Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhà đầu tư ngần ngại 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà đầu tư ngần ngại 

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần củng cố ngay chiến lược quản lý rủi ro để vững vàng hơn trước các biến động xấu của nền kinh tế. Ảnh minh họa: Hà Nội nhìn từ trên cao

(TBKTSG Online) - Những xáo trộn trên thị trường tài chính Việt Nam đã phần nào làm giảm bớt sự can đảm mang tính "chấp nhận rủi ro” của các nhà đầu tư.

Tại một hội thảo về các “cơn bão thị trường tín dụng dưới tiêu chuẩn" được tổ chức mới đây ở Hà Nội, các chuyên gia tài chính quốc tế cũng đã bày tỏ nỗi băn khoăn về việc Việt Nam cần có nhiều cải thiện hơn nữa về tính minh bạch cũng như cần những thông tin chuẩn xác hơn trên thị trường.

Thị trường "nấc cục"

Giám đốc phụ trách nguồn vốn và kinh doanh ngoại tệ của Tập đoàn tài chính Citi, ông Bong Arjonillo, cho rằng Việt Nam tuy đã tiếp cận với kinh tế toàn cầu nhưng vẫn là nền kinh tế đóng. Chính việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cùng những tác động từ thị trường tài chính toàn cầu từ những tháng cuối năm 2007 khiến thị trường tài chính Việt Nam đang phải trải qua những cú nấc cục.

Thứ nhất, đó là lạm phát. Yiping Huang, Giám đốc điều hành và Trưởng bộ phận Kinh tế và phân tích thị trường (EMA) khu vực châu Á của Citi, phân tích: “Có 2 ngoại lệ ở châu Á về lạm phát là Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc cần tăng lãi suất hơn nhiều lần nữa, trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên có can thiệp trên thị trường mở để phát hành thêm hối phiếu và sẽ phải tiếp tục thắt chặt tiền tệ." 

"Các nền kinh tế khác như Thái Lan, Philipines, Indonesia và phần lớn các ngân hàng trung ương châu Á sẵn lòng giảm lãi suất trong những tháng tới, trừ Trung Quốc và Việt Nam”, ông nói tiếp.

Mối lo lắng thứ hai của các chuyên gia kinh tế là khả năng giữ giá trị của đồng Việt Nam, bởi dòng vốn chảy vào có xu thế lên giá. Nhập siêu và áp lực giá xăng dầu vẫn là nguy cơ lớn với các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Trong lúc đó, thị trường tài chính toàn cầu đang xáo động.

Bên cạnh đó, một số tác động khác từ thị trường chứng khoán đang khiến nhiều ngân hàng cổ phần và công ty cổ phần hăm hở tăng vốn nay chùng xuống. Tinh thần các nhà đầu tư và cổ phần hoá bị ảnh hưởng không nhỏ. Ở phạm vi rộng lớn hơn, các chính sách vĩ mô đang làm mất hứng các cổ phiếu.

Hiện, nhiều ý kiến đã cho rằng việc định lại thời gian biểu phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) ở các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ tái cơ cấu kinh tế quốc doanh, làm tỷ trọng kinh tế quốc doanh vẫn chiếm rất lớn trong tỷ trọng nền kinh tế, khiến nền kinh tế chưa thể có được sự năng động.

Trên thực tế, có thể nói rằng tiến độ thực thi danh mục đầu tư theo kế hoạch của nhiều nhà đầu tư lớn đã chạy chậm hơn, và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) có bị chậm lại.

Với góc nhìn của một chuyên gia tài chính đã làm việc qua các thị trường mới nổi, ông Bong Arjonillo cũng cho rằng đồng Việt Nam sẽ chịu nhiều áp lực trong thời gian tới do những rủi ro ngoài ý muốn và triển vọng mang thêm vốn vào Việt Nam đang ít đi. “Nhìn chung, chúng tôi cho rằng đồng Việt Nam cả năm sẽ ổn định ở mức khiêm tốn," ông nói. 

Mối lo ngại thứ ba là thâm hụt thương mại của Việt Nam vẫn tăng, nhập khẩu luôn vượt xuất khẩu. Không phải do xuất khẩu yếu mà tăng trưởng nhập khẩu cao đã dẫn đến cán cân thanh toán ngược tại Việt Nam. Và chính vì phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài nên dẫn đến lạm phát. Lạm phát tăng lên, nông nghiệp và nguyên vật liệu gia tăng đáng kể làm giá nhập khẩu những mặt hàng cơ bản dùng để sản xuất tăng. Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam vì thế tiếp tục tăng cao.  

Đáng chú ý, khả năng tiêu dùng của Mỹ yếu đi cũng làm chậm đi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. 

Củng cố kế hoạch quản lý rủi ro

Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1998 cho thấy rõ, đồng vốn đi vào rồi sẽ có ngày phải đi ra và một khi đi ra ồ ạt sẽ dễ dẫn tới đổ vỡ. Mặt khác, vốn vào nhiều sẽ làm cho giá đồng nội tệ tăng cao, ảnh hưởng tới xuất khẩu. Trong khi đó, các nước châu Á lại phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Sau cuộc khủng hoảng 1998, các ngân hàng trung ương trong khu vực đã rút ra một bài học đau đớn là phải tăng dự trữ ngoại tệ. Bởi lúc đó, họ không đủ ngoại tệ dự trữ để can thiệp thị trường và cứu đồng nội tệ. Rất nhiều quỹ đầu tư đã e ngại Việt Nam nhưng chúng ta đã áp dụng tốt bài học then chốt từ sau khủng hoảng tài chính châu Á. Nếu như Nhật Bản dự trữ 600 tỉ đô la Mỹ năm 1996 thì nay 2,5 ngàn tỉ. Trong tình hình đó, tăng trưởng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang khá ổn, đạt 20-21 tỉ đô la Mỹ, tương đương khoảng 20 tuần nhập khẩu. Nếu lỡ có xảy ra khủng hoảng, lượng dự trữ này hoàn toàn bảo vệ được đồng nội tệ.  

Vậy một thước đo xem như thế nào là đủ? “Nếu tự dưng tất cả tiền đổ vào Việt Nam ngưng lại thì ít nhất, dự trữ ngoại tệ phải bù đắp được nợ ngắn hạn. Đó là mức tối thiểu bên cạnh lòng tin và khả năng cầm cự trong dài hạn," ông Bong Arjonillo phân tích. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, ở thời điểm hiện tại còn quá sớm để nói dự trữ tại Việt Nam như vậy là nhiều hay ít. Song cũng đến lúc cần cân nhắc, đặc biệt là nên dự trữ theo hình thức nào.  

Ông Bong Arjonillo cũng đề cập đến một vài yếu tố khác, như tình trạng thiếu  thanh khoản của các ngân hàng, sự phá vỡ liên tục trong thị trường tài chính, sự trì hoãn của việc cơ cấu lại các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ có những tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam, và những quyết định luật pháp khuyến khích đầu tư nước ngoài đang gặp phải các cạnh tranh trong doanh nghiệp nhà nước… Thực tế, những xáo trộn này cũng góp phần làm giảm bớt "khẩu vị" biết chấp nhận tình hình của các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam. 

Trong bối cảnh này, các chuyên gia quốc tế cho rằng các doanh nghiệp trong nước nên xem xét lại và củng cố các kế hoạch quản lý rủi ro. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ được các dòng tiền mặt trong bối cảnh các điều kiện kinh tế suy giảm, đặc biệt là khi giá năng lượng, giá cả hàng hoá tiêu dùng và tỷ giá hối đoái tăng cao.  

“Nhờ có những yếu tố căn bản mạnh nên tôi tin Việt Nam sẽ vượt qua những tác động khó khăn từ nền tài chính toàn cầu hiện nay. Dù Việt Nam đã thu hút đông đảo nhà đầu tư nhưng tôi cho rằng vẫn còn có nhiều thuận lợi để Việt Nam trở thành người khổng lồ tiếp theo ở châu Á,” ông Bong Arjonillo nhận định. 

HỒNG PHÚC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới