Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ông Sơn Kinh và hoài bão bảo tồn văn hóa Khmer

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ông Sơn Kinh và hoài bão bảo tồn văn hóa Khmer

Sơn Nhật Anh, 12 tuổi, đã có 2 năm học nghề của ông nội. Ảnh: Phú Xuân

(TBKTSG Online) – Trong một gian phòng nhỏ chất đầy tượng gỗ như một phòng triển lãm của ông Sơn Kinh ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, có thể nói là bao gồm khá đầy đủ những vật thể mang đặc trưng  đời sống văn hóa của người Khmer Nam bộ.  

Ông Sơn Kinh là một nghệ nhân đã 78 tuổi, có hơn 50 năm trong nghề đục đẽo, chạm khắc. Phần lớn những bức tượng ở đây đều do ông tự tay thực hiện và đào tạo thế hệ thợ kế tục. Các tác phẩm của ông gồm từ những tượng hình người cho đến các loài thú như khủng long, nai, ngựa, khỉ, chim, cọp, voi, rắn… và các loại đờn khưm, đờn 2 dây, trống sa dăm, hình tượng 12 quân cờ của bộ cờ ốc, mão, binh khí cho các diễn viên trong sân khấu của người Khmer Nam bộ.  

Từ tuổi thiếu niên, với lòng say mê đặc biệt, ông đã thích tìm những gốc cây đem về tạo nên những hình thù, dáng vóc các con vật.

Trong thời gian tu học ở chùa Baichhau (thị trấn Mỹ Xuyên), ông đã gặp vị sư Lục Tà Pếch là người giỏi điêu khắc, truyền dạy cho ông sau những giờ kinh kệ tu hành. Sau 7 năm sống tại chùa, ông trở về cuộc sống đời thường, lập gia đình, vừa làm ruộng và tiếp tục làm công việc chạm khắc tượng gỗ.  

Ông thường dùng vật liệu tạo hình là những gốc cây, gỗ cứng người ta bỏ đi, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo, với óc sáng tạo phong phú của ông đã hình thành những tác phẩm có giá trị về văn hoá Khmer như tượng nàng công chúa Si Ta, chú khỉ Hanuman… những ngôi bảo tháp thờ phật, các hình tượng nhân vật trong sân khấu Rô Băm v.v. 

Từ những cành cây, khúc rễ, ông Sơn Kinh tạo ra đủ hình hài các loài thú. Ảnh: P. Xuân

Qua thời gian làm nghề hơn nửa đời người, bàn tay tài hoa của nghệ nhân Sơn Kinh tạo ra nhiều tác phẩm được nhiều người trầm trồ thán phục. Nhiều tác phẩm của ông đã có mặt ở các chùa Khmer trong và ngoài tỉnh như Baichhau, Tà Mol, Bưng Sa (Viên An). Với khuôn mặt phúc hậu, nói không sõi tiếng Việt, ông tâm sự: “Tôi rất mê nghệ thuật này, nếu bà con nào thích học nghề tôi sẵn sàng truyền lại mà không đòi hỏi thù lao. Tôi chỉ mong rằng sau này có tay nghề, hãy góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc”.  

Mặc dù đã 78 tuổi, ngày ngày ông Sơn Kinh vẫn cặm cụi trực tiếp đục đẽo với sự say mê công việc ngoài những lúc hướng dẫn, đào tạo tay nghề cho thế hệ con cháu. Giờ đây điều mong ước của ông đã thành, một trong ba người con của ông là Sơn Kol (40 tuổi) tiếp tục nối nghiệp ông, cùng với đứa cháu nội là Sơn Nhật Anh (12 tuổi) con của Sơn Dươl, cũng đã hai năm theo học nghề của ông nội với niềm đam mê và tự hào.

PHÚ XUÂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới