Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghệ nhân Khmer nặng nghiệp đờn ca

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghệ nhân Khmer nặng nghiệp đờn ca

Đăng Huỳnh

(TBKTSG Online) – Chiều cuối tuần, trong căn nhà nhỏ ở Ô Môn, Cần Thơ, người nghệ sĩ mái tóc hoa râm tâm tình về đời ca, nghiệp diễn: “Dù khó khăn cỡ nào tôi cũng chẳng bao giờ bỏ đờn ca bởi mình như tằm trót vương tơ rồi”.

Ông là nghệ nhân Đào Xinh, ở quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, người được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2019.

Nghệ nhân Khmer nặng nghiệp đờn ca
Nghệ nhân ưu tú Đào Xinh (ngoài cùng bên trái) biểu diễn cùng các nghệ nhân của Cần Thơ. Ảnh: Duy Khôi

“Ca ra bộ” là bước phát triển mới của đờn ca tài tử, tiền đề cho sân khấu cải lương. Nghệ nhân không còn ngồi hoặc đứng để ca mà còn ra động tác, điệu bộ sao cho phù hợp với nội dung bài ca. Bây giờ không còn nhiều nghệ nhân theo đuổi cách trình diễn này, và để thành danh lại càng khó.

Vậy nhưng nghệ nhân Đào Xinh bao năm qua vẫn trọn lòng với đờn ca tài tử, vẫn khóc – cười cùng “ca ra bộ”.

“Nghề chính của tôi là hớt tóc, còn ca hát là nghiệp. Hơn 45 năm qua tôi lấy nghề nuôi nghiệp”, ông chia sẻ về đời nghệ sĩ của mình như vậy. Sáu mươi lăm tuổi đời, người nghệ sĩ dân tộc Khmer quê Ô Môn vẫn hào sảng, duyên dáng trên sân khấu, vẫn dí dỏm, tiếu lâm giữa đời thường. Ông nói đó là “cái duyên trời cho”.

Ông Xinh lớn lên từ vùng đất giàu truyền thống đờn ca ở Ô Môn. Hơn 10 tuổi ông có dịp ngồi cùng chiếu đờn ca tài tử với các danh cầm, danh ca có tiếng thời bấy giờ như Sáu Lùn, Năm Thơm, Thanh Điền… và đã biết ca một số bài bản vắn.

Nghệ nhân Đào Xinh nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Ảnh: Duy Khôi

Năm 18 tuổi, ông được người anh truyền nghề hớt tóc mưu sinh nhưng hễ rảnh việc là ông lại tìm đến đờn ca. “Tối bữa nào có đờn ca, nhìn trời đứng bóng là không bụng dạ nào hớt tóc được nữa”, ông Xinh nhớ lại.

Là người gắn bó từ khởi đầu đến kết thúc mô hình Thuyền văn hóa của Ô Môn, Cờ Đỏ…, ông nhớ như in kỷ niệm khi ca hát bồng bềnh trên con nước. Các đồng nghiệp có thể ăn, ngủ trên thuyền để hát phục vụ dài ngày nhưng ông thì ban ngày phải về tiệm hớt tóc, xế chiều lại vội vã đạp xe hàng chục cây số đến thuyền để hát.

Và còn những kỷ niệm như hát phục vụ phong trào đào kinh mương thủy lợi, sân khấu là bờ đê, con đập, nghệ sĩ hát trong sự say sưa thưởng thức của khán giả, dù đã mấy mươi năm nhưng ông vẫn không thể nào quên.

“Thấy khán giả còn thích nghe, còn cần tiếng đờn lời ca của mình nên tôi hăng say lắm”, ông tâm sự.

Nghệ nhân ưu tú Đào Xinh nổi tiếng khắp Cần Thơ suốt nhiều năm qua với những vai diễn hài hước, lão mùi. Giọng ca của ông hào sảng, trầm ấm và cương nghị mà giới trong nghề hay nói là “giọng ca khí phách”. Ông còn là một trong những giọng ca tài tử gạo cội của Cần Thơ với những bản Bắc, Bắc Lễ.

Nghệ nhân Đào Xinh biểu diễn cùng các thiếu niên ở Cần Thơ. Ảnh: Duy Khôi

Đặc biệt, sở trường ca theo lối ca ra bộ của Đào Xinh được cả giới đờn ca tài tử Nam bộ nể phục. Ông chia sẻ, vì ca ra bộ là bước tiến của đờn ca tài tử, là bước đệm của cải lương nên ca không chỉ ngọt ngào, trau chuốt mà còn phải “ca như kể”, diễn cảm, kết hợp động tác ra bộ thật đúng điệu. Những tiết mục như “Máu thắm đồng Nọc Nạn”, “Anh Hai tài tử”, “Nối tiếp những chiến công”… do nghệ sĩ Đào Xinh thể hiện đã tạo dấu ấn riêng.

Chiều cuối tuần, trong căn nhà nhỏ ở Ô Môn, người nghệ sĩ mái tóc hoa râm tâm tình về đời ca, nghiệp diễn. “Dù khó khăn cỡ nào tôi cũng chẳng bao giờ bỏ nổi đờn ca bởi mình như tằm trót vương tơ rồi”, ông đưa mắt nhìn mớ tông đơ, kéo, lược treo trên tường, vì mới đây ông đã bỏ nghề hớt tóc do tuổi tác.

Nghề thì bỏ được chứ nghiệp thì ông. Đôi mắt ông sáng lên khi nói về điều đó. Ông kể, lần cùng đoàn nghệ nhân Cần Thơ tái hiện không gian chợ nổi Nam bộ ở Hà Nội năm 2015, khi thấy ông ngồi trên xuồng hớt tóc cho khách, ai cũng tò mò: “Ông ấy hớt thật hay đùa thế?”. Đã vậy, khi hớt tóc xong, ông lại “phi” qua chiếc ghe chài kế bên cất giọng ca tài tử khiến ai cũng trầm trồ và ông cho đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất.

Gần 45 năm ca hát, không biết bao thế hệ học trò do nghệ nhân người dân tộc Khmer Đào Xinh chỉ dạy đã trưởng thành, cùng hàng chục huy chương cấp toàn quốc, khu vực trao tặng cho ông, mới đây nhất là danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho một nghệ sĩ tận tâm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới