(KTSG Online) – Mỹ cho rằng các công ty năng lượng châu Âu đã trục lợi từ cuộc khủng hoảng khí đốt bằng cách mua khí đốt hỏa lỏng (LNG) của Mỹ theo các hợp đồng dài hạn với giá thấp và bán lại trong khu vực với giá cao. Lập luận này phản bác chỉ trích trước đó của các nước châu Âu nói Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép khi bán khí đốt ở thị trường trong nước với giá thấp nhưng lại bán sang châu Âu với giá cao hơn nhiều lần.
- Doanh nghiệp dầu khí Mỹ thu lợi nhuận 200 tỉ đô la kể từ chiến tranh Nga-Ukraine
- Châu Âu đang diễn biến tích cực trong cuộc chiến khí đốt với Nga
- Tàu chở LNG ùn ứ ở châu Âu, khiến giá khí đốt giảm mạnh
Chính phủ Mỹ khẳng định các tập đoàn năng lượng châu Âu là những người chiến thắng thực sự trong thương mại LNG xuyên Đại Tây Dương, đồng thời phản bác các cáo buộc từ châu Âu cho rằng các nhà sản xuất dầu khí ở Mỹ đang trục lợi trong bối cảnh châu Âu chạy đua tìm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga.
Brad Crabtree, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ, nói chính các công ty năng lượng ở châu Âu mới là bên được hưởng lợi từ chênh lệch giá khí đốt giữa Mỹ và châu Âu, chứ không phải các nhà sản xuất của Mỹ.
Ông nói với tờ Financial Times: “Điều đang xảy ra là có nhiều công ty nắm giữ các hợp đồng mua dài hạn với các nhà sản xuất LNG của Mỹ và họ đang tăng giá bán lại để kiếm được lợi nhuận ở thị trường châu Âu. Đó không phải là công ty LNG của Mỹ mà phần lớn là các công ty năng lượng và kinh doanh dầu khí quốc tế có trụ sở chính ở châu Âu”.
Các tập đoàn năng lượng và các công ty kinh doanh hàng hóa lớn nhất của châu Âu, bao gồm BP, Shell, Glencore và Vitol, đều có các hợp đồng mua dài hạn với các nhà sản xuất LNG của Mỹ.
BP báo cáo lợi nhuận quí 3 đạt 8,2 tỉ đô la Mỹ vào tuần trước và ghi nhận lợi nhuận đột biến đến từ mảng kinh doanh khí đốt. Shell, nhà kinh doanh LNG lớn nhất thế giới, đạt lợi nhuận hơn 30 tỉ đô la Mỹ trong chín tháng đầu năm, phá vỡ kỷ lục lợi nhuận hàng năm 31 tỉ đô la Mỹ được thiết lập vào năm 2008.
Giá LNG giao ngay tại châu Âu đã hạ nhiệt trong những tuần gần đây, xuống còn khoảng 25 đô la Mỹ/1 triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) sau khi đạt mức cao kỷ lục hơn 70 đô la Mỹ/mmBtu trong mùa hè vừa qua. Trong khi đó, giá LNG ở thị trường nội địa của Mỹ dao động từ 5-10 đô la Mỹ/mmBtu kể từ khi Nga phát động chiến tranh ở Ukraine.
Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép khi giữ giá bán khí đốt trong nước ở mức thấp nhưng lại bán nhiên liệu này sang châu Âu với mức giá cao kỷ lục. Ông cho rằng tiêu chuẩn kép này đã tạo “siêu lợi nhuận” không đáng có cho các nhà sản xuất năng lượng ở Mỹ và Na Uy, hai nước này đã đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt sang châu Âu kể từ khi xung đột Nga- Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2.
Ông kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hợp tác với nền kinh tế châu Á để yêu cầu Mỹ và Na Uy thể hiện thiện chí bằng cách giảm giá bán khí đốt. Trong một cuộc tranh luận tại quốc hội Pháp, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cũng chỉ trích Mỹ bán LNG cho các công ty châu Âu với giá cao gấp 4 lần so với giá bán tại Mỹ.
Ông nói rằng Mỹ không nên chi phối thị trường năng lượng toàn cầu khi EU phải gánh chịu hậu quả từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Hồi đầu tháng 10, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cáo buộc các nhà xuất khẩu LNG, bao gồm cả Mỹ, tính giá bán quá cao cho khí đốt xuất khẩu sang châu Âu vào thời điểm nền kinh tế Đức đang vật lộn để hạn chế tiêu thụ năng lượng. Ở thời điểm này Nga đã cắt đứt nguồn cung khí đốt và các công ty Đức đang đóng cửa các cơ sở sản xuất do chi phí khí đốt cao.
Ông nhắc nhở rằng Mỹ đã phải cần sự trợ giúp của EU khi giá dầu thô đang tăng vọt. Đáp ứng lời kêu gọi của Mỹ, các nước châu Âu đã phối hợp bán dầu dữ trự để giúp hạ nhiệt thị trường trong năm nay.
Cuộc chạy đua tranh mua khí đốt của châu Âu đã làm ảnh hưởng đến thương mại LNG toàn cầu, với việc Mỹ và các nhà xuất khẩu lớn khác chuyển các chuyến hàng LNG sang châu lục này. Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt được một thỏa thuận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen để tăng chuyến hàng LNG của Mỹ đến châu Âu.
Mỹ cạnh tranh với Qatar vị thế nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới và có kế hoạch tăng đáng kể nguồn cung LNG trong thập niên tới.
Cheniere Energy, nhà xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ, cho biết khoảng 70% các chuyến hàng LNG từ các cơ sở sản xuất của công ty ở bang Texas và bang Louisiana là đến châu Âu, so với khoảng 30% vào năm ngoái.
Brad Crabtree, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ, nhấn mạnh Mỹ cam kết đáp ứng nhu cầu khí đốt của châu Âu với “mức giá bán phù hợp”.
Ông nói: “Vì vậy, điều mà chúng tôi đặc biệt quan tâm là cuộc thảo luận ở châu Âu đang được trình bày như thể chúng tôi có một số quyền kiểm soát đối với lợi nhuận thu được từ LNG của chúng tôi dù không phải như vậy”.
Theo Financial Times, Bloomberg