Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những “quản gia” chu đáo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những “quản gia” chu đáo

Th. Phương

Trong tương lai, các thiết bị gia dụng sẽ hoạt động như những “quản gia” chu đáo.

(TBVTSG) – Đừng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó chiếc tủ lạnh có thể nhắc bạn nên giảm cân, chiếc điện thoại biết chặn những cuộc gọi mà nó cho là sẽ khiến bạn khó xử trí, và chiếc xe hơi giúp bạn thư giãn bằng những câu bông đùa…

Một số nhà nghiên cứu dự báo rằng trong vòng 10 hoặc 20 năm tới, các thiết bị gia dụng sẽ hoạt động như những quản gia cực kỳ chu đáo, có khả năng dự đoán và tự động đáp ứng các nhu cầu của con người. Nhờ vậy, cuộc sống không chỉ trở nên thuận tiện hơn mà thậm chí còn kéo dài hơn. Ông Michael Freed, một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo thuộc tổ chức SRI International, nhận định: “Tôi nghĩ rằng đây là xu hướng tất yếu”.

Nhận biết tâm trạng

Công nghệ thúc đẩy sự ra đời của một thế hệ thiết bị thông minh nói trên là sự kết hợp của những bộ cảm biến và phần mềm máy tính ngày càng tinh vi. Theo những gì được hình dung, các thiết bị sẽ biết điều chỉnh hành động dựa theo sở thích và nhu cầu của con người bằng cách phân tích dữ liệu về hành động của họ trong quá khứ và theo dõi hành vi hiện tại thông qua camera, máy ghi âm và những bộ cảm biến khác.

Hãng Intel (Mỹ) đã nghiên cứu công nghệ nói trên trong vài năm qua và tin rằng không lâu nữa các thiết bị sẽ có khả năng đọc cảm xúc của người sở hữu chúng. Thay vì sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói và khuôn mặt để xác định tính khí của một người như đề nghị của một số chuyên gia, Intel đang thử nghiệm thiết bị theo dõi tim và bộ cảm biến ghi nhận phản ứng của da khi bị kích động mạnh.

Một cuộc nghiên cứu vào năm ngoái hình dung các thiết bị có thể nhận biết những biến đổi trong tâm trạng của con người khi họ “lái xe, hát hò, trò chuyện với bạn bè, dự họp hoặc thậm chí là đến nha sĩ”. Những người khác thậm chí hy vọng rằng đến một ngày các thiết bị gia dụng sẽ được thiết kế với những tính cách giống con người.

Một số chuyên gia cho rằng những ý tưởng nói trên gần đây đã trở nên thực tế hơn bởi sự phổ biến của các thiết bị được vi tính hóa, như thiết bị điều khiển từ xa, máy nghe nhạc MP3, thiết bị điều hòa không khí, lò vi ba…

Do nhiều thiết bị trong số này được trang bị camera, hệ thống định vị toàn cầu và các bộ cảm biến để theo dõi những gì xung quanh chúng, không khó để hình dung rằng chúng có thể thu thập đủ dữ liệu về con người để tự động hành động thay cho họ, nếu con người cho phép điều này xảy ra.

Chẳng hạn như, theo nhà nghiên cứu Hamid Aghajan của Đại học Stanford, các thiết bị trong tương lai có thể hiểu người chủ nhà đủ để có thể tự động phát thứ ánh sáng và âm nhạc thích hợp khi họ đang ăn hay đọc sách.

Ứng dụng đầu tiên

Ông Peter Hartwell, một nhà nghiên cứu cao cấp của hãng Hewlett-Packard (HP), dự báo rằng những thiết bị thông minh như thế có thể xuất hiện trong ngôi nhà sau khoảng 10 năm nữa.

Ứng dụng đầu tiên của các thiết bị này có thể là trông nom người cao tuổi trong ngôi nhà. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Sức khỏe bang Oregon (Mỹ) cho biết, họ có thể phát hiện những triệu chứng ban đầu của bệnh mất trí ở người già bằng cách sử dụng hộp đựng thuốc thông minh để nhận biết liệu các cụ có uống thuốc hay không.

Ngoài ra, các bộ cảm biến chuyển động cũng được dùng để xác định liệu họ có đi đứng chậm lại hay không – một dấu hiệu ban đầu của một căn bệnh tiềm tàng.

Trong khi đó, một số chuyên gia tin rằng chiếc tủ lạnh trong tương lai sẽ được trang bị bộ cảm biến để theo dõi việc ăn uống của con người và thúc giục họ điều chỉnh lượng ca-lo để có lợi cho sức khỏe. Chưa hết, nếu có người bị bệnh nghiêm trọng, các thiết bị trong nhà có thể nhận biết chứng bệnh và báo động cho nhà chức trách y tế.

Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng những thiết bị như thế có thể vẫn chưa sẵn sàng được sử dụng rộng rãi trong tương lai gần vì những thách thức khá lớn về mặt công nghệ. Ông Bob Sloan, người đứng đầu bộ phận khoa học máy tính của Đại học Illinois, nhận định: “Các thiết bị sẽ mất nhiều thời gian để phát triển và hoàn thiện hơn là những gì các công ty dự báo. Vẫn còn rất nhiều vấn đề khó cần được giải quyết”.

Ngoài ra, dòng thiết bị công nghệ cao nói trên cũng làm nảy sinh không ít mối lo ngại. Một vấn đề mà ông Eric Goldman, Giám đốc Học viện Luật công nghệ cao của Đại học Santa Clara, bận tâm là làm thế nào để bảo vệ tính riêng tư của những thông tin cá nhân mà thiết bị thu thập. Ông Goldman cảnh báo rằng không có gì bảo đảm rằng các thiết bị thông minh lúc nào cũng làm chính xác những gì con người muốn chúng làm.

Trong khi đó, ông Hartwell khuyến cáo rằng những thiết bị này phải được thiết kế để hoạt động sao cho không khiến con người cảm thấy khó chịu.

(San Jose Mercury News)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới