Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng 2023 – nhiều thách thức đang chờ đón

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm một năm 2022 tăng trưởng lợi nhuận khả quan, tuy nhiên thách thức đang ngày càng lớn hơn trong năm 2023 này, từ xu hướng lãi suất, nợ xấu hay khả năng buộc phải tăng trưởng chậm lại.

Sau sự cố SCB, niềm tin người gửi tiền phần nào bị ảnh hưởng, thanh khoản cục bộ tại một số ngân hàng trở nên căng thẳng hơn. Ảnh: LÊ VŨ

Thách thức lãi suất tăng

VietinBank ngày 5-1-2023 bất ngờ công bố mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 ở con số cụ thể là 19.451 tỉ đồng, tăng 15,4% so với năm 2021. Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông đầu năm 2022, ngân hàng này chỉ công bố con số tương đối khi dự kiến lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 tăng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của cơ quan nhà nước.

Như vậy, sau khi hết năm tài chính, VietinBank mới công bố chính thức con số cụ thể cho kế hoạch lợi nhuận năm 2022. Điều này đồng nghĩa con số kế hoạch lợi nhuận mà VietinBank đặt ra có lẽ đã được hoàn thành. Khái quát hóa câu chuyện tại VietinBank thành bức tranh rộng lớn hơn của toàn ngành, có thể thấy một lần nữa dù chịu ảnh hưởng của không ít các yếu tố bất lợi khi chính sách tiền tệ bắt đầu đảo chiều thắt chặt trở lại, ngành ngân hàng năm 2022 vẫn ghi nhận kết quả lợi nhuận tăng trưởng tích cực và nằm trong nhóm tạo lãi tốt nhất trong nền kinh tế hiện nay.

Không chỉ chịu ảnh hưởng từ định hướng của cơ quan quản lý, ngay chính các ngân hàng cũng có thể buộc phải kiềm chế tín dụng, nhất là khi nguồn lực có thể bị san sẻ cho công tác xử lý nợ xấu nếu các khoản vay dần trở nên rủi ro cao hơn.

Tuy nhiên, những thách thức trong năm 2023 này được dự báo có thể gia tăng lớn hơn, khi các đợt tăng mạnh lãi suất huy động trong những tháng cuối năm sẽ bắt đầu phản ánh lên tốc độ tăng của chi phí vốn rõ hơn trong năm nay, kéo theo biên lợi nhuận ngày càng chịu áp lực thu hẹp.

Thực tế cho thấy so với các nền kinh tế khác, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn kiểm soát được những bất ổn vĩ mô và sự tác động tiêu cực từ thị trường tài chính quốc tế trong năm vừa qua. Trong khi các ngân hàng trung ương khác đã sớm thắt chặt chính sách tiền tệ và liên tục nâng lãi suất ngay từ đầu năm 2022, mãi đến tháng 9-2022 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới bắt đầu có động thái nâng lãi suất điều hành và khép lại năm 2022 cũng chỉ với hai lần tăng lãi suất điều hành, mỗi lần tăng 1 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, bất chấp chính sách lãi suất điều hành được điều chỉnh chỉ ở mức tương đối, cuộc đua lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại lại diễn ra quyết liệt hơn, đặc biệt là từ cuối quí 3 và nửa đầu quí 4-2022. Các mốc lãi suất huy động kỷ lục lần lượt bị các ngân hàng phá vỡ, khi thanh khoản cục bộ tại một số ngân hàng trở nên căng thẳng trong bối cảnh niềm tin người gửi tiền phần nào bị ảnh hưởng từ sự cố SCB, trong khi việc tiếp cận vốn trên thị trường liên ngân hàng cũng bị tắc nghẽn do các ngân hàng lớn dồi dào thanh khoản nâng mức độ kiểm soát rủi ro lên cao hơn.

Hệ quả là trong khi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng hầu hết chỉ tăng thêm 2 điểm phần trăm theo mức điều chỉnh trần lãi suất tiền gửi của nhà điều hành, thì với các kỳ hạn dài hơn - từ 6 tháng trở lên, mức tăng thêm trong năm 2022 lên đến 3-4 điểm phần trăm, đánh dấu mức tăng trưởng nhanh và mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dù về giai đoạn cuối năm, nhiều ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất huy động về mức 9,5% theo kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng, nhưng có lẽ câu chuyện lãi suất sẽ vẫn là tâm điểm trong năm 2023 này.

Đáng chú ý là nếu như các đợt tăng lãi suất tiền gửi vừa qua chưa phản ánh hoàn toàn vào chi phí vốn năm 2022 của các ngân hàng, do nhiều ngân hàng đã tăng huy động được một lượng tiền gửi trung và dài hạn trong những năm trước đó, cũng như từ việc phát hành trái phiếu, thì bước sang năm 2023 khi các khoản tiền gửi trung và dài hạn trước đây đáo hạn và được gửi lại theo khung lãi suất huy động mới hiện đang nằm ở mức cao hơn nhiều so với trước, các ngân hàng sẽ thấy chi phí vốn phản ánh rõ nét hơn với tốc độ tăng nhanh hơn.

Ở chiều ngược lại, kiềm chế lãi suất cho vay lại tiếp tục được đặt ra như là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành ngân hàng trong giai đoạn tới. Trong Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ, giải pháp hoạt động ngân hàng năm 2023 gần đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đưa ra yêu cầu NHNN phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay.

Nguy cơ nợ xấu cùng tăng trưởng chậm lại

Không chỉ đối mặt với thách thức biên độ lãi thu hẹp lại, xu hướng lãi suất tăng nhanh cũng dẫn đến nguy cơ nợ xấu gia tăng cho hệ thống ngân hàng.

Thứ nhất là với lãi suất cao hơn, chi phí tài chính của doanh nghiệp sẽ gia tăng, những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả khó có thể kham nổi mức lãi suất cho vay được điều chỉnh mới, đồng nghĩa với hoạt động sẽ càng thêm khó khăn và đứng trước nguy cơ không thể trả nợ đúng hạn.

Thứ hai là lãi suất cao cũng kéo theo tiềm ẩn nguy cơ suy thoái như nhiều chuyên gia phân tích đã chỉ ra. Trong một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, rõ ràng hoạt động của các doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu, vì vậy càng tác động tiêu cực lên khả năng trả nợ của doanh nghiệp, nhất là với những doanh nghiệp đã được tái cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong hai năm qua. Nợ tái cơ cấu do dịch Covid-19 có thể chuyển thành nợ xấu cũng đã được nói đến nhiều trong thời gian qua.

Đứng trước rủi ro nợ xấu gia tăng, ngành ngân hàng càng có động lực phải thắt chặt và kiểm soát các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn, kéo theo hoạt động tín dụng sẽ đứng trước khả năng tăng trưởng khó khăn hơn. Ngoài ra, với chính sách tiền tệ vẫn trong xu hướng thắt chặt, nhà điều hành cũng có thể chưa hết hạn chế tăng trưởng tín dụng hơn so với giai đoạn trước.

Như vậy, không chỉ chịu ảnh hưởng từ định hướng của cơ quan quản lý, ngay chính các ngân hàng cũng có thể buộc phải kiềm chế tín dụng, nhất là khi nguồn lực có thể bị san sẻ cho công tác xử lý nợ xấu nếu các khoản vay dần trở nên rủi ro cao hơn. Về phía khách hàng, lãi suất cao cũng làm giảm đi động lực vay vốn để mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tất cả những điều này đều có thể khiến quy mô của các ngân hàng tăng trưởng chậm hơn so với những năm vừa qua.

Nhu cầu tăng trưởng cũng có thể bị níu chân bởi các tiêu chuẩn, tỷ lệ, hệ số an toàn ngày càng được nâng cao theo yêu cầu của nhà điều hành, khi mà để đáp ứng theo các tiêu chuẩn mới này các ngân hàng phải liên tục tăng vốn trong những năm tới. Đây cũng là một trong những thách thức khá lớn của không ít ngân hàng trong năm nay, đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã giảm đi sức hấp dẫn.

Cũng cần nhắc lại rằng tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, mục tiêu đầu tiên tiếp tục đặt ra yêu cầu triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn; phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10-11%. Ngoài ra, NHNN cũng phân nhóm các ngân hàng theo vốn điều lệ, theo đó nhóm 1 phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỉ đồng; nhóm 2 được xem là nhỏ và trung bình phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỉ đồng; nhóm 3 là các ngân hàng còn lại. Việc phân nhóm này có thể là một trong những cơ sở để nhà điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, vì vậy thách thức tăng vốn sẽ tiếp tục được đặt ra như đã nói.

Trong khi đó, hoạt động liên kết bảo hiểm hay tư vấn, phát hành trái phiếu - vốn đóng góp rất lớn vào lợi nhuận của không ít ngân hàng trong những năm gần đây, cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn và do đó cũng sẽ ảnh hưởng lên kết quả hoạt động và tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng trong năm nay. Đó là chưa nói đến mảng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từng “hái ra tiền” một thời nay cũng có thể chuyển thành rủi ro tiềm ẩn, mang đến thiệt hại cho các ngân hàng đã trót ôm một lượng lớn hoặc tham gia sâu vào công tác phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho chính các khách hàng gửi tiết kiệm của mình.

1 BÌNH LUẬN

  1. Năm 2023, điều hành chính sách tiền tệ linh hoat thích ứng diễn biến tình hình thế giới và trong nước. Điều quan trọng là tìm điểm cân bằng hài hòa lạm phát, lãi suất, tỉ giá để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất góp phần tăng trưởng kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới