Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Những cú ‘tuýt còi’ cần thiết để bảo vệ di sản thiên nhiên

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tạm ngừng dự án san lấp vùng đệm vịnh Hạ Long làm khu đô thị, đánh giá lại dự án xây khách sạn cao tầng trên đồi Dinh ở Đà Lạt, ngăn chặn tình trạng nhà hàng nổi hoạt động trái phép trên vịnh Vĩnh Hy... là những động thái góp phần cứu vãn cảnh quan thiên nhiên trước khi quá muộn.

Tuần rồi, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kết luận về việc điều chỉnh quy hoạch khu trung tâm thành phố Đà Lạt. Sau khi UBND nghe phản biện từ các chuyên gia, kiến trúc sư, UBND tỉnh Lâm Đồng chưa thông qua việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết đối với không gian của toàn bộ khu Hòa Bình. Điểm được dư luận đồng tình nhất là chính quyền tỉnh đã quyết định cho dừng phương án xây khách sạn cao tầng ở khu vực đồi Dinh để đánh giá lại và tìm phương án tốt hơn(1).

Trước đó, năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chọn phương án xây dựng khách sạn cao tầng, phá bỏ dinh Tỉnh trưởng cũ gần 100 tuổi trên đồi Dinh rộng 6 ha để xây mới một công trình giống như vậy ở độ cao mới được nâng thêm 28 mét. Quy hoạch này đã bị nhiều người dân và chuyên gia phản đối vì việc xây dựng khách sạn đồ sộ sẽ xâm hại mảng xanh công cộng duy nhất ở khu trung tâm Hòa Bình.

Cũng trong tuần qua, cơ quan chức năng ở huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) đã kiểm tra và xử phạt nhiều nhà hàng nổi, bè nổi hoạt động trái phép ở vịnh Vĩnh Hy. Đáng ngại hơn, các nhà hàng nổi này còn làm cầu phao nối vào đất liền ở khu vực thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa quản lý. Những hoạt động kinh doanh như vậy có thể gây hậu quả nặng nề cho môi trường biển và rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên này(2). Mong là động thái ngăn chặn của cơ quan chức năng để bảo vệ di sản thiên nhiên ở vịnh Vĩnh Hy và Vườn quốc gia Núi Chúa sẽ được duy trì và có hiệu quả.

Tại tỉnh Quảng Ninh, di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bị chủ đầu tư dự án khu đô thị thuộc thành phố Cẩm Phả đổ đất đá san lấp ở vùng đệm, quây núi đá thành "hòn non bộ".

Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, vị trí san lấp thuộc vùng bảo vệ II Di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long. Việc đổ đất thi công mà không có giải pháp bảo vệ sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng tới các hệ sinh thái.

Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, thế nhưng tỉnh Quảng Ninh lại cấp phép cho dự án phát triển đô thị có khu vực chồng lấn vào vùng đệm được bảo vệ. Bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án lấn vùng đệm vịnh Hạ Long này cũng do UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt(3).

Sau khi báo chí phản ánh việc dự án lấn vùng đệm vịnh Hạ Long làm đô thị, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm tra và báo cáo trong tháng 11 này. Đây là động thái kịp thời vì việc thi công lấp biển phải ngưng lại trong khi chờ kiểm tra.

Những di sản thiên nhiên tuyệt đẹp một khi đã bị bê tông hóa hay xâm hại thì sẽ khó mà hồi phục lại vẻ đẹp ban đầu. Việc tuýt còi kịp thời không chỉ để cứu cảnh quan thiên nhiên mà còn để không có lỗi với lịch sử và hậu thế.

-------------------

(1) https://tuoitre.vn/dung-phuong-an-doi-dinh-tinh-truong-o-da-lat-20231118175246422.htm

(2) https://tuoitre.vn/tuyt-coi-hang-loat-khach-san-nha-hang-noi-homestay-o-vinh-vinh-hy-20231118171137889.htm

(3) https://thanhnien.vn/lan-vung-dem-vinh-ha-long-lam-do-thi-ai-chiu-trach-nhiem-185231112182041719.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Cần làm rõ lý do tại sao hầu hết vụ việc xâm hại di sản thế giới/ di tích quốc gia… gần như là “việc đã rồi” trước khi bị báo chí và dư luận phát hiện, phản ánh ? Có sự “thông thầu” hoặc “bắt tay” của nhóm lợi ích nào ở đây không ? Nếu có, đề nghị Quốc hội cần nhanh chóng ra tay ngăn chặn sớm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới