Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Người già, trẻ nhỏ đổ bệnh vì nắng nóng kéo dài

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Những ngày qua, thời tiết tại TPHCM và các tỉnh Nam bộ bước vào giai đoạn nắng nóng kéo dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như sinh hoạt của người dân. Nắng nóng gay gắt không chỉ khiến nhiều người già phải nhập viện mà trẻ em cũng đổ bệnh.

Dồn dập bệnh nhân nhập viện

Ghi nhận tại khoa Khám bệnh của Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), ngay từ sáng sớm, rất đông người bệnh xếp hàng chờ đến lượt khám. Do thời tiết nắng nóng, số lượng người cao tuổi đến khám bệnh cũng có xu hướng tăng lên.

Trao đổi với KTSG Online, bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Quang Anh Vũ, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết những ngày qua, số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nếu như thời điểm trước Tết, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 người bệnh thì hiện nay số ca bệnh đã tăng lên khoảng 2.500 người, trong đó khoảng 150 trường hợp có chỉ định nhập viện.

Các bệnh nhân lớn tuổi chủ yếu mắc những bệnh lý liên quan đến tai mũi họng, tim mạch, hô hấp như siêu vi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phế quản mạn. Những bệnh nhân có các thay đổi biến động về huyết áp, bệnh lý mạch vành hoặc bệnh lý về thần kinh thì khả năng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao hơn.

Các bác sĩ đánh giá, thời tiết năm nay khắc nghiệt hơn so với mọi năm. Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa Nội hô hấp của Bệnh viện Thống Nhất, cho biết khoa có 50 giường bệnh nhưng hiện có đến 60 bệnh nhân. Người bệnh nằm chật kín giường nên khoa phải thêm băng ca ở hành lang.

Khoa cũng có nhiều trường hợp phải thở máy xâm lấn hoặc không xâm lấn, dao động từ 8-10 bệnh nhân bị nặng phải thở máy và cần được theo dõi sát.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa Nội hô hấp của Bệnh viện Thống Nhất, thăm khám cho bệnh nhân lớn tuổi nhập viện điều trị. Ảnh: Minh Thảo

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh của bệnh viện này, cho biết thời tiết nắng nóng kéo dài thời gian qua tại khu vực phía Nam là nguyên nhân khiến cho số lượng trẻ đến khám tăng cao.

Theo thống kê, thời điểm này, các bệnh nhi đến khám do nắng nóng tăng so với những ngày sau Tết khoảng 15%. Trung bình một ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.500 trẻ nhỏ đến khám, ngày cao điểm con số này lên đến 4.200 bệnh nhi.

Các nhóm bệnh thường gặp ở trẻ liên quan đến thời tiết nắng nóng là bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường ruột), bệnh về đường hô hấp (viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới), sốt phát ban, bệnh về da. Đặc biệt cũng có các trường hợp trẻ bị say nắng, say nóng.

Bác sĩ Hải cho biết nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng cùng với độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại virus, siêu vi và vi nấm phát triển. Vì vậy, trẻ nhỏ dễ bị các loại vi khuẩn, virus tấn công gây ra các bệnh lý hô hấp. Ngoài ra, nhiệt độ cao khiến cho thực phẩm dễ bị ôi thiu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh lý về tiêu hóa trong thời tiết nắng nóng như hiện nay.

Dự báo lượng bệnh nhân nhập viện còn tăng

Theo bác sĩ Hoàng, đa số các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng đều là người lớn tuổi với nhiều bệnh nền. Có những bệnh nhân có đến 5 bệnh lý kèm theo nên việc điều trị khá khó khăn.

Vị bác sĩ này dự đoán, vào đợt cao điểm nắng nóng sắp tới, bệnh nhân nhập viện sẽ nhiều hơn và có nguy cơ quá tải. Vì vậy, khoa cũng chuẩn bị những kịch bản ứng phó.

“Bệnh viện Thống Nhất đã có kế hoạch tăng cường quản lý các mặt bệnh. Đặc biệt đối với các bệnh mạn tính, nếu cần thiết hay nhận thấy triệu chứng bệnh tiến triển nặng, các bác sĩ sẽ cho người bệnh nhập viện điều trị sớm”, bác sĩ Hoàng nói và nhấn mạnh quan trọng vẫn là điều trị dự phòng đối với người cao tuổi.

Khi nắng nóng, thân nhiệt người cao tuổi điều chỉnh kém đi, bệnh nhân dễ bị mất nước, mất điện giải. Có người đang đi ngoài nắng nóng, liền vào phòng có điều hoà với nhiệt lạnh dễ bị sốc nhiệt. Để phòng tránh nguy cơ sốc nhiệt, mọi người nên tắt máy lạnh, mở cửa khoảng 20 phút trước khi ra ngoài.

Ngoài ra, mọi người cũng nên quan tâm đến sức khỏe của những người lớn tuổi trong gia đình. Người có bệnh lý nền phải tuân thủ điều trị, tái khám và uống thuốc đầy đủ.

Tại Bệnh viện Thống Nhất, ngay từ sáng sớm, các dãy ghế chờ từ khu xét nghiệm, khám tim mạch, khám nội, chẩn đoán hình ảnh... đều chật kín người ngồi chờ khám bệnh. Ảnh: Minh Thảo

Trước thực trạng nắng nóng kéo dài và dự báo có thể bùng phát diện rộng với cường độ mạnh hơn những năm trước, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) khuyến cáo người dân nên uống đủ nước, hạn chế tiếp xúc với nắng nóng, nhất là thời điểm từ 10 giờ đến 16 giờ. Trường hợp cần thiết phải ra ngoài, mọi người nên đeo khẩu trang, mặc quần áo dài tay, thoáng mát để duy trì thân nhiệt ổn định.

Khi làm việc ngoài trời nắng, người dân nên hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Nếu có thể, mọi người nên chọn làm việc trong môi trường ít nắng (buổi sáng, buổi chiều), chủ động làm việc trong bóng râm, nơi có mái che, có hệ thống điều hòa, quạt thông gió… để hạ nhiệt. Sau khi làm việc khoảng hơn một tiếng đồng hồ, mọi người nên nghỉ ngơi, có thời gian cho cơ thể thích nghi với nhiệt độ khi thay đổi môi trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới