Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nắng nóng và chết chóc!

Anh Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mười, hai mươi năm trước, chúng ta hô hào “cứu lấy Trái Đất”, nhưng nay, việc “cứu lấy Con Người” còn cấp bách hơn. Chỉ một đợt nắng nóng mới nhất tràn qua Ấn Độ đã có thể lấy đi gần trăm sinh mạng. Các nước Đông Nam Á mất cảnh giác trước những đợt nắng nóng tàn bạo nhất, kéo dài từ tháng 4 qua tháng 5 và sang cả tháng 6. Tuy chưa có công bố thống kê số người chết, nhưng dễ thấy vì nó mà tình trạng người nhập viện cũng như những thiệt hại gia tăng, bao gồm suy giảm năng suất, thiệt hại du lịch, sự tàn phá đường sá, lưới điện.

Trên bản đồ Chỉ số về mức độ thích nghi của con người (Thermal Comfort Index), kể từ đầu tháng 4, Việt Nam nằm giữa vùng màu đỏ - rất không thoải mái, cùng khối với Ấn Độ và Pakistan là những nước tiếp xúc sớm nhất với nguồn nhiệt nguy hiểm. Trên biểu đồ Vạch nóng (Warming Stripe), nhiệt độ tại Việt Nam chuyển từ màu xanh sang màu đỏ.

Người ta cảnh báo rằng những con số kỷ lục trên 40 độ C hồi đầu năm sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới. Và 40 độ C là cái ngưỡng mà cơ thể con người không còn khả năng tự điều chỉnh thân nhiệt, cái ngưỡng mà các nhà khoa học phải thốt lên: “Con người tiến gần đến giới hạn của khả năng sống sót”.

Trên thực tế tại các xứ nhiệt đới nóng ẩm như nước ta, con số này có thể hạ xuống mức 35 độ C, bởi nhiệt độ cảm nhận thực tế (realfeel) ở những nơi này thường cao hơn nhiều so với nhiệt độ quan trắc. Nhiệt độ khắc nghiệt như vậy đang tấn công mạnh nhất vào người nghèo và những thành phần dễ bị tổn thương.

Nói cách khác, chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và cả người dân sẽ phải thức tỉnh về nghề nghiệp, tuổi tác, tình trạng sức khỏe và khuyết tật, khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tình trạng kinh tế xã hội, thậm chí cả giới tính, bởi chúng quyết định mức độ tổn thương của mỗi người trước sóng nhiệt.

Những người phải làm công việc tiếp xúc với điều kiện cực nóng và ẩm ướt có nguy cơ bị áp lực nhiệt cao nhất. Đáng chú ý, với những người làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, một ngày làm việc bị mất đi là một ngày họ không có thu nhập, mà theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì hơn 60% lao động ở Đông Nam Á làm việc trong khu vực phi chính thức.

Công bố tài liệu nghiên cứu trên tập san Nature Sustainability, Timothy Lenton, Giám đốc Viện Hệ thống toàn cầu tại Đại học Exeter, cho biết “cứ mỗi 0,1 độ C nóng lên trên mức trung bình hiện tại, sẽ có thêm khoảng 140 triệu người tiếp xúc với nhiệt độ nguy hiểm”. Tổ chức về khí hậu của Liên hiệp quốc Human Climate Horizons dự báo trong hai thập kỷ nữa, nếu mọi chuyện vẫn diễn ra như hiện nay, thì tại Đông Nam Á, Thái Lan và Myanmar sẽ chứng kiến 30 ca tử vong vì nắng nóng trên một triệu dân và con số này tại Campuchia là 40.

Các đợt nắng nóng gay gắt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cá nhân mà còn đe dọa môi trường và sinh kế của người dân, làm xấu đi chất lượng không khí, phá hoại mùa màng, làm sông ngòi và các đập thủy điện cạn nước, tăng nguy cơ cháy rừng và phá hủy cơ sở hạ tầng. Nhưng thường thì các chính phủ chỉ đưa ra những khuyến cáo như người dân nên ở trong nhà, nhớ cung cấp đủ nước…

Đối phó với tình trạng chết chóc này thì bấy nhiêu là chưa đủ, hơn nữa, gánh nặng chi phí vẫn đổ lên vai các cá nhân. Điều cần thiết lúc này là một kế hoạch quốc tế gắn kết có thể bảo vệ những nhóm dân số dễ bị tổn thương và các biện pháp chủ động để ngăn chặn các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Các chính phủ cần phát triển các giải pháp quy mô lớn bao gồm: cảnh báo sớm, làm mát thụ động và chủ động cho mọi người, quy hoạch lại đô thị, tổ chức cơ quan chuyên môn và thiết lập chương trình mục tiêu chống nóng cấp thời cũng như dài hạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới