Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Năng suất lao động thấp là “tại” nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năng suất lao động thấp là “tại” nông nghiệp

Thuỳ Dung

Năng suất lao động thấp là
Bộ trưởng Nguyễn Quân – Ảnh: Thuỳ Dung chụp màn hình TV

(TBKTSG Online) – Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam thấp là do tỉ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế còn quá cao. Vì vậy, nếu muốn tăng năng suất lao động, không còn cách nào khác là phải giảm tỉ trọng trong nông nghiệp.

Tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền diễn ra sáng 19-11, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng khi Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá có năng suất lao động (NSLĐ) rất thấp và liên tục tụt hạng so với các nước trong khu vực.

Để giải đáp rõ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với NSLĐ bình quân của khu vực ASEAN. Hiện nay, NSLĐ của chúng ta chỉ bằng một nửa của Thái Lan và bằng 1/14 NSLĐ của Singapore.

Bộ trưởng Quân thừa nhận điều này cho thấy tác động của khoa học công nghệ (KHCN) tới tăng NSLĐ của người lao động Việt Nam còn hạn chế.

Trong bối cảnh hiện nay, KHCN chính là yếu tố quan trọng nhất tác động tới NSLĐ, chất lượng của sản phẩm, hàng hoá. Kinh nghiệm của tất cả các quốc gia cho thấy đầu tư cho KHCN chính là nâng cao NSLĐ và tạo ra sản phẩm hàng hoá có chất lượng tốt.

Bộ trưởng Quân kể lại, cách đây 10 năm, khi ông tới khu công nghệ cao Tân Trúc của Đài Loan, tại đây chỉ có 100.000 lao động nhưng đã xuất khẩu tới 43 tỉ đô la Mỹ; nghĩa là bình quân một lao động ở đó có thể làm ra trên 400.000 đô la xuất khẩu.

"Chúng ta có đầu tư như thế nào cho nông nghiệp đi chăng nữa thì NSLĐ của chúng ta cũng không thể cạnh tranh được với thế giới. NSLĐ cho dù được cải thiện nhưng tỉ trọng nông nghiệp lớn thì GDP quốc gia cũng không thể tăng trưởng tốt được",

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân

Tại Việt Nam cũng có những doanh nghiệp nước ngoài như Samsung dự kiến đạt doanh thu xuất khẩu trên mỗi lao động khoảng 400.000 đô la Mỹ. Doanh nghiệp Việt Nam như Công ty cổ phần sơn Hải Phòng đã tiếp nhận và quản lý được công nghệ sơn của Nhật Bản; tuy NSLĐ không cao được như Samsung nhưng năm 2010 họ đã đạt được NSLĐ khoảng gần 100.000 đô la Mỹ/người/năm.

Trong khi đó, nếu nhìn sang lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Quân cho hay, chúng ta có khoảng 40 triệu lao động nông nghiệp, hàng năm sản xuất trên 43 triệu tấn gạo và xuất khẩu trung bình từ 7 đến 8 triệu tấn. Như vậy, có thể thấy một lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ có thể làm ra một tấn gạo cộng thêm một số thực phẩm khác, với giá gạo xuất khẩu bình quân trên dưới 400 đô la Mỹ/tấn.

Như vậy, mỗi lao động nông nghiệp một năm làm ra trên dưới 400 đô la Mỹ, bằng 1/1.000 so với công nghệ cao Tân Phúc và 1/250 so với Công ty Sơn tổng hợp Hải Phòng.

“Đây là chưa kể trong nông nghiệp NSLĐ thấp nhưng giá trị gia tăng thấp hơn, vì đầu vào liên tục tăng. Người nông dân một nắng hai sương bán một tấn gạo xuất khẩu nhưng hiếm khi có lợi nhuận được 30%, mà thường chỉ được từ 5 đến 10% thậm chí còn thua lỗ”, Bộ trưởng Quân nói.

Trong 3 năm qua (2011-2013), tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam chỉ khoảng 3% trong khi GDP vẫn tăng trưởng trên dưới 5%. Tức tăng NSLĐ còn tăng chậm hơn mức tăng GDP quốc gia. Đây là một cảnh báo nếu chúng ta không có những điều chỉnh thì chính NSLĐ tăng chậm như vậy sẽ kéo tăng trưởng GDP quốc gia xuống.

Bộ trưởng Quân cho hay, việc có tăng được NSLĐ hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tái cơ cấu ngành kinh tế, phụ thuộc vào việc tăng tỉ trọng công nghiệp và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nền kinh tế.

"Chúng ta có đầu tư như thế nào cho nông nghiệp đi chăng nữa thì NSLĐ của chúng ta cũng không thể cạnh tranh được với thế giới. NSLĐ cho dù được cải thiện nhưng tỉ trọng nông nghiệp lớn thì GDP quốc gia cũng không thể tăng trưởng tốt được", Bộ trưởng Quân nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới