Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Những khuôn mặt trẻ thơ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những khuôn mặt trẻ thơ

Phùng Phương Quý

(minh họa: Khều).

(TBKTSG) - Sáng sớm, phố phường sạch tinh như vừa tắm gội. Những hàng cây xanh trút bỏ lớp bụi bặm ngày qua, xanh biếc. Những chuyến xe còn chưa ồn ào chen chúc giành đường qua mấy “lô cốt” dài thượt. Rẽ vào quán cà phê Nhạc xưa quen để tìm nghe một bản mới của Trịnh. Một khuôn mặt trẻ thơ như chờ đợi mình từ thế kỷ trước.

“Mua vé số lấy hên đi chú. Hôm nay có cặp 32 và 02 đẹp lắm nè!”. Tôi ngạc nhiên không hiểu cậu bé 7 tuổi này thức dậy từ lúc nào? Thằng con tôi giờ này còn đang ngủ nướng và ư ử làm nũng chán mới dậy để mẹ đưa tới trường.

Cậu bé nghe tôi hỏi thì cười nhe mấy cái răng sún: “Con dậy từ mờ đất lận. Tới đại lý sớm mới lấy được số đẹp. Tới muộn, toàn số người ta bỏ lại khó bán thí mồ”. À ra vậy! Bán vé số cũng phải cạnh tranh nữa. Nó cám ơn vì tôi đã mở hàng mua một cặp vé. “Chú mở hàng, hôm nay chắc con bán hết sớm”.  Cậu bé này còn biết cười và nói cám ơn.

 Tôi đã từng gặp những cô bé, cậu bé 9-10 tuổi bộ mặt thiểu não, mếu máo bước tới dúi tập vé số vào tay khách, giọng sắp khóc như bắt đền: “Sắp tới giờ xổ rồi mà còn hai chục tấm nè. Mua giùm đi”. Những đứa trẻ này có “thâm niên” nghề vé số, được chỉ vẽ hoặc tự học cách làm sao cho thiên hạ thương hại. Nếu khách lắc đầu từ chối mua vé số sẽ lập tức nhận được thái độ hết sức hỗn hào: “Xí! Không có tiền bày đặt vô quán làm chi?”.

Có những chú bé chỉ 4-5 tuổi đã phải bước ra đường bươn chải với xấp vé số. Thằng nhỏ bận bộ đồ thun trắng đi ngang làm tôi tưởng nó đi học mẫu giáo, nhưng tới khi nó chìa ra tập vé số thì tôi mới hiểu.

Tò mò, tôi đưa nó tờ năm chục ngàn mua tấm vé Tiền Giang, nó lôi trong chiếc túi nhỏ đeo bên mình ra một nắm tiền chừng vài trăm ngàn, toàn giấy bạc mệnh giá 100.000 hoặc 50.000 đồng, chọn tiền lẻ thối lại. Đây chắc chắn sẽ là mục tiêu dễ cướp giựt nhất nếu thằng bé gặp phải một con nghiện đang thiếu tiền mua thuốc.

Hôm mùng 8-3 tôi đang chọn mua mấy bông hoa tặng các đồng nghiệp nữ thì có cô bé chừng 6 - 7 tuổi bước vào, tay cầm xấp vé. Lại đụng vé số. Đó là điều tôi khó chịu nhất khi bước ra đường, bị chặn lại hay dí vô mặt xấp vé số khi đang có công chuyện gấp hay ngồi tâm sự với bạn bè bên ly cà phê.

Nhưng cô bé này không mời chào ai mua vé số cả, nó mê mải đứng ngắm những bình hoa rực rỡ đủ màu. Rõ ràng đây là lần đầu tiên cô bé nhìn thấy nhiều hoa như thế. Tôi mua xong hoa, tính nổ máy đi mà vẫn thấy cô bé mải mê trong cửa hàng hoa, liền gọi mua giùm nó cặp vé, nhưng con bé không để ý, đến khi có người vỗ vai bảo có người mua vé số nó mới bừng tỉnh, chậm chạp đi về phía tôi, mắt vẫn ngoái lại nhìn chùm hoa trên vách. Tôi hỏi cô bé thích loại hoa nào nhất, nó chỉ bó hồng nhung trên vách.

Gọi cô chủ cửa hàng mang ra một bông hoa to nhất giá tám ngàn đồng, tôi đưa cho cô bé. Chú tặng con nhân ngày 8-3 nè. Nó mở to mắt ngạc nhiên, rụt rè cầm bông hoa đưa lên mũi hít hà. “Để chiều con mang về tặng má. Má bịnh nằm hoài không ai tặng gì hết”. Hỏi thăm tôi mới biết cô bé vừa bỏ học lớp hai đi bán vé số vì mẹ bịnh nặng.

Buổi trưa bên gốc me già, có hai đứa trẻ đang lúi húi cầm que sắt bới tìm trong một xe rác chưa kịp chuyển đi. Cả hai đều đen đúa, ốm nhách, có vẻ từ quê mới lên thành phố kiếm sống. Thành phố bao nhiêu thứ đẹp, rộn rã, bóng loáng mà hai đứa trẻ không thèm nhìn ngắm. Đôi mắt chúng chăm chăm vào những thứ rác thải người ta vứt bỏ bên gốc cây, thùng rác. Cha mẹ chúng đâu? Làm gì? Câu hỏi này không thể biết tường tận vì có quá nhiều thân phận trẻ thơ trên đường phố.

Cô bé có gương mặt tròn, đỏ ửng vì nắng ở công viên thì lại rất vô tư với thân phận cha con họ (nếu người đàn ông mù kia là cha cô). Tiếng đàn, hát của người cha mù không thể thấm vào đầu óc non tơ của đứa trẻ, nó mải mê nhìn ngắm đàn kiến đang vi hành từ gốc cây sang bụi cỏ bên cạnh, để mặc chiếc nón rách dùng để tiền bố thí bị gió thổi xê dịch về phía hồ nước.

Mấy bữa đọc báo, thấy tòa án tỉnh này, quận kia đưa ra xử hai, ba người lớn can tội cướp giựt vé số, xâm hại tình dục trẻ em lang thang cơ nhỡ. Và chắc chắn những nguy cơ như vậy sẽ còn tiếp tục, khi trên đường phố ta vẫn thường xuyên bắt gặp những khuôn mặt trẻ thơ vô tội đang phải lầm lũi mưu sinh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới