Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhật giúp TPHCM quản lý nước thải và chống ngập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhật giúp TPHCM quản lý nước thải và chống ngập

Kinh Luân

Giám đốc SCFC Nguyễn Phước Thảo (trái) bắt tay ông Toshio Nagase, Phó đại diện JICA tại Việt Nam, sau khi ký bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật. Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG Online) – Diện tích thu gom nước thải dọc lưu vực kênh Bến Nghé – kênh Tàu Hũ – kênh Đôi – kênh Tẻ sẽ được mở rộng từ 825 héc ta lên 3.500 héc ta trong giai đoạn 2 dự án cải thiện môi trường nước TPHCM. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho phân đoạn này, Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM (SCFC) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ký bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật, trong đó phía Nhật sẽ giúp SCFC nâng cao năng lực quản lý các hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.

Cụ thể là JICA sẽ sớm đưa sang Việt Nam một nhóm chuyên gia để huấn luyện cho đội ngũ kỹ thuật của SCFC về cách quản lý các hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sẽ được lắp đặt trong thời gian tới đây.

Hai nội dung khác cũng sẽ được cập nhật là “lựa chọn, giám sát nhà thầu” và “lập lộ trình thực hiện các dự án thu gom và xử lý nước thải”, chủ yếu là dành cho cán bộ của Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị (UDC) – đơn vị quản lý trực tiếp dự án này từ khi bắt đầu đưa giai đoạn 1 vào vận hành (tháng 5-2009).

Theo SCFC thì nhiệm vụ của giai đoạn 1 là thu gom và xử lý phần lớn nước thải cho bốn quận 1, 3, 5 và 10 với tổng diện tích 825 héc ta và 426.000 cư dân. Các công trình đã thực hiện là Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng công suất 141.000 m3/ngày đêm tại huyện Bình Chánh, hai trạm bơm Đồng Diều, Chánh Hưng và mạng lưới thu gom nước thải chạy dọc hai đại lộ Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Linh.

“Chỉ riêng việc xây dựng giai đoạn 1 của nhà máy Bình Hưng thôi đã cần 100 triệu đô la Mỹ từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Từ khi đi vào hoạt động đến nay lượng nước thải dẫn về Bình Hưng đạt khoảng 94.000 m3/ngày đêm, tính ra là đã thu gom và xử lý được hơn 64 triệu mét khối nước thải”, ông Nguyễn Phước Thảo – Giám đốc SCFC – cho biết.

Dự án “Cải thiện môi trường nước TPHCM” không chỉ thu gom, xử lý nước thải mà còn nhằm chống ngập và giảm thiểu ô nhiễm cho nhiều khu vực nội thành TPHCM. Để đáp ứng yêu cầu này, giai đoạn 2 của dự án (2011 – 2015) đã được triển khai nhằm nâng công suất lên mức 470.000 m3/ngày đêm, tương ứng với diện tích dự kiến là 2.800 héc ta và số dân cư tương ứng là 1,42 triệu người. Ở giai đoạn cuối cùng (2020), lượng nước thải được xử lý sẽ là 512.000 m3/ngày đêm mặc dù số dân trong khu vực sẽ giảm xuống 1,39 triệu người, lý do là điều kiện sống được cải thiện nên lượng nước thải tính theo đầu người tăng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới