(KTSG Online) - Công ty xử lý thanh toán và chuyển tiền trực tuyến PayPal Holdings (Mỹ) ra mắt đồng tiền mã hóa ổn định (stablecoin) PYUSD được neo theo giá trị đồng đô la Mỹ. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên một công ty công nghệ tài chính lớn của thế giới sử dụng tiền mã hóa cho hoạt động thanh toán.
Trong thông báo hôm 7-8, PayPal cho biết stablecoin của công ty, có tên gọi PayPal USD (PYUSD), được phát hành bởi Công ty công nghệ blockchain Paxos Trust Co., có trụ sở ở thành phố New York. PYUSD sẽ được bảo chứng bằng lượng tiền dự trữ đô la Mỹ, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn ngắn và các khoản tương đương tiền khác. Đồng tiền mã hóa ổn định này được neo theo đồng đô la Mỹ và ban đầu sẽ được cung cấp cho các khách hàng của PayPal ở Mỹ.
Với PYUSD, CEO Dan Schulman của PayPal đang nỗ lực củng cố sự thống trị của công ty trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số bằng cách dựa vào công nghệ cho phép chuyển tiền ngay lập tức và chi phí thấp mà không cần sử dụng một bên trung gian làm đầu mối xử lý.
Cổ phiếu PayPal chứng kiến mức giảm giá 33% trong 12 tháng qua, và có hiệu suất kém thứ sáu trong chỉ số Nasdaq 100, khi cơn bùng nổ thanh toán trực tuyến trong thời kỳ đại dịch lắng xuống.
“Tầm nhìn của chúng tôi là theo thời gian, PYUSD sẽ trở thành một phần của cơ sở hạ tầng thanh toán tổng thể”, Schulman cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Stablecoin, đồng tiền mã hóa có giá trị neo theo một tài sản ổn định như đồng đô la Mỹ, đã tồn tại gần một thập niên. Tuy nhiên, chúng chủ yếu được các nhà đầu tư sử dụng để di chuyển tài sản kỹ thuật số giữa các sàn giao dịch. Stablecoin vẫn chưa xâm nhập rộng rãi vào hoạt động thanh toán của người tiêu dùng. Theo trang theo dõi tiền ảo CoinGecko, có khoảng 126 tỉ đô la stablecoin đang được lưu hành. Stablecoin có thị phần lớn nhất và vốn hóa lớn nhất vẫn là là USDT của Tether Holdings (Hồng Kông).
Một số dự án stablecoin gây tranh cãi và buộc phải dừng hoạt động. Facebook khởi động dự án tiền mã hóa Libra vào năm 2019, được bảo chứng bằng một rổ ngoại tệ mạnh. Libra (sau này được đổi tên là Diem) được quảng bá như là cách để hàng tỉ người dùng của mạng xã hội này chuyển tiền và thanh toán dễ dàng hơn chỉ bằng cách nhắn tin. Dự án đã thu hút các đối tác nổi tiếng trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán bao gồm PayPal, Visa, Stripe, eBay... Tuy nhiên, rút cục, dự án sụp đổ vì vấp phải phản ứng dữ dội từ các cơ quan quản lý ở Liên minh châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác khi họ lo ngại về chủ quyền tiền tệ, ổn định tài chính, quyền riêng tư và vấn đề độc quyền. Ngay cả PayPal cũng tạm dừng phát triển dự án PYUSD hồi tháng 2 khi các nhà quản lý tăng cường giám sát lĩnh vực tiền ảo.
PayPal giờ đây tin rằng, môi trường pháp lý đang dần “rõ ràng hơn”. Công ty nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với một loại tiền stablecoin bổ sung do mức độ tập trung quá lớn của thị trường vào USDT, Jose Fernandez da Ponte, người đứng đầu nhóm tiền tệ kỹ thuật số và chuỗi khối của PayPal, cho biết.
Tháng trước, Ủy ban Dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ đã giới thiệu một dự luật để quản lý các stablecoin.
Nghị sĩ Patrick McHenry, người bảo trợ cho dự luật này, nói rằng việc PayPal ra mắt PYUSD cho thấy, các stablecoin, nếu được phát hành theo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, sẽ tạo ra nhiều hứa hẹn cho các hệ thống thanh toán.
“Các quy định rõ ràng, bảo vệ người tiêu dùng là điều cần thiết để cho phép các stablecoin phát huy hết tiềm năng của chúng”, McHenry nói trong một tuyên bố.
PYUSD được thiết kế để luôn có thể quy đổi sang đô la Mỹ và cũng có thể được hoán đổi sang các loại tiền mã hóa chủ chốt khác có sẵn trên nền tảng của PayPal. Đồng tiền này có thể được sử dụng để thanh toán trong các giao dịch mua hàng hóa và sẽ sớm xuất hiện trên ứng dụng thanh toán phổ biến Venmo của PayPal. Trong tương lai, người dùng sẽ có thể chuyển PYUSD của họ qua lại giữa tài khoản PayPal và ví Venmo. PYUSD cũng có thể chuyển sang ví của bên thứ ba tương thích bên ngoài mạng PayPal.
PayPal, có hơn 431 triệu tài khoản đang hoạt động trên toàn cầu, lần đầu tiên ra mắt dịch vụ tiền ảo vào năm 2020. PayPal cho phép người dùng mua, bán và thanh toán bằng một số đồng tiền ảo như bitcoin thông qua nền tảng của công ty.
Ban đầu, PayPal hy vọng PYUSD sẽ được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực tiền ảo và dịch vụ web3 (internet thế hệ thứ 3) và thanh toán cho các game trực tuyến, trước khi dần dần được áp dụng trong các lĩnh vực như chuyển tiền và thanh toán vi mô.
Những người ủng hộ các stablecoin từ lâu lập luận rằng, chúng là một phương tiện thanh toán và chuyển tiền tối ưu vì có chi phí rẻ và giao dịch diễn ra gần như lập tức. Nhưng stablecoin vấp phải sự phản đối từ các ngân hàng trung ương, vốn cũng đang phát triền đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ.
Trường hợp thất bại nghiêm trọng nhất đối với stablecoin là TerraUSD, sụp đổ hồi tháng 5-2022 khi hệ thống thuật toán phức tạp hỗ trợ cho đồng tiền này gặp vấn đề. Cú sụp đổ này gây ra cơn chấn động lớn trên thị trường tiền ảo.
Các công tố viên Mỹ đã buộc tội gian lận đối với Do Kwon, người phát minh ra TerraUSD. Họ nói rằng vụ việc khiến các nhà đầu tư thiệt hại khoảng 40 tỉ đô la.
Trong một bài phát biểu hồi tháng 3, Agustin Carstens, Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), cho biết: “Các sự kiện trong năm qua đã đặt ra những nghi ngờ nghiêm trọng về khả năng hoạt động như tiền tệ của các stablecoin”.
Cũng trong tháng 2, Cơ quan Dịch vụ tài chính của bang New York (NYDFS) đã yêu cầu Paxos Trust dừng phát hành stablecoin có tên gọi BUSD của sàn giao dịch tiền ảo Binance.
Paxos chịu sự giám sát của NYDFS và PYUSD sẽ là một sản phẩm được quản lý tại bang New York. PayPal đã được NYDFS cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tiền ảo ở New York vào tháng 6 năm ngoái.
Theo Schulman, CEO của PayPal, công ty ông đã tổ chức các cuộc thảo luận rộng rãi với các nhà quản lý và hoạch định chính sách của Mỹ khi chuẩn bị giới thiệu PYUSD.
PayPal cho biết, bắt đầu từ tháng 9, Paxos Trust sẽ phát hành các báo cáo hàng tháng, nêu chi tiết về các tài sản hỗ trợ cho PYUSD. Paxos cũng sẽ công bố chứng thực của bên thứ ba về tài sản dự trữ của PYUSD.
Theo Bloomberg