Chủ Nhật, 28/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhiều dự báo lạc quan về tăng trưởng GDP dù kinh tế đối mặt nguy cơ lạm phát

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong các báo cáo mới đây, một số tổ chức nghiên cứu đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên, xuất phát từ nguyên nhân nền kinh tế có mức độ phục hồi nhanh trong quí 2 vừa qua, dù thực tế đang đối diện với thách thức về lạm phát và áp lực lãi suất tăng.

Trong báo cáo về Việt Nam vừa công bố đầu tháng 7, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP từ mức 6,6% trước đó lên mức 6,9% trong năm nay với “khả năng đứng đầu toàn khu vực”, đồng thời cũng giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống mức 6,3% (trước đó là 6,7%) vì có những rủi ro, đặc biệt là rủi ro lĩnh vực năng lượng.

Theo HSBC, sau nửa năm mở cửa lại, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam tiếp tục được đánh giá là nổi trội trong khu vực. GDP trong quý 2 tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa những kỳ vọng của thị trường (HSBC từng dự báo 5,8%). “Đây cũng là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2011, nhờ vào phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên diện rộng ở các lĩnh vực”, báo cáo HSBC nhận định.

Trước đó, ngay sau khi Tổng cục thống kê vừa công bố số liệu tăng trưởng quý 2, UOB cũng đã lập tức nâng dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam từ 6,5% lên mức 7%, con số này lạc quan nhất trong số các dự báo tăng trưởng GDP tính đến nay.

Dự báo này đặt trong giả định không có thêm sự gián đoạn nào do Covid-19 và tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm là khoảng 7,6-7,8%, UOB đánh giá.

Tương tự, trong báo cáo vĩ mô nửa đầu năm, Maybank IB cũng nâng dự báo từ mức 5,8% lên mức 6,9% cả năm nay, sau mức tăng được đánh giá là bất ngờ của quí 2, khiến tăng trưởng GDP nửa đầu năm đã lên mức 6,4%.

Trong kịch bản lạc quan, tốc độ tăng trưởng cao trong nửa cuối năm được các nhà phân tích là có thể thực hiện được, nhờ lợi thế so sánh với mức thấp của năm ngoái vì đợt giãn cách xã hội quý 3-2021 (GDP khi đó giảm 6%).

Dòng vốn ngoại cam kết vào Việt Nam vẫn ổn định trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong thời gian qua. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Các nhà phân tích trong nước cũng tỏ ra lạc quan không kém. Chẳng hạn Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của năm nay từ mức 6,5% lên mức 7,5%, trong kịch bản 6 tháng cuối năm vượt mức 8%.

Theo VDSC, các lý do giúp lạc quan là lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn là động lực chính của tăng trưởng, tiêu dùng phục hồi tốt hơn kỳ vọng và so sánh với mức nền thấp trong năm ngoái.

Mới đây, trong báo cáo chính phủ vào đầu tháng 7, Bộ Kế hoạch đầu tư cũng đưa ra kịch bản tăng trưởng đến 7% trong năm nay, cao hơn con số mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là 6-6,5%.

Tuy nhiên, trong kịch bản xấu thì kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng.

HSBC đánh giá Việt Nam được hưởng lợi từ việc tái mở cửa nền kinh tế, nhu cầu trong nước đang quay trở lại trong khi động lực bên ngoài tiếp tục thuận lợi, nhưng cũng đồng thời đối mặt rủi ro từ giá năng lượng leo thang.

Theo HSBC, lạm phát trung bình dù tiếp tục dự báo ở dưới mức mục tiêu 4%, nhưng sẽ có thời điểm vượt mức trần này, điều này tạo áp lực lên chính sách tiền tệ, khi lãi suất điều hành cũng đồng thời được dự báo tăng trong nửa cuối năm nay. “Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất 50 điểm cơ bản từ quí 3-2022 và tăng thêm 50 điểm cơ bản mỗi quí cho đến quí 3-2023”, báo cáo viết.

Mặt khác, theo Maybank IB, động lực tăng trưởng kinh tế sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022 do rủi ro đi xuống ngày càng tăng đối với sự tăng trưởng toàn cầu và sự phục hồi tiêu dùng vừa phải bởi giá cả tăng cao ảnh hưởng vào ngân sách của các hộ gia đình.

Doanh số bán lẻ đã vượt qua mức trước thời điểm bùng phát dịch bệnh, nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại do người tiêu dùng bắt đầu cảm thấy chùn bước trước tình trạng giá cả tăng, theo phân tích của Maybank IB.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới