. Họ cũng nêu ra khả năng TikTok có thể bị nhắm bởi các chiến dịch vận động ảnh hưởng từ nước ngoài.

Hôm 1-11, thượng nghị sĩ Schumer hoan nghênh thông tin về cuộc điều tra TikTok. Ông nói:  “Cuộc điều tra đã xác nhận mối lo ngại của chúng tôi rằng các ứng dụng như TikTok có thể áp đặt các rủi ro nghiêm trọng đối với hành triệu người Mỹ và cần phải bị giám sát gắt gao hơn”.

TikTok cho phép người dùng tạo và chia sẻ các video có kèm theo các hiệu ứng đặc biệt. Công ty này cho biết dữ liệu của người dùng Mỹ được lưu trữ tại Mỹ nhưng các thượng nghị sĩ Mỹ lưu ý rằng ByteDance, công ty mẹ của TikTok, bị quản lý bởi luật Trung Quốc.

TikTok cũng khẳng định Trung Quốc không có quyền tài phán về nội dung trên ứng dụng TikTok vốn không vận hành tại Trung Quốc và không chịu tác động bởi bất cứ chính phủ nước ngoài nào.

Các nguồn tin cho biết tháng trước, Alex Zhu, người sáng lập Musical.ly và là người đứng đầu nhóm quản lý TikTok, bắt đầu chuyển sáng báo cáo trực tiếp cho Giám đốc điều hành ByteDance Zhang Yiming.

Hồi tháng 10, thượng nghị sĩ Marco Rubio yêu cầu CFIUS thẩm tra thương vụ ByteDance thâu tóm Musical.ly. Ông đặt ra các câu hỏi như vì sao ứng dụng TikTok chỉ có vài đoạn video ngắn về cuộc biểu tình ở Hồng Kông vốn được đưa tin rộng khắp trên báo chí quốc tế trong nhiều tháng trời.

Hôm 1-11, viết trên Twitter, Rubio cho rằng bất kỳ nền tảng nào thuộc sở hữu của một công ty tại Trung Quốc và đang thu thập khối lượng dữ liệu khổng lồ về người Mỹ “đều là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đất nước chúng ta”.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley cũng cho rằng các lãnh đạo của TikTok phải đến dự một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần sau về chủ đề các công ty công nghệ gây rủi ro cho dữ liệu khách hàng tại Trung Quốc.
Mỹ đang gia tăng giám sát các nhà phát triển ứng dụng về cách mà họ xử lý dữ liệu cá nhân, đặc biệt là nếu các dữ liệu đó liên quan đến các quân nhân và nhân viên tình báo Mỹ.

Hồi tháng 5, Công ty game Beijing Kunlun Tech (Trung Quốc) cho biết sẽ bán ứng dụng hẹn hò dành cho người đồng tính Grindr sau khi CFIUS đặt ra các lo ngại an ninh quốc gia với ứng dụng này.

Năm ngoái, CFIUS đã buộc công ty dịch vụ tài chính Ant Financial của Alibaba phải từ bỏ kế hoạch thâu tóm công ty chuyển tiền MoneyGram International (Mỹ) vì lo ngại nguy cơ các dữ liệu của MoneyGram có thể được sử dụng để nhận diện danh tính công dân Mỹ.

ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh, là một trong những công ty khởi nghiệp phát triển nhanh nhất Trung Quốc. Công ty này nhận được các khoản đầu tư lớn từ tập đoàn đầu tư SoftBank (Nhật Bản), công ty đầu tư vốn mạo hiểm Sequoia Capital (Mỹ) và công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân khác như  KKR, General Atlantic, Hillhouse Capital Group.

Các ứng dụng của ByteDance có khoảng 1,5 tỉ người dùng thường xuyên hàng tháng và 700 triệu người dùng thường xuyên hàng ngày.

ByteDance đạt doanh thu hơn 7 tỉ đô la trong nửa đầu năm nay và được định giá 78 tỉ đô vào hồi năm ngoái.
Theo công ty phân tích thị trường Sensor Tower, trong sáu tháng đầu năm nay, TikTok vượt mặt Facebook, Instagram và Snapchat để trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất từ kho ứng dụng App Store của Apple.

Theo Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới