Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những nguy cơ từ việc học sinh bỏ học 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những nguy cơ từ việc học sinh bỏ học 

Bộ GD-ĐT cho rằng con số 114.000 học sinh phổ thông bỏ học vừa được công bố là không đáng ngại – Ảnh minh họa: baophuyen.com.vn

(TBKTSG Online) – Thời gian gần đây có một sự việc có lẽ ai cũng quan tâm là con số 114.000 học sinh phổ thông bỏ học. Một vị lãnh đạo Bộ GD-ĐT, bằng cách quy ra tỷ lệ phần trăm, đã cho rằng không đáng ngại vì con số không lớn và không bất ngờ.

Thế nhưng nếu suy nghĩ cho cặn kẽ thì những hệ quả sẽ nảy sinh từ tình trạng bỏ học sớm hôm nay là việc không hề đơn giản cho bản thân các em và cho tương lai của xã hội.

Trước hết là tình trạng thất học liên thế hệ sẽ diễn ra trong xã hội. Với 114.000 học sinh hôm nay bỏ học, thì trong tương lai xã hội sẽ có thêm số gia đình tương ứng có ông bố hoặc bà mẹ thất học hoặc có học vấn thấp. Như vậy con cái của những gia đình này sẽ như thế nào? Khả năng thất học liên thế hệ sẽ xảy ra với một xác suất rất lớn, bởi các nghiên cứu xã hội học giáo dục trên thế giới đã chứng minh mối quan hệ tương quan thuận giữa học vấn của bố mẹ và học vấn của con cái, tức nếu bố mẹ có học vấn cao thì con cái cũng sẽ có học vấn cao và ngược lại.

Chẳng hạn trong nghiên cứu “Parental education and Child’s education: A natural experiment” của A. Chevalier vào năm 2003 cho thấy trình độ học vấn của bố mẹ có tác động có ý nghĩa đến quyết định tham gia vào việc học tập của con cái sau này, và nếu học vấn của người mẹ tăng lên một lớp thì sẽ làm tăng thêm 20% xác suất đi học của con cái; cha mẹ càng có học vấn cao thì càng dành nhiều thời gian cho con cái hơn và càng đóng vai trò là “hình mẫu” cho con cái nhiều hơn

(Nguồn: www.ucd.ie/economic/staff/achevalier/web/teaching/3Labour/presentation.ppt).

Hậu quả kế tiếp mà xã hội phải đối diện trong tương lai đó là tình trạng tội phạm hoặc các hành vi lệch lạc sẽ gia tăng trong xã hội. Trong ngành xã hội học thường bàn đến khái niệm “xã hội hóa”, đây là khái niệm chỉ quá trình cá nhân được đào luyện để trở thành các thành viên có nhân cách hợp chuẩn trong tương lai, trong đó hai thiết chế đóng vai trò thiết yếu trong việc xã hội hóa cá nhân đó là gia đình và học đường.

Như vậy việc hơn một trăm nghìn học sinh bỏ học đã bị xã hội hóa một cách “đứt đoạn”, và vì vậy nhân cách của các em sẽ phát triển không hoàn chỉnh. Đây chính là điềm báo về khả năng xảy ra những hành vi phi chuẩn mực nơi các em trong tương lai.

Bên cạnh đó, trong lý thuyết căng thẳng (Strain Theory) của nhà xã hội học lừng danh người Mỹ Robert Merton, tình trạng tội phạm/lệch lạc xảy ra khi cá nhân rơi vào tình trạng căng thẳng giữa mục tiêu (Goals) và phương tiện (Means), tức là cá nhân muốn đạt được những mục tiêu mà ai trong xã hội cũng muốn đạt tới như có nghề nghiệp, có cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, địa vị, uy tín xã hội… nhưng lại không tiếp cận được các phương tiện hợp thức để đạt được những mục tiêu đó nên họ phải sử dụng những phương tiện phi hợp thức khác và vì thế tình trạng tội phạm sẽ xảy ra.

Học vấn luôn là phương tiện hợp thức mà bất cứ cá nhân nào cũng muốn có được trước hết, bởi nó là chìa khóa quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu trong cuộc sống của cá nhân, có học vấn tốt thì mới có nhận thức tốt, kỹ năng tốt và do đó mới có thể có những công việc với thu nhập đảm bảo cho cuộc sống. Đồng thời xét trong bối cảnh nền kinh tế tri thức như hiện nay và trong tương lai thì học vấn lại sẽ càng là một yếu tố tối cần thiết đối với mọi thành viên trong xã hội.

Vậy hơn một trăm nghìn học sinh hôm nay bỏ học thì tương lai sẽ sống như thế nào? Làm thế nào để các em có được một công việc trong một xã hội, một thị trường lao động ngày càng đòi hỏi phải có tri thức và tay nghề cao trong tương lai? Các em chắc chắn sẽ bị loại ra bên lề xã hội và khi không thể tiếp cận được các phương tiện hợp thức để kiếm sống thì chắc chắn các em sẽ dùng đến những phương tiện phi hợp thức và phi pháp để tồn tại.

Có lẽ một điều cần lưu ý lại là những vấn đề liên quan đến con người, dù là quy mô về tỷ lệ phần trăm là không lớn cũng buộc chúng ta phải có cái nhìn thấu đáo hơn nhằm tránh những đánh giá hời hợt để rũ bỏ trách nhiệm của mình.

LÊ MINH TIẾN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới