Nhà đầu tư nước ngoài: sợ nên rối...
ThS. Trần Thanh Tùng (*)
(TBKTSG) - (Nhân đọc bài “Việt kiều: Nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài?” trên TBKTSG số ra ngày 15-4-2010)
Về mặt pháp lý, từ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 đến Luật Đầu tư 2005, nhà đầu tư nước ngoài đều được hiểu thống nhất là cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tiêu chí xác định ở đây là quốc tịch, tức là các cá nhân, tổ chức ấy mang quốc tịch nước ngoài hoặc rộng ra là không có quốc tịch Việt Nam.
Tiêu chí quốc tịch của nhà đầu tư cũng được đề cập thường xuyên trong cam kết WTO. Như vậy, về mặt đối ngoại (cam kết WTO) và đối nội (Luật Đầu tư), tiêu chí quốc tịch vẫn là tiêu chí chủ yếu để xác định tư cách nhà đầu tư nước ngoài.
Theo cam kết WTO, Việt Nam được quyền bảo hộ một số lĩnh vực bằng các hạn chế như tỷ lệ vốn góp tối đa của bên nước ngoài, hình thức đầu tư (liên doanh hay thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài), quy mô vốn, lộ trình mở cửa... Về nguyên tắc, các hạn chế này sẽ áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài khi lần đầu tiên họ đầu tư vào Việt Nam.
Phòng ngừa từ xa
Trong quá trình thực thi cam kết WTO, phát sinh lo ngại rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dễ dàng lách qua các hạn chế này bằng việc “đầu tư chéo”: Trước tiên nhà đầu tư nước ngoài (A) thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (B) tại Việt Nam với ngành nghề không bị hạn chế, sau đó, dùng chính doanh nghiệp B để đầu tư vào các ngành nghề có điều kiện. Khi đó, nếu xét về mặt quốc tịch, doanh nghiệp B là một pháp nhân Việt Nam nên không bị hạn chế bởi cam kết WTO. “Đầu tư chéo” khiến các hạn chế trong WTO đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng trở nên vô nghĩa và mục tiêu bảo hộ không đạt được.
Lo ngại hình thức “đầu tư chéo” này, một số ý tưởng cho rằng cần quy định doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài cũng là nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí có quan điểm còn đi xa hơn khi cho rằng nếu bên nước ngoài sở hữu trên 49% vốn điều lệ hoặc chiếm trên 50% số thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó cũng bị coi là nhà đầu tư nước ngoài!
Ý tưởng này thể hiện đúng tinh thần của các hạn chế trong cam kết WTO nhưng lại tự mâu thuẫn khi áp dụng “tiêu chí kép” để xác định nhà đầu tư nước ngoài: lúc thì dùng tiêu chí quốc tịch (đối với nhà đầu tư nước ngoài), lúc thì dùng tiêu chí vốn đầu tư (đối với doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài). Theo hướng này, hạn chế trong cam kết WTO sẽ được áp dụng đến hai lần cho cùng một nhà đầu tư: lần đầu tiên khi nhà đầu tư nước ngoài lần đầu thành lập doanh nghiệp B và lần thứ hai khi doanh nghiệp B thành lập hoặc đầu tư vào doanh nghiệp khác tại Việt Nam - dù doanh nghiệp B hiển nhiên là pháp nhân mang quốc tịch Việt Nam.
Ý tưởng này khi áp dụng vào doanh nghiệp Việt kiều càng khiến cho sự việc trở nên rối rắm.
...Doanh nghiệp Việt kiều: “cháy thành vạ lây”
Cần nói thêm là doanh nghiệp do Việt kiều thành lập tại Việt Nam, xét về quốc tịch, là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng vốn là do các Việt kiều - các công dân nước ngoài góp. Chính đặc điểm này khiến vị trí pháp lý của doanh nghiệp Việt kiều chênh vênh.
Nếu đối xử với các doanh nghiệp Việt kiều này như các doanh nghiệp trong nước thì không ổn vì nhà đầu tư nước ngoài (có cùng quốc tịch với chủ doanh nghiệp Việt kiều) chắc chắn sẽ phàn nàn vì bị phân biệt đối xử. Nhưng nếu xem doanh nghiệp Việt kiều là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì không ổn về mặt chính sách cũng như pháp lý - đặc biệt là các doanh nghiệp Việt kiều được thành lập theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước 1994.
Về mặt pháp lý, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước 1994 và Nghị định 29/CP ngày 12-5-1995 cho phép Việt kiều lựa chọn thành lập doanh nghiệp theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (để được cấp giấy phép đầu tư) hoặc Luật Khuyến khích đầu tư trong nước 1994 (để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Có thể hiểu rằng khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp Việt kiều, Nhà nước coi doanh nghiệp Việt kiều như doanh nghiệp trong nước. Vậy không thể coi doanh nghiệp Việt kiều lúc là doanh nghiệp trong nước lúc lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài!
Sự chênh vênh trong vị trí pháp lý của Việt kiều và doanh nghiệp Việt kiều là một trong nhiều biểu hiện của sự lúng túng trong quá trình thực thi các cam kết WTO của Việt Nam.
Giải pháp có thể có cho vấn đề này là Nhà nước nên sớm có một quan điểm chung về nhà đầu tư nước ngoài. Một cách logic, cam kết WTO chỉ ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài khi họ lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam, chứ không thể bị áp dụng các hạn chế trong cam kết WTO tới hai lần (sau khi nhà đầu tư nước ngoài đã thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam).
Đối với doanh nghiệp Việt kiều, chúng tôi cho rằng, nên tiếp tục cho Việt kiều tự chọn thành lập doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời, tiếp tục đối xử với những doanh nghiệp Việt kiều thành lập trước ngày Việt Nam gia nhập WTO như những doanh nghiệp trong nước. Nên coi đấy như đặc thù về mặt đạo lý cũng như pháp lý của Việt Nam.
________________
(*) Công ty Luật P&P