Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều trường hợp thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Qua kiểm tra kết quả thực hiện tinh giản biên chế, có một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng đối tượng, Bộ Nội vụ đã yêu cầu báo cáo, giải trình và đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp này.

Bộ Nội vụ cho rằng, nhiều nhóm đối tượng không thuộc diện tinh giản biên chế để hưởng lương hưu. Các nhóm đối tượng này có nhiều hình thức khác để rời khỏi hệ thống hành chính sự nghiệp: xin thôi việc, buộc chấm dứt hợp đồng lao động… Ảnh minh họa: TL

Vừa qua, một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng đối tượng, theo đó có các nhóm đối tượng không được thực hiện tinh giản biên chế, gồm chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ mà vẫn bố trí vào làm công chức, viên chức hoặc cán bộ cấp xã; công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn đề nghị giải quyết tinh giản biên chế; công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ đề nghị giải quyết tinh giản biên chế nhưng vẫn được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định.

Bên cạnh đó còn có nhóm chưa đủ thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn để tinh giản biên chế ở tuổi nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường; công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng không làm rõ được việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị…

Để tránh trường hợp phải khắc phục việc giải quyết tinh giản biên chế không đúng quy định, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện tinh giản biên chế đúng đối tượng, áp dụng đúng chế độ, chính sách tinh giản biên chế và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến hết tháng 6-2022, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ ở các bộ, ngành, địa phương là 78.234 người (chiếm tỷ lệ 22,6% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021); trong đó, các bộ, ngành là 5.451 người và địa phương là 72.783 người.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận định việc tinh giản biên chế hiện chủ yếu là giảm cơ học về số lượng, có tình trạng cào bằng, chưa thực sự gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thời gian tới, bộ này tiếp tục thực hiện cơ cấu và sắp xếp lại bộ máy; tập trung hoàn thiện xong vị trí việc làm, khung năng lực của vị trí việc làm để xác định rõ biên chế của các cơ quan, đơn vị hành chính cũng như cơ quan, đơn vị sự nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới