Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát giảm dần, ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và đang giảm dần qua các tháng, cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành tháng 4-2023 và 4 tháng vừa qua - Ảnh: Baochinhphu.vn

TTXVN đưa tin, ngày 5-5, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2023 tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4-2023 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 cùng một số nội dung quan trọng khác về giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia…

Chủ trì phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành địa phương chủ động rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; giao nhiệm vụ cho từng thành viên Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong cơ quan của mình và làm việc trực tiếp, nắm tình hình, giải quyết các vấn đề tại địa phương.

Trong đó nổi bật là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các dự án, công trình trọng điểm quốc gia với 5 tổ công tác được thành lập.

Cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp (Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 2 thông tư về nội dung này). Gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất và đang trình cấp có thẩm quyền xem xét giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Xử lý vướng mắc về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; Tổ chức các hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội gắn với các hội nghị xúc tiến đầu tư.

Tập trung xử lý quyết liệt, có hiệu quả các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, các ngân hàng yếu kém. Trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương, đã tìm được đầu ra cho 8 dự án. Cùng với đó, xử lý các vấn đề liên quan Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, Nhiệt điện sông Hậu 1; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được khánh thành mà không sử dụng thêm ngân sách và còn tiết kiệm hơn 200 tỉ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt và xử lý các vấn đề liên quan ngân hàng SCB...

Tập trung thúc đẩy các dự án hạ tầng chiến lược, khánh thành các tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, Dầu Giây – Phan Thiết và các dự án Phan Thiết–Vĩnh Hảo, Cam Lâm–Nha Trang sẽ hoàn thành trong tháng 5 tới. Khởi công 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2 với chiều dài 729 km; khẩn trương chuẩn bị khởi công các dự án kết nối đông tây, các tuyến vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TPHCM… Đã báo cáo cấp có thẩm quyền và chuẩn bị triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, lạm phát có xu hướng giảm dần qua các tháng, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định, lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm 2 lần liên tiếp, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,41% so với cuối năm 2022; các ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong, dẫn dắt giảm lãi suất. Xuất siêu tiếp tục tăng mạnh, tháng 4 xuất siêu 1,51 tỉ đô la, 4 tháng đầu năm xuất siêu 6,35 tỉ đô la.

Sản xuất công nghiệp tăng trở lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 3,6% so với tháng 3 và tăng 0,5% so với cùng kỳ (3 tháng đầu năm giảm 2,2%). Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 4 tháng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Du lịch tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4-2023 đạt 984.000 lượt, cao nhất tính từ đầu năm đến nay, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần so với cùng kỳ.

Số dự án FDI mới tăng 65,2%, tổng vốn đăng ký tăng 11,1%, tổng giá trị vốn góp mua cổ phần tăng 70,4% so với cùng kỳ, chỉ riêng số vốn đăng ký bổ sung giảm 68%. Tổng vốn đăng ký mới, bổ sung, mua cổ phần tính đến ngày 20-4 ước đạt 8,8 tỉ đô la, trong đó vốn thực hiện 5,58 tỉ đô la, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Tuy nhiên Thủ tướng lưu ý, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng; hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn, chi phí đầu vào tăng trong khi tình hình bất ổn bên ngoài tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn.

Theo Baochinhphu.vn, Thủ tướng yêu cầu công tác điều hành trong các tháng tới phải hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu. Hiện nay, lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần, do đó ưu tiên hơn cho tăng trưởng từ tháng 4, tháng 5 và những tháng tiếp theo.

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; trước mắt tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay với cả khoản vay mới và hiện hữu. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy cả phía cầu và cung.

Sớm có các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ người lao động, người dân, khuyến mại, giảm giá; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư tư nhân, tháo gỡ mọi rào cản, huy động hợp tác công tư, khơi thông mọi nguồn lực phát triển; về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới, đẩy mạnh đàm phán các FTA.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, quyết liệt hơn, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới