Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều công viên phần mềm sẽ xuất hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều công viên phần mềm sẽ xuất hiện

Khu công viên Phần mềm Quang Trung, quận 12, TPHCM – Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Tiếp nối dự án Công viên tri thức Việt-Nhật tại Thủ Thiêm (TPHCM) được cấp phép vào tháng 2, khu trung tâm phần mềm Thủ Thiêm cũng vừa được khởi công giữa tháng 7 vừa qua. Công nghiệp phần mềm đang bước sang một giai đoạn mới với hàng loạt dự án khu công viên phầm mềm.

Một khảo sát của Hội Tin học TPHCM (HCA) công bố tại sự kiện Toàn cảnh Công nghệ thông tin 2008 (ICT Outlook) cho thấy sẽ có thêm 4 dự án khu công viên phần mềm (CVPM) từ nay đến năm 2010.

Có thể kể đến những cái tên như Hòa Lạc Software Park tại Hà Nội với tổng diện tích 63 héc ta sẽ khởi công giai đoạn 1 vào năm 2009, dự án FPT Software Park tại Đà Nẵng diện tích 6 héc ta khởi công vào năm 2010, dự án Công viên tri thức Việt-Nhật với diện tích khoảng 10,9 héc ta tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM), dự án khu CVPM Quang Trung mở rộng với diện tích 7 héc ta sẽ khởi công vào năm 2009 cũng tại TPHCM.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HCA, kiêm giám đốc Công ty Phát triển Khu CVPM Quang Trung cho rằng sự ra đời của các khu CVPM đã tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), là vườn ươm cho doanh nghiệp mới phát triển. Đồng thời, các khu CVPM còn là những trung tâm đào tạo nhân lực cho ngành CNTT.

HCA đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 7 khu CVPM, gồm Trung tâm Giao dịch CNTT Hà Nội, Trung tâm phát triển cơ sở hạ tầng CNTT Đà Nẵng, Trung tâm Công nghệ Phần mềm TPHCM, khu CVPM Quang Trung, Công ty cổ phần Điện lạnh REE, khu CVPM Đại học Quốc gia TPHCM và Trung tâm Công nghệ Phần mềm Cần Thơ. Kết quả cho thấy các khu CVPM đã bắt đầu thu hút các doanh nghiệp CNTT vào hoạt động và con số nhân lực tăng lên.

Theo báo cáo, tổng số vốn đầu tư cho khu CVPM trong giai đoạn 2006-2008 là 2.000 tỉ đồng, tăng 4 lần so với năm 2000-2005 (470 tỉ đồng). Nếu như năm 2005 chỉ có 116 công ty hoạt động trong khu CVPM thì hiện nay con số này đạt 499 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm gần một nửa tổng số doanh nghiệp đầu tư vào các khu CVPM. Năm 2008, các doanh nghiệp có quy mô trên 100 người tăng gấp 5 lần so với năm 2005. Hiện nay, tổng nhân lực làm việc tại các khu CVPM là 30.608 người, trong đó có 12.700 lao động làm việc trong doanh nghiệp CNTT.

Thiếu quy hoạch chuẩn

Ông Chu Tiến Dũng cho rằng những con số trên đã cho thấy những tín hiệu lạc quan trong việc phát triển khu CVPM. Tuy nhiên, đang tồn tại một thực trạng là hầu như các khu CVPM chưa thực sự đáp ứng các tiêu chí quy hoạch tổng thể cho việc phát triển khu CVPM tập trung.

Theo khảo sát, có đến 3/7 các khu CVPM không đạt tiêu chuẩn về các khu CNTT tập trung như: có ít nhất 300 lao động trực tiếp làm việc tại các cơ sở doanh nghiệp CNTT, có các cơ sở hạ tầng dùng chung để bảo đảm hoạt động công nghiệp CNTT…

Chỉ có 3/7 khu CVPM có công viên, cảnh quan phục vụ thư giãn, có đến 5 khu CVPM không có quỹ đất và không gian để mở rộng, 2/7 khu không có hệ thống cung cấp dịch vụ viễn thông và 4/7 khu không có hệ thống nguồn điện ưu tiên hay lưu dự phòng.

Thêm vào đó, diện tích đất của các khu CVPM hiện tại đang bị thu hẹp từ 930.000 mét vuông (năm 2005) xuống còn 737.589 mét vuông (năm 2008) do một số khu không tiếp tục mục tiêu CVPM. Theo HCA thì hiện tại cả nước có khoảng 12 khu CVPM nhưng chỉ có 8 khu là hoạt động có hiệu quả và thu hút các doanh nghiệp phần mềm vào sản xuất.

Những quan ngại

Trong một cuộc họp bàn về quy hoạch các khu CVPM tại Sở Truyền thông và Thông tin TPHCM vào giữa tháng 7, khá nhiều chuyên gia trong ngành CNTT băn khoăn về tiêu chí để xây dựng khu CVPM tập trung. Ngay trong bản báo cáo của HCA cũng lần lượt khảo sát, đánh giá các khu CVPM theo 3 tiêu chí khác nhau: khu CNTT tập trung có ranh giới, khu CNTT tập trung không có ranh giới và khu CVPM theo tiêu chí của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO).

Các chuyên gia cho rằng nên xác định tiêu chí cụ thể để quy hoạch, xây dựng khu CVPM tập trung và cần phải dựa vào thực tế khi quy hoạch đất đai của từng địa phương, nhu cầu của các nhà đầu tư mà trước hết là hạ tầng cơ sở và các dịch vụ khác. Hiện tại, ở Cần Thơ đã dành hẳn 20 héc ta để quy hoạch cho CNTT trong đó có khu công nghiệp phần mềm.

Nhiều chuyên gia lên tiếng rằng xu hướng phát triển các khu CVPM hiện nay còn chạy theo phong trào, việc xây dựng nhiều dự án ồ ạt mà không tính đến quy hoạch tổng thể sẽ khiến việc phát triển khu CVPM lặp lại những sai lầm của phòng trào xây nhà máy mía đường, xi măng trước đây.

Vì vậy, việc phát triển các khu CVPM cần tính đến các yếu tố quy hoạch cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, số lượng các doanh nghiệp phần mềm tại địa phương, yếu tố thị trường… Bởi theo thống kê của Bộ Giáo dục Đào tạo, hiện tại nhu cầu sử dụng nhân lực CNTT của các doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng và đến năm 2015, con số này lên đến 250.000 lao động.

Chủ tịch HCA Chu Tiến Dũng cho rằng cần phải có một “nhạc trưởng” thực hiện quy hoạch tổng thể để tránh đầu tư tràn lan kém hiệu quả. Ngoài ra, cần có một đầu mối để thực hiện hợp tác lâu dài và liên kết giữa các khu CVPM hiện nay. “Nhà nước cần đầu tư tập trung, không nên dàn trải; và ngoài ra, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển lâu dài vẫn là thách thức lớn nhất,” ông Dũng nhấn mạnh.   

THU HIỀN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới