Thứ Bảy, 6/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ngành ngân hàng: Kỳ vọng điểm xấu nhất đã dần qua!

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(PTNH) – Kỳ vọng đối với ngành ngân hàng hiện tại là tín dụng sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023 nhưng không loại trừ khả năng việc phục hồi sẽ ở mức hạn chế bất chấp lãi suất liên tục giảm do tổng cầu quốc tế và nội địa đều đang yếu.

STB có thể là mã sẽ mang đến những câu chuyện thú vị trong năm 2024. Ảnh: T.L

Khó khăn vẫn hiện hữu

Ngành ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư, không chỉ vì đây là ngành huyết mạch của nền kinh tế mà còn chiếm đến 30% vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Đây cũng là ngành rất nhạy cảm với tình hình kinh tế vĩ mô cũng như sự điều chỉnh chính sách từ Chính phủ, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Điều này được thể hiện rõ nét trong khoảng thời gian từ giữa năm 2022 đến nay.

Cụ thể hơn, lãi suất đang cho thấy xu hướng giảm khá mạnh. Sau ba lần hạ lãi suất điều hành liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kể từ đầu năm, tính tới ngày 29-5-2023, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm khoảng 2-3 điểm phần trăm tại nhiều ngân hàng. Đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tư nhân, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện đang quanh mức 8-8,5%/năm còn đối với các NHTM cổ phần gốc quốc doanh thì lãi suất này ở quanh mức 7%/năm.

Ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong năm nay sẽ chỉ ở mức 10%. Các cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý bao gồm VCB, ACB do hoạt động cho vay thận trọng và kiểm soát tốt chi phí.

Đến ngày 16-6, NHNN phát đi thông báo về việc giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp. NHNN đang cho thấy định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ khá rõ nét, phản ánh không chỉ qua việc cắt giảm lãi suất mà còn thông qua một số thông tư liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cho phép các NHTM cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam chưa hồi phục được như kỳ vọng, tác động đối với ngành ngân hàng là không thể tránh khỏi. Điều này được thể hiện qua những yếu tố như: tăng trưởng tín dụng yếu đi, tỷ lệ hình thành nợ xấu cao hơn dự kiến, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) thu hẹp và thu nhập ngoài lãi tăng chậm lại.

Cụ thể, về tăng trưởng tín dụng, tính đến cuối quí 1-2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới chỉ đạt 2,1% so với đầu năm (thấp hơn đáng kể so với mức 5-6% các quí cùng kỳ trước). Trong đó, các NHTM có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp lớn có tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành như TCB, HDB, VPB, TPB, MSB… Ngược lại, tín dụng tại các ngân hàng tập trung cho vay cá nhân ghi nhận xu hướng giảm hoặc tăng chậm lại so với đầu năm như ACB, VIB, STB… Nguyên nhân là nền kinh tế suy yếu đã ảnh hưởng lên thu nhập cũng như khả năng trả nợ của các khách hàng cá nhân, theo đó làm giảm nhu cầu vay.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng giảm nhanh hơn dự kiến. Vấn đề này không chỉ xuất phát từ thị trường bất động sản mà còn từ các lĩnh vực khác do tình hình kinh tế không thuận lợi. Trong quí 1-2023, nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng đáng kể (24% và 44% so với đầu năm). Theo đó, tại thời điểm cuối quí 1-2023, tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu lần lượt là 2,54% và 1,76%. Một điểm đáng lưu ý nữa là mặc dù tỷ lệ nợ xấu tăng lên nhưng chi phí tín dụng lại không tăng tương ứng. Vì vậy, gánh nặng trích lập dự phòng có thể còn tăng trong quí 2-2023.

Về tỷ lệ thu nhập lãi thuần, NIM trung bình của 25 ngân hàng niêm yết giảm 18 điểm cơ bản trong quí 1-2023 do các ngân hàng phải hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng. Hơn nữa, NIM của một số NHTM như TCB, TPB, VPB, MBB… giảm đáng kể còn do lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng (hai lĩnh vực có lợi suất cao hơn các khoản cho vay thông thường) đang khó khăn. Nhận định chung trong năm 2023, NIM của các NHTM cho vay khách hàng doanh nghiệp nhiều, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp lớn, huy động chỉ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng, sẽ giảm mạnh hơn toàn ngành. Ngược lại, nhóm các ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ và có nguồn huy động đa dạng như VIB, MBB… sẽ hạn chế được rủi ro NIM thu hẹp.

Lạc quan thận trọng

Theo Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), triển vọng của ngành ngân hàng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào sự tiến triển về mặt pháp lý của các dự án bất động sản. Hiện tại, vấn đề này đang được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, thay vì một giải pháp tổng thể cho toàn bộ các dự án. Do đó, tác động đối với từng ngân hàng có tỷ trọng cho vay lớn với thị trường bất động sản cũng sẽ rất khác nhau. Tương tự như vậy, việc cơ cấu lại nợ cũng sẽ được cân nhắc theo từng trường hợp cụ thể dựa vào khả năng hồi phục của khách hàng.

Cụ thể hơn, nhóm dự án không vướng mắc pháp lý có thể nhận được nguồn vốn từ ngân hàng để tiếp tục xây dựng và đủ điều kiện tái cơ cấu. Các khoản cho vay mua nhà liên quan sau đó cũng có thể được xem xét để giãn thời gian trả nợ. Như vậy, nhà phát triển bất động sản có thể hoàn thành dự án và bàn giao căn hộ cho người mua nhà sau này. Theo đó, rủi ro nợ xấu phát sinh từ chuỗi giá trị bất động sản liên quan đến các dự án đó có thể dần được kiểm soát vào năm 2024.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng của tín dụng bất động sản như hiện tại, những ngân hàng đã có khẩu vị rủi ro cho vay bất động sản cao và dư nợ bất động sản cao trước đây, sẽ khó mở rộng cho vay thêm.

Đây là cơ hội của những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu thấp, nhưng mặt khác là thách thức để tìm kiếm con đường tăng trưởng với chất lượng tín dụng tốt, đảm bảo nguồn thu nhập lãi và lợi nhuận cao trong năm nay.

Những ngân hàng cho vay tập trung theo hệ sinh thái (TCB hay MBB) theo đó cũng sẽ bị ảnh hưởng. Với nhóm dự án có vấn đề pháp lý phức tạp (như sai quy hoạch), việc cơ cấu các khoản vay cho những dự án này và các khoản vay mua nhà liên quan sẽ được ngân hàng xem xét một cách cẩn trọng.

Ngoài ra, bối cảnh kinh tế vĩ mô và tác động thực tế của những giải pháp mà Chính phủ đã triển khai cũng sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng ngành ngân hàng. Kỳ vọng hiện tại là tín dụng sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023 nhưng không loại trừ khả năng việc phục hồi sẽ ở mức hạn chế bất chấp lãi suất liên tục giảm do tổng cầu quốc tế và nội địa đều đang yếu.

Theo SSI Research, ước tính tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 10-12% cho toàn hệ thống trong năm 2023. NIM có thể tiếp tục giảm trong quí 2-2023 nhưng có thể hình thành đáy trong nửa đầu năm 2023. Nợ xấu có thể đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2023 nhưng gánh nặng trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong các quí tới do các ngân hàng sẽ cân nhắc cẩn trọng khả năng trả nợ của khách hàng trước khi quyết định cơ cấu lại các khoản vay đó.

Với những khó khăn này, ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong năm nay sẽ chỉ ở mức 10%. Các cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý bao gồm VCB, ACB do hoạt động cho vay thận trọng và kiểm soát tốt chi phí. STB có thể cũng là mã sẽ mang đến những câu chuyện thú vị trong năm 2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới