Thứ Tư, 8/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều khó khăn cho ngân hàng trong năm mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều khó khăn cho ngân hàng trong năm mới

Chính sách tiền tệ được thắt chặt hơn, dự báo có nhiều khó khăn cho các ngân hàng trong năm mới. Trong ảnh là khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Á Châu (ACB) – Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

(TBKTSG Online) –  Các quy định về tăng lãi suất, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, điều chỉnh tỷ lệ cho vay chứng khoán… đang đặt các ngân hàng trước một lộ trình chông gai hơn.

Khó khăn đầu tiên đó là quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tăng lãi suất cơ bản, tái cấp vốn và chiết khấu. Cụ thể, từ tháng 2-2008, lãi suất cơ bản tăng từ 8,25%/năm lên 8,75%, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 6,5% lên 7,5% và lãi suất chiết khấu tăng từ 4,5% lên 6%. Tín hiệu này cho thấy NHNN sẽ hạn chế “rót” tiền vào nền kinh tế thông qua các “cửa sổ” tái cấp vốn và chiết khấu, một cách gián tiếp hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng.

Năm ngoái, tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM tăng đến 70,6% và đạt 487.000 tỉ đồng và dư nợ cho vay tăng “chóng mặt” đến 77% và đạt 406.400 tỉ đồng. Theo chỉ tiêu của NHNN chi nhánh TPHCM, năm nay, huy động vốn chỉ tăng chừng 35-37% và cho vay ở mức 32-34%.

Cũng từ tháng 2-2008, tất cả các ngân hàng sẽ phải áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới, với 11% áp dụng cho tiền gửi, bất kể nội tệ hay ngoại tệ, có kỳ hạn dưới 12 tháng và 5% đối với tiền gửi dưới 24 tháng. Tỉ lệ dự trữ bắt buộc trước đây tương ứng là 10% và 4%.

Nếu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) trước đây được “ưu ái” hơn các ngân hàng khác, với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ có 8% đối với tiền huy động dưới 12 tháng thì nay phải “chơi” một cách bình đẳng. Vì thế, ước tính sẽ có khoảng 6.000 tỉ đồng chạy từ Agribank sang NHNN do tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao hơn.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao hơn cũng có nghĩa chi phí huy động vốn của các ngân hàng cao hơn. Chưa hết, lạm phát tháng 1-2008 đã lên đến 2,38%, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất huy động để giữ chân cũng như thu hút khách hàng. Thực tế đã có một vài ngân hàng tăng lãi suất huy động, có ngân hàng đã tăng hai lần từ đầu năm đến nay. Chưa thấy có ngân hàng nào “dám” tăng lãi suất cho vay, có lẽ do tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Những ngân hàng hàng đầu trong cho vay xuất-nhập khẩu như Vietcombank hay ACB còn “đau khổ” khi lãi suất đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới ngày càng thấp bởi các ngân hàng này đang phải duy trì một lượng đô la Mỹ khá lớn tại các các ngân hàng nước ngoài để phục vụ cho nhu cầu thanh toán của khách hàng. Gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cắt giảm lãi suất cơ bản từ 3,5% xuống còn 3%, chỉ 9 ngày sau đợt cắt giảm khá mạnh từ 4,25% xuống 3,5%.

Sắp tới đây, sẽ có một số ngân hàng phải tiếp tục cắt giảm các khoản cho vay chứng khoán vì theo quy định mới, tỷ lệ cho vay chứng khoán chỉ được phép tương đương 20% vốn điều lệ thay vì 3% trên tổng dư nợ như Chỉ thị 03 trước đây. Các ngân hàng cổ phần trên địa bàn TPHCM hiện có tổng vốn điều lệ là 23.000 tỉ đồng, tức sẽ được cho vay chứng khoán tối đa 4.600 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng dư nợ của các ngân hàng này hiện là 215.400 tỉ đồng, nếu theo Chỉ thị 03 thì được phép cho vay chứng khoán tối đa là 6.500 tỉ đồng. Như vậy, ngân hàng sẽ phải tiếp tục cắt giảm các khoản cho vay chứng khoán.

Dĩ nhiên các ngân hàng có thể phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên để tăng mức cho vay chứng khoán. Tuy nhiên, với tình hình thị trường chứng khoán không mấy sáng sủa như hiện nay thì việc phát hành thêm cổ phiếu là không dễ dàng chút nào. Đấy là chưa nói đến một ràng buộc mới, đó là hệ số rủi ro cho vay chứng khoán giờ đây đã tăng lên 250%, không còn là 150% như trước đây nữa.

Cuối cùng, rất nhiều hồ sơ xin mở thêm chi nhánh trên địa bàn TPHCM đang bị ách tắc. Hiện có khoảng 200 hồ sơ xin mở chi nhánh đang nằm trên bàn NHNN chi nhánh TPHCM.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, tại hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn diễn ra gần đây, khẳng định: “Số lượng chi nhánh của các ngân hàng trong năm qua đã tăng lên quá nhanh. NHNN giờ đây muốn các ngân hàng thương mại tập trung vào công tác quản lý rủi ro cũng như đưa ra các sản phẩm mới thay vì tiếp tục mở rộng mạng lưới”.

ĐỨC LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới