(KTSG) - Với nhiều đại biểu Quốc hội, niềm vui tăng trưởng năm nay có thể đạt 8% và là mức cao của thế giới, đang xen lẫn nỗi lo lắng về chất lượng và sự bền vững của nền kinh tế, cùng một tương lai đầy bất trắc của tình hình kinh tế thế giới đang chờ phía trước.
- Kiểm soát lạm phát: bối cảnh giờ đã khác
- Nghị trường nóng với vấn đề thiếu giáo viên và ‘3 thiếu’ của ngành y tế
Trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội sẽ dành gần hai ngày (27 và 28-10) để thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2022 và kế hoạch, dự toán cho năm 2023. Chia sẻ bên lề phiên thảo luận tổ cũng về vấn đề này vào cuối tuần trước, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết cảm giác chủ đạo của họ là “chưa kịp mừng đã vội lo”.
Đại biểu mừng vì bất chấp nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng có chiều hướng suy giảm thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022.
GDP chín tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của chín tháng trong giai đoạn 2011-2022, nhất là quí 3 tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả ba khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%.
Nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức cao như Bắc Giang 23,9%; Khánh Hòa 20,48%; Cần Thơ 17,57%; Đà Nẵng 16,76%; Hậu Giang 14,74%; Hải Phòng 12,06%.
Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát - yêu cầu mà Ủy ban Kinh tế đặt ra - cũng cần được triển khai sớm và nghiêm túc.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chín tháng tăng 2,73%, lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tiền đồng của Việt Nam được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.
Theo ước tính của Chính phủ, năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 8%. Đây là những kết quả đáng khích lệ, giúp tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của các năm tiếp theo.
Tuy vậy, đang có những chỉ dấu cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế và sự phục hồi chưa thực sự bền vững, đã được báo cáo của Ủy ban Kinh tế chỉ rõ.
Đầu tiên, chỉ tiêu duy nhất không đạt chính là một chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm nay ước tăng 4,7-5,2% trong khi mục tiêu là 5,5%.
Kết quả này đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và GDP bình quân đầu người đều dự kiến vượt kế hoạch “cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động”, Ủy ban Kinh tế nhận xét.
Theo Ủy ban Kinh tế, lạm phát thời gian tới sẽ chịu áp lực tăng từ nhiều yếu tố, trong đó có sự phục hồi của cầu tiêu dùng, giải ngân đầu tư công; áp lực từ tỷ giá; việc triển khai mạnh hơn các chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như tác động của việc điều chỉnh giá các dịch vụ công theo lộ trình.
Tình hình doanh nghiệp cũng có những diễn biến trái chiều. Một mặt, số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại trong chín tháng tăng cao (38,6% so với cùng kỳ năm 2021) nhưng chưa đóng góp nhiều cho nền kinh tế.
Mặt khác, trong chín tháng năm 2022, bình quân mỗi tháng vẫn có 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 (8.500 doanh nghiệp/tháng) và năm 2021 (gần 10.000 doanh nghiệp/tháng).
Nhìn chung, Ủy ban Kinh tế nhận định, dù kinh tế phục hồi song cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn như: thiếu vốn lưu động, khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao; số lượng và lợi nhuận của đơn hàng xuất khẩu sụt giảm... Công nghiệp hỗ trợ, mức độ liên kết doanh nghiệp nội ngành, liên ngành và liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn nhiều hạn chế.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Các doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn.
“Các vụ việc xảy ra tại tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán xảy ra trong năm gây nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, đối với xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư”, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Trong khi đó, thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, có tình trạng “đẩy giá”, gây sốt ảo.
Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và khâu tổ chức thực hiện tiếp tục “có vấn đề” khi đầu tư công vẫn là điểm nghẽn. Đến hết tháng 9-2022, giải ngân đầu tư công mới chỉ đạt 46,7%, riêng vốn ODA chỉ đạt khoảng 15%. Có tới 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình, trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm như Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và Dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1... còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ. Những yếu tố này tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Tất cả những chỉ dấu của sự hồi phục chưa bền vững, tăng trưởng chưa thật sự chất lượng nêu trên đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới và tình hình quốc tế dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường càng làm gia tăng nỗi lo của các đại biểu Quốc hội.
Nhìn từ bên ngoài, Ủy ban Kinh tế cho rằng, có ba rủi ro có thể tác động tới nước ta. Đó là rủi ro tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc, nguy cơ suy thoái gia tăng. Các nền kinh tế phát triển đầu tàu và là đối tác thương mại lớn của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái do diễn biến khó lường của xung đột Nga - Ukraine, chính sách phòng, chống dịch Covid-19 của Trung Quốc, diễn biến lạm phát và phản ứng chính sách của các nước.
Thứ hai là rủi ro lạm phát kéo dài, tăng cao thời gian qua do nguyên nhân từ cả phía cầu (các gói tài khóa - tiền tệ nới lỏng trong năm 2020-2021) và phía cung (đứt gãy nguồn cung, giá năng lượng tăng cao), do đó nhiều khả năng lạm phát sẽ trở thành rủi ro hiện hữu trong trung hạn.
Thứ ba là rủi ro từ quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ được đẩy nhanh và dự báo còn kéo dài tới giữa hoặc cuối năm sau. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và một số tổ chức quốc tế cho rằng việc tăng lãi suất tại Mỹ và các nền kinh tế lớn khác có thể góp phần kiềm chế lạm phát, song cũng cảnh báo các biện pháp này có khả năng gây ra đảo chiều dòng vốn và tăng gánh nặng trả nợ đối với nhiều nước đang phát triển.
Bối cảnh này đòi hỏi những tính toán cho tương lai - cả trên bàn nghị sự Quốc hội và trong hoạt động điều hành của Chính phủ - phải hết sức thận trọng và theo sát diễn biến tình hình thế giới cũng như phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát - yêu cầu mà Ủy ban Kinh tế đặt ra - cũng cần được triển khai sớm và nghiêm túc.
Rất khó giảm lãi suất
Ủy ban Kinh tế cho biết, tỷ lệ giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã khá thấp, tính đến ngày 28-9-2022 mới đạt 20%. Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ đạt khoảng 13,5 tỉ đồng trên gần 16.035 tỉ đồng phân bổ cho năm 2022. Mục tiêu “phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên” rất khó thực hiện trong điều kiện hiện nay.