Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngừng sản xuất, Diêm Thống Nhất triển khai ‘kế hoạch B’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngừng sản xuất, Diêm Thống Nhất triển khai ‘kế hoạch B’

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Cùng với việc ngừng sản xuất diêm mang thương hiệu Thống Nhất có hơn 64 năm kỷ niệm, một nhóm cổ đông của Diêm Thống Nhất có động thái thu gom cổ phiếu, từ bỏ mô hình công ty đại chúng và có kế hoạch tăng vốn hơn gấp đôi.

Ngừng sản xuất, Diêm Thống Nhất triển khai ‘kế hoạch B’
Nhu cầu giảm và chi phí sản xuất cao nên Diêm Thống Nhất sẽ tập trung thương mại thay cho sản xuất sản phẩm hộp diêm truyền thống.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mới đây công bố hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu DTN của Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất trên sàn UPCoM kể từ ngày 21-10, vì không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng (quy định tối thiểu 100 cổ đông).

Cổ phiếu DTN đăng ký giao dịch trên UPCoM lần đầu vào tháng 6-2014, nhưng không nhận được nhiều sự chú ý của thị trường. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu DTN hiện nay thì lại ở mức rất cao, lên đến 74.000 đồng/cổ phiếu.

DTN bắt đầu tăng tốc từ tháng 11-2019, vượt mệnh giá và tăng vọt trong năm 2020 (tăng hơn 148% kể từ đầu năm 2020). Dù vậy, thanh khoản giao dịch của DTN thì lại rất thấp với 4.107 cổ phiếu khớp lệnh với giá trị 141 triệu đồng kể từ đầu năm đến nay.

Ghi nhận trong trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy, các thành viên hội đồng quản trị cũng tăng cường thu gom cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu.

Thành lập năm 1956, Diêm Thống Nhất là biểu tượng một thời với bao diêm in hình bồ câu trắng trên nền trời xanh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, Diêm Thống Nhất đã xác định sẽ ngừng sản xuất loại sản phẩm này, thay thế bằng hoạt động thương mại.

Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng thấp, vì không tiện lợi như những sản phẩm sinh lửa khác. Chất lượng diêm sản xuất cũng không đảm bảo khi máy móc, thiết bị sản xuất cũ kỹ, lạc hậu và năng suất thấp, tiêu hao vật tư lớn cùng nguồn cung gỗ bồ đề cho sản xuất diêm đã cạn kiệt.

Thay vì sản xuất, Diêm Thống Nhất quyết định nhập khẩu mặt hàng diêm từ Ấn Độ, nhưng vẫn duy trì nhãn hiệu “Diêm Thống Nhất” trên thị trường.

Theo đánh giá của Ban lãnh đạo công ty, các hiệp định thương mại đã giúp mức ưu đãi thuế xuất khẩu khẩu ở mức 0%. Do đó, đây là thời điểm thuận lợi để quyết định chấm dứt sản xuất diêm.

Năm 2019, Diêm Thống Nhất sản xuất 70 triệu bao, giảm 30 triệu bao so với cùng kỳ. Trong những năm 2010, sản lượng tiêu thụ vào khoảng hơn 180 triệu bao mỗi năm. Từ năm 2020, công ty dừng sản xuất diêm đại trà, tập trung nguồn lực để sản xuất sản phẩm bật lửa đảm bảo nhu cầu của thị trường.

Bật lửa Thống Nhất là sản phẩm thay thế cho bao diêm. Sản phẩm này tăng trưởng rõ rệt sau 6 năm ra mắt. Theo đó, năm 2019, Diêm Thống Nhất cho biết bán được 17 triệu chiếc, đạt 85% kế hoạch. Tuy nhiên, thị phần của sản phẩm này trên thị trường vẫn ở mức khiêm tốn, ban lãnh đạo đánh giá.

Tỷ suất sinh lời của Diêm Thống Nhất có xu hướng giảm mạnh trong những năm qua. Nguồn: Vietstock.

Sau cổ phần hóa, Diêm Thống Nhất hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm sinh lửa và sản phẩm bao bì. Theo đó, mặt hàng chính của công ty là diêm hộp các loại sử dụng cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, bao bì carton.

“Các mặt hàng này chịu ảnh hưởng nhiều từ sức mua của người tiêu dùng và sự thay thế của các loại sản phẩm khác. Đặc biệt diêm là sản phẩm tiêu dùng thông thường, tính thương mại kém, giá trị thấp, có nhiều sản phẩm thay thế", Diêm Thống Nhất đánh giá rủi ro đặc thù của ngành.

Năm 2020, Diêm Thống Nhất đặt kế hoạch doanh thu 150 tỉ đồng, kế hoạch đầu tư thêm máy móc trong năm nay khoảng 2 tỉ đồng và dự kiến nguồn vốn đến từ việc đi vay ngân hàng.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh kinh doanh, thách thức lớn của Diêm Thống Nhất còn là việc cải thiện lại hiệu quả trong quy trình hoạt động của mình. Trên thực tế, dù doanh thu không sụt giảm nhiều trong những năm gần đây, nhưng tỷ suất sinh lợi thì lại đang giảm dần.

Đằng sau những thách thức trong hoạt động kinh doanh, danh sách cổ đông sở hữu thương hiệu Diêm Thống Nhất hiện đã thu hẹp lại đáng kể.

Diêm Thống Nhất chỉ có 40 cổ đông với 2,2 triệu cổ phiếu, trong đó có 10 cổ đông nắm giữ đến hơn 97% cổ phiếu có quyền biểu quyết, theo biên bản họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020.

Cùng với việc thu gom cổ phiếu, các cổ đông hiện hữu của Diêm Thống Nhất dường như vẫn còn toan tính nào đó sâu xa hơn, khi quyết định tăng vốn từ 22 tỉ đồng lên 50 tỉ đồng với phương án phát hành 28 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Việc tăng vốn, liệu chăng sẽ là “kế hoạch B” của Diêm Thống Nhất?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới