Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nước mắt chim câu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nước mắt chim câu

Trần Trung Sáng

(TBKTSG) – Đã một tháng qua, kể từ khi đàn chim bồ câu tại công viên Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng) bị tấn công và sát hại vào cái đêm mà mọi người đang chăm chú theo dõi trận cầu bán kết World Cup 2010 (7-7), số chim di tản do quá hốt hoảng đang dần tụ hội về, nhưng người phụ trách ước tính đàn bị mất đến vài trăm con. Người dân địa phương và du khách từng yêu chuộng vẻ đẹp hiền hòa của “Vườn chim hòa bình” vẫn còn trong vòng nuối tiếc và lo lắng.

Nhớ lại hồi tháng 3-2009, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã thuận đầu tư gần 80 triệu đồng để hình thành “Vườn chim hòa bình”, giao cho Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng mời nghệ nhân Phạm Tài Thu đưa về đàn bồ câu hơn trăm con để nuôi dạy thử nghiệm. Thấy thành công, từ tháng 1-2010, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư thêm 300 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho vườn chim và phát triển đàn bồ câu lên 800 con.

Được chăm sóc, huấn luyện thường xuyên, đàn chim ngày càng dạn dĩ, có thể nhảy nhót vui đùa với du khách, lúc tung cao, lúc lượn vòng, có khi còn sà xuống xếp thành chữ. Hầu hết du khách đến tham quan công viên Phạm Văn Đồng đều rất yêu thích và đánh giá cao việc tổ chức “Vườn chim hòa bình”, góp phần đem lại ấn tượng cho thành phố.

Thế nhưng, từ tháng 5-2010, Ban quản lý công viên phát hiện đàn bồ câu đang bị hao hụt về số lượng và cao điểm là vụ tập kích đàn chim có tổ chức vào đêm 7-7 với khoảng ba mươi thanh thiếu niên. Nhóm nhân viên bảo vệ công viên ban đêm chỉ có ba người, thật khó lòng mà đối phó vì hai khu chuồng chim cách nhau đến 500 mét.

Vụ việc vẫn còn đang được điều tra nhưng dư luận vẫn tỏ ra lo lắng. Ngoài một số biện pháp bổ sung quen thuộc theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” như tăng cường lắp đặt đèn chiếu sáng tại hai khu chuồng chim, lắp đặt lưới B40 để bảo vệ, tăng cường đội bảo vệ lên 6-8 người, dựng hai lều tạm cho nhân viên trực đêm…, thì việc cho cắm thêm các biển cấm tại chuồng chim có lẽ chẳng có ý nghĩa gì trong việc răn đe bọn phá hoại.

Khi hỏi ai là người chịu trách nhiệm trong vụ việc này (vì dẫu sao thì đây cũng là công trình đầu tư hàng trăm triệu đồng ngân sách nhà nước), chúng tôi đã không nhận được câu trả lời cụ thể nào ngoài việc Ban quản lý bán đảo Sơn Trà cho hay “sẽ có kết luận sau khi điều tra nhóm thanh thiếu niên phạm tội” (!).

Nhưng có lẽ, điều đáng suy nghĩ nhất, cũng là câu hỏi cần được trả lời, đó là tại sao nhiều người trẻ tuổi ở xã hội ta lại thiếu hẳn tình yêu đối với thiên nhiên, với những vẻ đẹp rất đáng được nâng niu như vẻ đẹp hoàn mỹ và quá đỗi dịu dàng của loài chim câu ấy!

Những ngày vừa qua, mỗi lần ghé lại thăm vườn chim, dường như bao giờ tôi cũng nhận ra có những khách tham quan chừng rất xót xa, cứ tần ngần nhìn vào những ô cửa chuồng trống trải. Ở nơi đó, những chú chim câu có nhớ bầy mà long lanh nước mắt?

Tự nhiên, tôi nhớ đến một loại rượu Vodka của người Nga mang tên “Nước mắt chim câu”. Tra cứu mãi vẫn không tìm được lời giải thích vì sao rượu này có một cái tên như vậy! Nhưng cho dù có mang ý nghĩa nào đi nữa, thì chắc hẳn cụm từ ấy vẫn gợi cho những ai yêu thiên nhiên, yêu vẻ xinh xắn, trong sáng và hiền lành của loài chim câu một nỗi xót xa, muốn làm điều gì đó để bảo vệ, che chở, tránh gây tổn thương cho loài sinh vật nhỏ bé vốn là biểu tượng của tình yêu và hòa bình.

Thực ra, việc mong mỏi chính quyền thành phố Đà Nẵng mau chóng phục hồi lại “Vườn chim hòa bình” và có giải pháp đối phó những sự phá hoại chỉ có ý nghĩa xoa dịu nỗi đau mà bản chất sâu xa của nó là vấn đề giáo dục lòng yêu thiên nhiên chưa được quan tâm đúng mức trong nhà trường ngay từ ở bậc mẫu giáo, tiểu học. Nếu muốn không còn những hành động tựa như việc làm rơi “nước mắt chim câu” nữa, có lẽ phải đi từ cái gốc giáo dục chứ không phải chỉ ở những biện pháp mang tính đối phó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới