Thứ Bảy, 20/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhiều giải pháp cấp bách của Chính phủ để phục hồi kinh tế

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước do Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cho thấy nền kinh tế đang rất khó khăn, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp cấp bách để phục hồi.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV khai mạc sáng nay 22-5 – Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Chinhphu.vn,  Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2023 do Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày trước Quốc hội ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên báo cáo cũng cho thấy nền kinh tế đang đứng trước nhiều thách thức.

Nền kinh tế đang rất khó khăn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thẩm tra báo cáo của Chính phủ, cho biết kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng có dấu hiệu xấu đi, kết quả là tăng trưởng GDP quí 1-2023 chỉ tăng 3,32%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, bình quân mỗi quí còn lại năm nay phải tăng khoảng 7,5%.

Một trong những nguyên nhân chính của suy giảm tăng trưởng, theo ông Thanh, là khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng âm 0,4% trong quí đầu năm. Bốn tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ, trong đó IPP ngành chế biến, chế tạo giảm 2,1%. Số liệu tiêu thụ điện 4 tháng giảm 0,4% so với cùng kỳ cho thấy các hoạt động sản xuất suy giảm.

Bốn tháng đầu năm có gần 79.000 doanh nghiệp đăng ký lập mới, quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng khoảng 19.700 doanh nghiệp lập mới, quay lại hoạt động. Tuy nhiên, mỗi tháng cũng có 19.200 đơn vị rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng, bán cổ phần với mức giá rất thấp, nhiều trường hợp phải bán cho nước ngoài; doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, lao động mất việc làm diễn ra tại nhiều khu công nghiệp.

TTXVN đưa tin, đã có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm từ tháng 9-2022 đến 1-2023; 75% trong số này thuộc về doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp hiện khó khăn về dòng tiền, nhưng tiếp cận vốn vay khó khăn, lãi suất cao. Theo báo cáo của Chính phủ, bình quân lãi suất cho vay mới là 9,3% trong khi số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, lãi suất cho vay bình quân tại 35 ngân hàng thương mại tới cuối tháng 3 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối 2022.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng quan tâm công tác xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém đang chậm, tác động tiêu cực tới thị trường tiền tệ, ảnh hưởng tới nỗ lực hạ lãi suất của các ngân hàng. Nợ xấu xu hướng tăng, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm, chắc chắn gây ảnh hưởng tới an toàn hệ thống tài chính.

Theo đánh giá của Chính phủ, đến 25-4, tín dụng tăng 2,75%, thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định. Lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7 điểm phần trăm so với cuối 2022. Thu ngân sách 4 tháng ước đạt 632.500 tỉ đồng, bằng 39% dự toán năm. Việt Nam xuất siêu gần 7,6 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2022. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15.000 tỉ đồng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tăng trưởng đang chậm lại, thể hiện qua GDP quí 1-2023 thấp hơn 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ (5,03%). Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp.

Vốn FDI đăng ký mới giảm gần 18% vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng. Do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ.

Giải pháp cấp bách của Chính phủ

Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, Chính phủ đưa ra một số giải pháp cấp bách, trong đó nhấn mạnh quan điểm giữ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn nền kinh tế.

Các biện pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí; đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT); tháo gỡ khó khăn với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp là những ưu tiên trong điều hành của Chính phủ.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, với mục tiêu đạt tối thiểu 95% trong năm nay; thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan này đề nghị Chính phủ nghiên cứu hạ tiếp lãi suất điều hành để giảm lãi vay nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT và sớm sửa những bất cập trong quy định kinh doanh xăng dầu, cơ chế giá điện.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về cơ cấu nợ liên quan tới bất động sản (doanh nghiệp bất động sản, vay mua nhà, kinh doanh bất động sản).

Về điểm này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ sẽ điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp, chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm chi phí, giảm tiếp lãi suất cho vay và triển khai gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng.

Phó thủ tướng nói thêm, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội phương án với thuế tối thiểu toàn cầu và miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí; đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng để góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới