(KTSG Online) - Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã và đang tìm kiếm các địa điểm mở rộng đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam nằm trong số các quốc gia được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.
- Nhà đầu tư lại tiếp tục than phiền gặp khó với quy định và thủ tục
- ‘Nhà đầu tư nước ngoài cần mang đến công nghệ sạch thay vì công nghệ rẻ gây ô nhiễm’
Ngày 17-9 diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển". Hội nghị kết nối đến các điểm cầu địa phương trên cả nước và 80 điểm cầu của doanh nghiệp nước ngoài ở trong và ngoài nước.
Hội nghị ghi nhận các ý kiến của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp các nước và đa số đều đánh giá Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng cho những nhà đầu tư mới và những nhà đầu tư hiện hữu mở rộng kinh doanh.
Tại hội nghị, các tập đoàn lớn như Panasonic, Dell Technologies, Tập đoàn Bosch, Ørsted, Meta,... đều đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng cho kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Ngay cả đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn để các thành viên mở rộng đầu tư kinh doanh.
Chia sẻ về vai trò của Việt Nam trong dòng vốn đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, cho biết dù dòng vốn FDI của Nhật Bản trên thế giới chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2021 và đã giảm 49% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ nhưng trong các đối tác hàng đầu về đầu tư của Nhật Bản, Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, hơn 59% vào năm 2021 và hơn 45% năm 2022.
Kết quả khảo sát của JETRO năm ngoái cho thấy 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong các nước ASEAN. Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng tại Việt Nam, thay vì Nhật Bản, Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN.
Theo website Chính phủ, tại hội nghị, ông John Rockhold, Chủ tịch toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất lạc quan về triển vọng tiếp tục tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022. Trước những khó khăn trên toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả phát triển kinh tế vừa rồi cũng như năng lực rất quan trọng của Việt Nam để có thể duy trì được các cán cân về đầu tư và các chỉ số.
Bên cạnh đó, chính sách về đầu tư của Việt Nam đang rất cạnh tranh và có thể thu hút nguồn đầu tư rất lớn, cũng như các quy định liên quan đến đầu tư của doanh nghiệp Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế khác, ngoài Nhật Bản và Mỹ, đã và đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Theo đó, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn, với những lợi thế như kinh tế chính trị, xã hội ổn định, tăng trưởng dương, nền kinh tế có độ mở lớn, thể chế đang được hoàn thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư…
Tuy nhiên, ông Dũng chỉ ra các vấn đề như chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động cục bộ, cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ; và vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi chính sách, việc triển khai còn thiếu thống nhất ở một số khâu gây khó khăn cho doanh nghiệp…
Đây cũng là những vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài gặp phải và đề nghị các địa phương và trung ương cần cải thiện.
Các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu cũng mong muốn có một môi trường đầu tư minh bạch, có thể dự đoán được cũng như tinh giản được các thủ tục về đầu tư. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng nhắc tới những khó khăn trong đầu tư của doanh nghiệp tại Việt Nam như vấn đề đấu thầu, thiếu lao động, bất ổn về năng lượng, chuyển đổi số hay logistics, chuỗi cung ứng còn yếu...
Vì vậy, để đón nhận dòng vốn này cần chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư để tháo gỡ. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp như kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; đa dạng hóa đối tác và giảm chi phí đầu vào.