Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ODA không phải là “nồi cơm Thạch Sanh”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ODA không phải là “nồi cơm Thạch Sanh”

Đại sứ Nhật tại Việt Nam, Mitsuo Sakaba, trao đổi với báo chí về việc tạm ngưng cấp vốn ODA bên lề Hội nghị CG sáng 4-12 tại Hà Nội – Ảnh: Thành Trung.

Quyết định tạm ngưng cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi từ Nhật Bản – quốc gia trước giờ vốn có truyền thống cấp ODA nhiều nhất cho Việt Nam (dự kiến sẽ giải ngân cho Việt Nam trong năm 2008 là hơn một tỉ đô la Mỹ), như một gáo nước lạnh dội vào các cơ quan chức năng.

>> Nhật tạm dừng cấp vốn ODA cho Việt Nam

Thử xem xét lý do vì sao Nhật đi đến quyết định ngừng cung cấp khoản tiền viện trợ cho ta. Xét cho cùng thì tiền, dù là của Chính phủ Nhật trao cho Chính phủ Việt Nam, cũng là thuế do người dân Nhật đóng góp. Cũng như nhân dân Việt Nam, người dân Nhật đòi hỏi số tiền của mình đóng góp phải được sử dụng đúng mục đích là trợ cấp giúp các nước nghèo có cơ hội phát triển hạ tầng kinh tế, giao thông, môi trường, cũng như hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng dễ bị tổn thương của xã hội.

Đến một ngày khi họ chợt nhận ra khoản tiền túi mình bỏ ra hàng năm bỗng dưng trở thành vô nghĩa thì đương nhiên là họ cảm thấy bất bình và lên tiếng yêu cầu Chính phủ của họ làm rõ những điều còn khuất tất.

Để đáp ứng nhu cầu chính đáng của những người hàng năm bỏ tiền ra nuôi mình, Chính phủ Nhật buộc phải ngưng phát tiền cho một nơi mà người dân của họ chưa thực sự tin tưởng, đồng thời quyết tâm giải quyết triệt để “nỗi đau tham nhũng” trong nội bộ nước Nhật.

Hơn nữa, đặt trường hợp ta là nước chi tiền viện trợ, tuy vẫn tự hào với các công trình như nhà ga quốc tế mới tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhà máy nhiệt điện Phả Lại, khu công nghệ cao Hòa Lạc, vẫn không thể tránh khỏi nao lòng khi nhìn thấy hiệu quả đầu tư hàng tỉ đô la của mình là cảnh hàng ngày người dân ở hai thành phố lớn sống trong cảnh ngập lụt, kẹt xe, đường sá ngày càng bị thu hẹp, cắt xẻo một cách không thương tiếc, các công trình chưa kịp khánh thành đã có dấu hiệu hư hỏng nặng… Do vậy, phản ứng từ phía Nhật được xem là tất yếu.

Đa phần tâm lý các nước nghèo đều mong mỏi có được tiền tài trợ từ các nước khác và đôi khi tạm thời quên đi khoản nợ mà con cháu họ phải nai lưng ra trả sau này. Trong những ngày còn theo chân các dự án phát triển cộng đồng, điều tôi nhận thấy là các quan chức địa phương và người dân thường rất hồ hởi mỗi khi nghe đến cụm từ “dự án”, nhất là dự án giảm nghèo. Nếu phải nghe một cái tên khác như “dự án về cải thiện bất bình đẳng giới” thì sự hồ hởi có phần giảm hẳn. Trong quan niệm của họ, “dự án” đồng nghĩa với “tiền”, là “cho” và “tài trợ” mà không ai có ý niệm gì về “vay” và “trả nợ”. Không những vậy, các khoản tiền xuất phát từ cái mác “nước ngoài” luôn có một sức hấp dẫn lạ kỳ, và gần như được sử dụng như một “nồi cơm Thạch Sanh”, ăn hết lại tiếp tục đầy.

Thêm một khía cạnh nữa cần được xem xét là mặt hạn chế của việc giải ngân nguồn vốn vay hàng năm. Dưới áp lực phải liên tục tăng nguồn vốn cho đầu tư và thu hút thêm nhiều nguồn viện trợ bên ngoài, việc giải ngân kịp thời các nguồn vốn vay trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình của Chính phủ. Để giải ngân kịp thời hạn, Chính phủ cần liên tục đưa ra các chương trình phát triển trọng điểm cùng các kế hoạch thực hiện chi tiết và hợp lý với đồng tiền được vay theo từng giai đoạn. Có giải ngân được giai đoạn một thì khoản kinh phí cho chương trình phát triển giai đoạn hai mới được tiếp tục.

Như vậy, dưới áp lực cần chứng minh cho các đối tác thấy rằng các dự án đang được tiến hành một cách hiệu quả và tâm lý phải giải ngân cho bằng hết số tiền được cho vay đã khiến nhiều công trình giao thông chú ý đến diện rộng nhiều hơn bề sâu, bày biện ra cho thật nhiều nhưng chất lượng thì không mấy đảm bảo như yêu cầu.

Bên cạnh đó, cũng không loại trừ trường hợp đã đến hạn giải ngân mà công trình chưa tiến triển được bao nhiêu, tiền dư bỏ thì phí cộng thêm quy trình quản lý lỏng lẻo tạo điều kiện thuận lợi cho việc nảy sinh các mưu đồ tham nhũng.

Có không ít người nói rằng thôi để khỏi mắc nợ thì tốt nhất ta khỏi vay. Vậy, thực sự chúng ta có thể phát triển mà hoàn toàn không cần đến một đồng vay mượn nào hay không? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG! Vì không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước đang phát triển khác đều chủ yếu dựa vào nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh quy trình tăng trưởng kinh tế, xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường sống…

Thực ra, những thông tin về vay vốn và nghĩa vụ phải trả nợ các khoản vay ODA không phải là quá mới. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là hệ thống giáo dục lỗi thời đã phần nào nuôi ảo tưởng về sự giàu có vô cùng tận của một đất nước “rừng vàng biển bạc” thay vì trang bị sớm cho các học sinh ngay từ khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường cấp 2, cấp 3 rằng chúng ta còn nghèo đến độ hàng năm phải xòe tay xin vay hàng tỉ đô la cho công cuộc phát triển đất nước.

Hiện tại, con em chúng ta cứ ung dung sống trên các khoản vay mà chưa thực sự nhận thức rõ ràng rằng chính các em đang là con nợ khổng lồ trong vòng vài chục năm tới. Không những không biết chính xác là hiện nay Việt Nam phải trả một khoản nợ chừng 2 tỉ đô la Mỹ/năm, mà các em cũng không hề được học xem chủ nợ của mình là những ai? Mỗi chủ nợ cho mình mượn bao nhiêu? Lãi suất thế nào? Và hàng năm, sau khi tốt nghiệp ra trường, trách nhiệm của các em là trả nợ mỗi năm bao nhiêu?

Xét trên khía cạnh tích cực, không thể phủ nhận việc tạm ngưng cấp vốn ODA cho Việt Nam của Nhật cũng có những tác động tốt. Một mặt, Việt Nam buộc sẽ phải mạnh tay hơn trong việc chấn chỉnh quy chế quản lý, giám sát việc sử dụng đồng vốn vay một cách hợp lý hơn cùng sự đồng giám sát của nước cung cấp viện trợ. Đó cũng là một phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn các dấu hiệu tham nhũng từ lúc nó bắt đầu được manh nha hình thành và lấy lại niềm tin trong lòng nhân dân cả hai nước Việt-Nhật.

Mặt khác, xã hội cũng thêm một lần được đánh động rằng, tiền tài trợ từ các nước không phải là của chùa không bao giờ ngưng hay xài hoài không hết, và cái món nợ vài tỉ đô la hàng năm vẫn còn sờ sờ ra đó, có cố mà quên cũng không quên được.

Thái độ của người Nhật đã đánh động vào hệ thống quản lý còn thiếu minh bạch, thiếu nhạy bén và xơ cứng quá lâu của nước ta. Chúng ta cũng không nên tiếp tục ảo tưởng rằng tuy Nhật tạm ngừng cung cấp viện trợ nhưng các nước khác vẫn tin tưởng hoàn toàn và tương lai sẽ chắc chắn giữ nguyên mức cam kết với Việt Nam. Ở thời điểm nhạy cảm này, cả thế giới đang nhìn vào cách xử lý của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực củng cố niềm tin từ các đối tác. 

THANH DOÃN (Đại học Monash – Úc)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới