Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà máy ở Mỹ chật vật tuyển dụng công nhân

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bất chấp rủi ro kinh tế suy thoái, các nhà sản xuất ở Mỹ vẫn ráo riết tuyển dụng công nhân cho nhà máy để đáp ứng đơn hàng đang tăng. Một số nhà sản xuất không thể tuyển được công nhân dù đã chào mời mức lương 20-30 đô la/giờ.

Công nhân làm việc trong nhà máy lắp ráp xe bán tải điện Ford F-150 Lightning của hãng xe Ford ở Dearborn, bang Michigan, Mỹ - Ảnh: NY Times

Báo cáo việc làm gần đây của Bộ Lao động Mỹ cho thấy các nhà sản xuất ở Mỹ đã bổ sung thêm 22.000 công nhân trong tháng 9, nâng tổng công nhân nhà máy được tuyển dụng trong 12 tháng qua lên gần 500.000.

Hiện tại, có gần 13 triệu công nhân làm việc trong các nhà máy ở Mỹ, cao nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Kể từ tháng 4, việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã tăng với tốc độ khoảng 4% hàng năm, tốc độ tăng trưởng bền vững nhanh nhất kể từ năm 1984.

Các nhà tuyển dụng nói rằng họ hiện đang cố gắng lấp đầy nhiều vị trí ở nhà máy hơn nữa. Theo báo cáo của Bộ Lao động, lĩnh vực sản xuất có khoảng 800.000 vị trí cần tuyển dụng trong suốt năm ngoái.

Với việc chuỗi cung ứng gây ra nhiều vấn đề trong nền kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chuyển sang sử dụng các nguồn linh kiện và hàng hóa ở quê nhà nhiều hơn để tránh phụ thuộc quá mức vào các nhà cung cấp ở nước ngoài.

Hayden Jennison, Giám đốc sản xuất của Jennison Corporation, một công ty sản xuất từ thiết bị cứu hỏa cho đến máy móc xây dựng ở bang Pennsylvania, nói: “Phải mất nhiều tháng để các linh kiện không chỉ được sản xuất mà còn đưa đến tay khách hàng, vì vậy, khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn cho linh kiện sản xuất tại Mỹ để nhận hàng nhanh hơn”.

Ông cho biết công ty có đủ đơn hàng để công nhân làm việc thêm một ca ở nhà máy. Nhưng dù đang trả lương 20-30 đô la/giờ, ông vẫn không thể tuyển thêm công nhân. Jennison nói: “Tuyển dụng đã trở thành một vấn đề nan giải kể từ năm 2020. Việc thuê những ứng viên có kinh nghiệm và hiểu những gì họ đang làm là rất khó”.

Chuck Wetherington, Chủ tịch BTE Technologies, nhà sản xuất thiết bị y tế có trụ sở tại Maryland, đang cố gắng tăng số lượng công nhân thêm 10%. Ông cho biết thiếu nhân công đã trở thành một vấn đề lớn hơn cả sự gián đoạn chuỗi cung ứng. “Lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng lên nhưng tôi vẫn không thể tuyển được công nhân”, ông nói.

Các nhà sản xuất Mỹ đã cắt giảm khoảng 1,36 triệu việc làm trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4-2020 khi đại dịch Covid-19 làm đóng cửa phần lớn nền kinh tế. Tính đến tháng 8 năm nay, các nhà sản xuất đã tăng thêm khoảng 1,43 triệu việc làm, cao hơn 67.000 việc làm so với mức trước đại dịch.

Một nhà máy sản xuất nội thất ở Hickory, bang Bắc Carolina - Ảnh: NY Times

Dữ liệu cho thấy ngành sản xuất Mỹ bật dậy mạnh mẽ phần lớn là kết quả của cơn suy thoái rồi phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn trong thời kỳ đại dịch, khiến sản xuất trong nước trở nên hấp dẫn hơn đối với một số công ty.

Gói chi tiêu kích thích khổng lồ của liên bang giúp thúc đẩy thay đổi hành vi mua sắm của người Mỹ với ngân sách chi tiêu của họ phân bổ nhiều hơn cho các hàng hóa như ô tô và ghế sofa, giúp ngành sản xuất phục phục hồi nhanh hơn nhiều so với hai cuộc suy thoái trước đó.

Thông thường, công việc và sản lượng của nhà máy bị ảnh hưởng trong thời kỳ suy thoái kinh tế, giống như trong thời kỳ khủng kinh tế toàn cầu 2008. Nhưng ngay cả khi mối lo ngại kinh tế suy thoái đang tăng lên, các chuyên gia trong ngành không cho rằng việc làm ở nhà máy sẽ rơi vào chu kỳ bùng nổ rồi suy thoái quen thuộc.

Jay Timmons, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia Mỹ (NAM), cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đang ở trong một môi trường kỳ lạ. Cứ 100 cơ hội việc làm trong lĩnh vực sản xuất, chúng ta chỉ có 60 ứng viên. Tôi cho rằng sẽ mất khá nhiều thời gian để lấp đầy các vị trí việc làm còn trống đó”.

Timmons ghi nhận lương trong lĩnh vực sản xuất đã tăng 5% so với năm ngoái và ông dự báo lương sẽ tiếp tục tăng khi các nhà sản xuất tranh giành lao động có tay nghề cao.

Một nhóm lao động mà các nhà sản xuất đang nhắm đến nhiều hơn là phụ nữ. Theo NAM, sản xuất vẫn là ngành do nam giới thống trị, với chỉ 30% công việc tại nhà máy do phụ nữ đảm nhiệm. Viện Sản xuất (MI), đơn vị phát triển lực lượng lao động và giáo dục của NAM đang có nhiều chương trình đào tạo khác nhau nhằm nâng cao tỷ lệ lao động nữ ở các nhà máy lên 35% vào năm 2030.

Hiện nay, chưa đến 10% việc làm của khu vực tư nhân của Mỹ thuộc lĩnh vực sản xuất, so với hơn 40% vào cuối Thế chiến thứ hai. Nhưng sản xuất vẫn là một lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và có thu nhập tốt hơn so với nhiều lĩnh vực khác. Bộ Lao động Mỹ cho biết mức lương trung bình hàng tuần cho các công việc sản xuất là 1.250 đô la, tương đương 65.000 đô la mỗi năm, cao hơn 11% so với mức lương trung bình của tất cả công việc trong khu vực tư nhân và cao hơn 81% so với công việc trong lĩnh vực bán lẻ.

Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy một loạt các sáng kiến lập pháp để thúc đẩy sản xuất trong nước, bao gồm chi tiêu trực tiếp cho cơ sở hạ tầng, cung cấp tín dụng thuế và các khoản trợ cấp khác cho các công ty như nhà sản xuất chip và pin xe điện, cũng như các yêu cầu mua sắm liên bang mới có lợi cho các nhà sản xuất đặt trụ sở tại Mỹ.

Các quan chức Nhà Trắng nói rằng những chính sách đó có thể đóng vai trò quyết định trong việc khuyến khích hơn nữa tăng trưởng việc làm tại các nhà máy trong năm tới. Họ kỳ vọng việc làm trong nhà máy ở Mỹ sẽ trở lại mức trước năm 2008.

Theo CNN, NY Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới