Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nỗ lực thúc đẩy thanh toán di động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗ lực thúc đẩy thanh toán di động

Vân Oanh

Nỗ lực thúc đẩy thanh toán di động
Samsung Pay đang giới thiệu giải pháp thanh toán di động. Ảnh: Vân Oanh

(TBKTSG Online) - Hiện các ngân hàng, công ty công nghệ tài chính đang nỗ lực đẩy mạnh cung cấp các giải pháp thanh toán di động bởi họ cho rằng Việt Nam là thị trường tiềm năng cho cung cấp dịch vụ này.

Hơn 25 tuổi và đang làm việc tại một công ty công nghệ nên Linh rất hứng thú với những giải pháp công nghệ thanh toán mới, tiện ích. Gần đây do các ngân hàng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ thanh toán và chuyển tiền bằng mã QR (quick response code - mã vạch ma trận) trên điện thoại di động nên Linh đã cài phần mềm vào điện thoại để dùng thử. Ứng dụng này giúp cho người dùng có thể dễ dàng chuyển tiền hay thanh toán thông qua mã QR trên điện thoại di động, không cần cầm theo thẻ hay tiền mặt.

Để thanh toán, Linh chỉ cần mở phần mềm, đăng nhập, quét mã QR và nhập mã cá nhân hoặc quét vân tay để xác nhận thanh toán.

Ngày càng nhiều công nghệ mới được cung cấp

Cách đây hơn 2 năm dịch vụ thanh toán bằng mã QR mới được ngân hàng đầu tiên cung cấp. Đến nay đã có 12 ngân hàng cung cấp dịch vụ này. Hiện đây là giải pháp thanh toán phổ biến tại Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc... nhưng vẫn là một công nghệ thanh toán di động mới ở Việt Nam.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của ngân hàng BIDV, cho rằng năm nay việc thanh toán trên điện thoại xuất hiện làn sóng mới là mã QR.

Ngoài xu hướng cung cấp giải pháp thanh toán bằng mã QR, Samsung còn đưa vào Việt Nam giải pháp thanh toán ứng dụng công nghệ không chạm Samsung Pay. Giải pháp này cho phép người dùng nhập thông tin thẻ vào một số loại điện thoại Samsung mà không cần xuất trình thẻ khi thanh toán. Nhờ công nghệ NFC, người dùng chỉ cần mở ứng dụng và đưa điện thoại lại gần máy chấp nhận thẻ (máy cà thẻ - POS) thông thường để thanh toán. Hiện tại, các chủ thẻ ATM nội địa thuộc bảy ngân hàng VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, Shinhan Vietnam Bank, ABBank, Citibank đã có thể sử dụng dịch vụ này.

Gần đây để mang lại sự tiện dụng tại các điểm bán hàng, ngoài các máy POS truyền thống cố định có dây, thị trường đã xuất hiện thêm nhiều đơn vị cung cấp thiết bị cà thẻ di động xử lý thanh toán bằng điện thoại thông minh đi kèm với đầu đọc thẻ nhỏ gọn, cơ động với đầu tư rẻ hơn máy POS truyền thống.

Đi kèm với các loại hình thanh toán di động nêu trên, thanh toán ví điện tử cũng nở rộ tại thị trường Việt Nam trong khoảng 2-3 năm gần đây. Đến tháng 8-2017, 24 công ty đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và trong đó có 14 công ty đã cung cấp dịch vụ ví điện tử cho khách hàng như MoMo, VTC Pay, Zalo Pay, AirPay, Vimo, Vnmart, Payoo, Moca...

Tình hình có vẻ nhộn nhịp là thế nhưng các chuyên gia cho rằng Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của thanh toán di động.

Liệu có khả thi?

Chia sẻ tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017 với chủ đề về thanh toán di động được tổ chức vào ngày 6-11 tại Hà Nội, ông Thomas Ko, Phó tổng giám đốc, Giám đốc điều hành Samsung Pay toàn cầu cho hay việc phổ biến thanh toán bằng tiền mặt là cơ hội cho Samsung Pay đưa giải pháp vào Việt Nam.

Còn ông Trần Thanh Nam, Tổng giám đốc Ví điện tử Moca, cho rằng chất xúc tác cho sự bùng nổ của thanh toán di động là mã QR. Thanh toán bằng thẻ vật lý khó phát triển vì sự thiếu hụt máy POS do vấn đề chi phí. Ví dụ, để trang bị máy POS cho 1.000 xe taxi sẽ cần đầu tư khoảng 300.000-500.000 đô la Mỹ. Trong khi đó, gắn mã QR cho 1.000 xe taxi này sẽ chỉ cần in sticker với tổng chi phí khoảng 10-20 triệu đồng.

Ông Nam còn cho hay giải pháp thanh toán di động thế hệ mới còn an toàn hơn các hình thức thanh toán điện tử truyền thống, như thẻ nhựa hay ví điện tử. Bởi nó được áp dụng công nghệ “Tokenization” để loại bỏ rủi ro lộ thông tin thẻ khi thực hiện các dịch vụ thanh toán. Bởi công nghệ này áp dụng phương thức bảo vệ các dữ liệu nhạy cảm như số thẻ, thông qua cách thay số thẻ bằng một chuỗi số khác - gọi là token. Token này không thể bị lần ngược trở lại để tìm ra thông tin thẻ.

Khi người dùng liên kết thẻ thanh toán với ứng dụng ví điện tử, hệ thống phía ngân hàng sẽ cung cấp một token ứng với dữ liệu của thẻ của người dùng.

Theo ông Nam, ví điện tử chỉ lưu giữ và sử dụng token này để xử lý các giao dịch thanh toán. Thông tin thẻ thực của người dùng hoàn toàn không được lưu trên điện thoại hay trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử. Và khi thực hiện giao dịch, nó được sử dụng thay cho số thẻ.

Còn ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thanh toán di động dựa trên các cơ sở như: tỷ lệ dân số sử dụng smartphone năm 2016 gấp gần 4 lần so với 2013 và tính đến cuối năm 2016, có hơn 30 công ty công nghệ tài chính, trong đó có một nửa làm về thanh toán di động...

“Theo số liệu tháng 11-2016 của Statista, giá trị giao dịch thanh toán di động tại Việt Nam được dự báo ở mức 18 triệu đô la Mỹ vào năm 2017 và có khả năng đạt mức tăng trưởng 75,4% trong giai đoạn 2017-2021”, ông Hùng nói.

Theo ông Jack Ma, Chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc, đơn vị sở hữu ví điện tử lớn nhất Trung Quốc Alipay nhấn mạnh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang diễn ra trên toàn thế giới. “Việt Nam là đất nước với tỷ lệ dân số sử dụng internet lớn nhưng thanh toán phần lớn vẫn bằng tiền mặt là điều không tốt và cần cải thiện tình hình này,” ông Jack Ma nói.

Cũng nói tại diễn đàn nêu trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Chính phủ Việt Nam mong muốn phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam”.

Thách thức?

Mặc dù là thị trường tiềm năng nhưng để thúc đẩy thanh toán di động tại Việt Nam cũng còn gặp nhiều thách thức. Theo ông Cấn Văn Lực, thói quen thanh toán bằng tiền mặt, sự xuất hiện của nhiều giải pháp thanh toán di động là những trở ngại cho sự phát triển.

Ông Lực phân tích, tại một số quốc gia, các giải pháp thanh toán di động được dẫn dắt bởi một số doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường, như M-PESA tại Kenya, Alipay và Wechat Pay tại Trung Quốc. Việc này sẽ hạn chế sự phức tạp khi có quá nhiều giải pháp thanh toán. Trong khi đó, tại các quốc gia như Indonesia, số dịch vụ thanh toán qua di động lại quá nhiều, gây phức tạp cho người dùng và cần có sự quy hoạch hoặc liên thông để đảm bảo tính hiệu quả cho các đơn vị tham gia thị trường.

Về phía quản lý, ông cho rằng Chính phủ cần có chính sách ưu tiên cho thanh toán qua di động vì đây là một trong những công cụ chủ lực để phổ cập dịch vụ tài chính ngân hàng đến tất cả người dân - nhờ ưu thế về công nghệ và sự phổ biến của điện thoại (như trường hợp của Kenya). Ngoài ra, đây cũng là giải pháp tạo đột phá trong lĩnh vực thanh toán phi tiền mặt, bỏ qua giai đoạn thẻ (như Trung Quốc).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới