Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tăng cao do ‘khoảng trống miễn dịch’

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hiện một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm như ho gà, sởi. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Theo các chuyên gia dịch tễ, “khoảng trống miễn dịch” - chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và lây bệnh truyền nhiễm tăng cao hơn.     

Số ca mắc ho gà tăng

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế, hơn 3 tháng đầu năm nay, nước ta đã ghi nhận 118 ca mắc ho gà là trẻ nhỏ. Số ca mắc ho gà tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây là số ca mắc tăng cao đột biến so với trung bình các năm gần đây. Cụ thể, các năm 2021 - 2023, trung bình ghi nhận 45 ca/năm. Cả năm 2020, có 201 ca (2 ca tử vong). Riêng năm 2019, có khoảng 1.200 ca (1 ca tử vong) là thời điểm tiêm chủng giảm sút.

Trao đổi với KTSG Online, bác sĩ Trần Ngọc Lưu, Khoa Nhiễm thuộc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), cho biết những năm trước, các ca bệnh ho gà chỉ rải rác trong năm. Tuy nhiên, năm nay, số ca mắc và nhập viện do mắc ho gà tăng cao hơn các năm trước rất nhiều, đặc biệt là tập trung nhiều tại một thời điểm.

Theo đó, tính từ đầu năm 2024 đến nay, khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã ghi nhận hơn 10 ca mắc ho gà phải nhập viện điều trị. Hiện có 5 ca đang điều trị nội trú, trong đó một bệnh nhi phải nằm phòng cấp cứu và thở ôxy. Tất cả số ca bệnh đều là bệnh nhi dưới một tuổi. Đa số chưa được tiêm hoặc mới tiêm một mũi, chưa đủ kháng thể phòng bệnh.

Vị bác sĩ này cho biết, năm nay tỷ lệ trẻ mắc ho gà tăng cao có thể do khoảng trống miễn dịch. Một số trẻ lớn và người lớn không tiêm mũi nhắc lại có thể mắc bệnh, lây lan cho các trẻ nhỏ chưa được tiêm ngừa. Một số trẻ chưa đến độ tuổi tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi khiến tỷ lệ lây bệnh tăng cao.

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, Khoa Nhiễm thuộc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) thăm hỏi người nhà của bệnh nhi nhập viện điều trị ho gà. Ảnh: Minh Thảo

Theo bác sĩ Lưu, bệnh ho gà diễn tiến qua ba giai đoạn. Giai đoạn khởi phát ở 1-2 tuần đầu, trẻ nhỏ sẽ ho nhẹ và thường ho về đêm. Giai đoạn 2 thường ở tuần thứ 3, cơn ho sẽ xuất hiện nhiều, ho nặng nề, kéo dài, gây tím tái cho bệnh nhi, thậm chí ngưng thở. Đây là giai đoạn dễ gây biến chứng nhất. Giai đoạn 3 thường ở tuần thứ 4-5, đây được xem là giai đoạn phục hồi khi các cơn ho giảm dần. Các triệu chứng bệnh cũng thuyên giảm.

Bệnh ho gà thường ho nhiều về đêm, ho kéo dài và khò khè nhiều ngày nên hay bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, trào ngược dạ dày thực quản nhưng uống thuốc không thuyên giảm.

Ho gà dễ gây những biến chứng nguy hiểm, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. 1/3 trẻ dưới 1 tuổi mắc ho gà phải nhập viện điều trị. Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi khoảng 1% do các biến chứng viêm phế quản, viêm phế quản phổi. Bên cạnh đó, “khi ho nhiều, ho mạnh có thể gây vỡ phế nang. Biến chứng nguy hiểm nhất là cơn ho kéo dài dẫn đến ứ đọng đờm nhớt, tím tái, thậm chí ngưng thở là nguy cơ diễn tiến nặng ở trẻ”, bác sĩ Lưu thông tin.

Phòng bệnh bằng tiêm vaccine

Không chỉ bệnh ho gà, từ đầu năm đến nay, tại TPHCM, số ca bệnh thủy đậu ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang gia tăng. Các chuyên gia y tế lo ngại nguy cơ xảy ra một số dịch bệnh truyền nhiễm khác do khoảng trống miễn dịch.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Dù hiện TPHCM chưa ghi nhận ca mắc sởi nào nhưng theo bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và gián đoạn cung ứng vaccine trong hai năm 2022 và 2023, nên tỷ lệ bao phủ vaccine sởi trên địa bàn TPHCM chưa đạt 95%. Do đó, nguy cơ xuất hiện các ca bệnh sởi là rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh một số tỉnh, thành khác trong cả nước đã có ca bệnh.

Trước tình hình này, bà Nga khuyến cáo người dân nên thực hiện đầy đủ các mũi vaccine để phòng bệnh cho bản thân và người thân trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ và người chưa có miễn dịch. Cụ thể là người dân nên đi tiêm chủng theo lịch đối với các bệnh đã có vaccine như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, bạch hầu, uốn ván, ho gà, cúm, phế cầu…

Các chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm có thể tăng cao do khoảng trống miễn dịch. Ảnh minh hoạ: HCDC

Cũng theo bác sĩ Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, thời tiết tại TPHCM vẫn đang còn nắng nóng gay gắt, nhất là thời tiết đang giao mùa, tốc độ lây lan các bệnh hô hấp sẽ gia tăng, trong đó có bệnh ho gà. Vì vậy, phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vaccine theo đúng lịch.

Liên quan đến vaccine ngừa bệnh ho gà, bác sĩ Lưu đánh giá, trước khi có vaccine phòng ngừa, ho gà là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em. Sau khi có vaccine 5 trong 1 và vaccine 6 trong 1, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong giảm. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine cũng giảm dần từ 4-12 năm tùy loại vaccine. Vì vậy, ngoài tiêm vaccine ngừa bệnh ho gà, trẻ nhỏ sẽ phải tiêm những mũi nhắc lại. Đặc biệt, người lớn cũng phải tiêm vaccine ngừa bệnh ho gà để tránh trở thành mầm bệnh lây nhiễm cho trẻ em.

Bác sĩ Lưu cho biết, việc quên tiêm vaccine nhắc lại có thể dẫn đến kháng thể trong cộng đồng suy giảm. Đối với những trẻ chưa được tiêm vaccine, khi mắc bệnh sẽ nguy hiểm và diễn tiến nặng hơn.

“Những người từng mắc bệnh ho gà điều trị khỏi sẽ có miễn dịch trong cơ thể. Miễn dịch đó có thể bảo vệ được người mắc đến trọn đời. Tuy nhiên, nếu ai đã tiêm ngừa vaccine, kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian nên việc nhớ lịch để tiêm nhắc lại nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân lâu dài và tránh trở thành mầm bệnh cho trẻ là rất quan trọng”, bác sĩ Lưu chia sẻ thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới