Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng vận hành hệ sinh thái giao dịch đa kênh

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bên cạnh việc nâng cấp các ứng dụng trực tuyến, các ngân hàng cũng tập trung cải thiện các hình thức giao dịch ngoại tuyến, đa dạng kênh giao dịch và mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng.

Ngày càng nhiều ngân hàng ra mắt các ứng dụng số, nhưng cũng có nhiều ngân hàng tập trung giới thiệu nền tảng giao dịch “offline”, chẳng hạn như Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) vừa ra mắt hệ thống giao dịch OneBank, giúp khách hàng có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng vào bất kỳ lúc nào.

Ngoài những dịch vụ cơ bản, hệ thống mới được bổ sung tính năng mới có thể nộp, rút tiền từ tài khoản của tất cả các ngân hàng tại Việt Nam bằng mã QR (theo tiêu chuẩn VIETQR), tức không cần thẻ vật lý.

Khách hàng có thể nộp tiền, rút tiền đến các ngân hàng khác bằng mã QR. Ảnh minh họa: DNCC.

Đại diện NamABank cho biết hiện có ngân hàng có khoảng 50 máy OneBank đặt tại các phòng giao dịch và cả trung tâm thương mại. Định hướng của ngân hàng là đặt máy ở nhiều địa điểm khác nhau, chứ không chỉ chi nhánh ngân hàng.

Ông Trần Khải Hoàn, Phó tổng giám đốc thường trực Nam A Bank, cho biết việc ra mắt OneBank được xem là sự kiện công nghệ lớn nhất trong năm của ngân hàng, đồng thời đánh dấu bước chuyển mới trong hành trình chuyển đổi số.

“Hệ sinh thái số OneBank sẽ góp phần gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường tài chính, phát triển bền vững cũng như tạo ra những làn sóng công nghệ mới. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ trở thành ngân hàng số sáng tạo”, ông Hoàn nói.

Trước đó, Nam A Bank cũng đã giới thiệu robot giao dịch tự động gọi là OPBA, một hình thức giao dịch không tiếp xúc mới để khách hàng lựa chọn. Như vậy, hệ sinh thái số của Nam A Bank bao gồm hệ thống OneBank, ứng dụng giao dịch trực tuyến Open Banking và các robot OPBA.

Khái niệm ngân hàng mở, hệ sinh thái ngân hàng đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Theo đó, các ngân hàng sẽ tích hợp thêm nhiều dịch vụ khác nhau từ các đối tác, để giúp các khách hàng của mình có thêm nhiều sự lựa chọn.

Chia sẻ tại lễ ra mắt hệ sinh thái số OneBank của Nam A Bank, ông Lê Trung Thành, Giám đốc chuyển đổi số IDG Việt Nam, cho rằng ở góc độ người dùng, hệ sinh thái của ngân hàng phải đáp ứng đủ 3 yếu tố thì mới có thể lan tỏa trong cuộc sống người tiêu dùng.

Yếu tố đầu tiên là các ngân hàng phải trở nên “thông minh” hơn trong vấn đề thu thập quản trị và xử lý dữ liệu khách hàng, đưa ra được những sản phẩm dịch vụ đón đầu thị trường. Tiếp theo là phải đáp ứng được trải nghiệm của khách hàng, bao gồm người tiêu dùng, các đối tác và cả nội bộ. Thứ ba là hệ sinh thái số phải được mở rộng, đồng bộ về tiêu chuẩn và triết lý kinh doanh của ngân hàng.

Trước đó, ngày 10-12, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1977, thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác chuyển đổi số ngành ngân hàng. Trong kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là đến 2030 có ít nhất 70% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. Kết quả khảo sát trước đó cho thấy có khoảng 95% tổ chức tín dụng ở Việt Nam đã xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số hoặc trong quá trình hoàn thiện.

Tỷ lệ khách hàng Việt Nam dùng các công cụ ngân hàng số ít nhất một lần trong tháng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017 - 2021, từ 41% lên 82%, theo khảo sát dịch vụ tài chính cá nhân về hành vi sử dụng ngân hàng số của McKinsey, dựa trên khoảng 20.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng ở thành thị tại 15 thị trường châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

3 BÌNH LUẬN

  1. Chuyển đổi số (CĐS) trên lĩnh vực ngân hàng có thể đánh giá là mạnh mẽ và hiệu quả nhất so với các lĩnh vực khác. Có thể cảm nhận rõ điều này thông qua những lợi ích mà khách hàng được tận hưởng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid. Điều này nhờ vào sự cởi mở linh hoạt trong chính sách quản lý cũng như sự năng động của chính hệ thống ngân hàng. Vấn đề lớn nhất hiện nay không chỉ là tốc độ nhanh hay chậm nữa mà là lựa chọn đúng định hướng, CĐS phải đi đôi với chuyển đổi mô hình và nhân lực để có thể tiếp cận với xu thế chung của thế giới.

  2. Ngân hàng làm được vì có doanh thu, lợi nhuận tốt nhất trong các ngành của kinh tế Việt Nam thời đại dịch Covid này.
    Ngành bất động sản cũng đang cố gắng và đã mang lại những sản phẩm số tốt đến khách hàng: nhà thông minh, livestream xem nhà, hợp đồng điện tử…

  3. Ngân hàng đừng bao giờ chủ quan. Càng hiện đại hóa thì nguy cơ đối mặt với rủi ro ngày càng tăng. Chuyển đổi số chỉ là công cụ để đồng hành cùng khách hàng. Còn nhân sự “tinh hoa/ chuyên nghiệp cao” mới là sự bảo đảm bền vững nhất cho họ và nền kinh tế đất nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới