Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phá sản tự nguyện nhìn từ vụ việc Parkson Việt Nam

LS. Nguyễn Văn Phúc - LS. Nguyễn Nhật Dương(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Phá sản là thủ tục đặc biệt mà pháp luật dành cho các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Theo quy định của pháp luật hiện hành, ngoài chủ nợ - người có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản - thì một số đối tượng đặc biệt, như chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, gọi là thủ tục phá sản tự nguyện. Phá sản tự nguyện cũng có những mặt tích cực, tiêu cực và những ảnh hưởng mà doanh nghiệp cần biết.

Công ty TNHH Parkson Việt Nam (Parkson Việt Nam) gần đây thông báo về việc đã chính thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tự nguyện lên Tòa án nhân dân TPHCM, kết thúc 18 năm hoạt động tại Việt Nam.

Parkson Việt Nam được thành lập vào ngày 1-11-2007 theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Parkson Retail Asia (PRA) nắm giữ 100% phần vốn góp. Theo Báo cáo tài chính năm 2022 của công ty mẹ Parkson Holdings Berhad - sở hữu 67,96% cổ phần của PRA - Parkson Việt Nam hiện đang phải thi hành phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) ngày 10-12-2021(1). Theo đó, tính đến hết ngày 31-12-2022, Parkson Việt Nam vẫn còn phải thương lượng để thanh toán khoản nợ 42,2 tỉ đồng cho chủ nhà, phát sinh từ hoạt động thuê mặt bằng của Parkson Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng.

Dễ dàng nhận thấy hoạt động kinh doanh của Parkson Việt Nam trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn, đến từ áp lực cạnh tranh của các đối thủ cùng ngành cũng như khó khăn chung do đại dịch Covid-19. Do đó, khoản nợ trên có thể chỉ là một phần trong bức tranh kinh doanh có phần “u ám” của doanh nghiệp này. Nếu nhìn từ góc độ lợi ích của Parkson Việt Nam, thủ tục phá sản tự nguyện có thể mang đến cho doanh nghiệp này một số điểm tích cực.

3 điểm tích cực

Về khía cạnh tích cực của việc mở thủ tục phá sản tự nguyện, Parkson Việt Nam có được ba điểm sau đây:

Một là giúp Parkson Việt Nam giảm áp lực từ việc bị kiện tụng. Theo quy định tại khoản 2 điều 41 Luật Phá sản 2014, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tòa án nhân dân thụ lý vụ việc phá sản, tòa án nhân dân, trọng tài phải tạm đình chỉ việc giải quyết vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp, là một bên đương sự. Với quy định này, các vụ án mà Parkson Việt Nam là một bên đương sự và có nghĩa vụ tài sản trong vụ án thì đều phải bị tạm đình chỉ kể từ thời điểm Tòa án nhân dân TPHCM thụ lý vụ việc phá sản.

Sau đó, nếu tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, thì theo khoản 2 điều 71 Luật Phá sản 2014, tòa án nhân dân nơi ra quyết định tạm đình chỉ phải ra quyết định đình chỉ và chuyển hồ sơ vụ việc cho tòa án nhân dân đang tiến hành thủ tục phá sản để giải quyết. Điều này đồng nghĩa với việc nếu Tòa án nhân dân TPHCM có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Parkson Việt Nam thì mọi vụ kiện mà Parkson Việt Nam là đương sự và liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của Parkson Việt Nam đều phải bị đình chỉ. Nghĩa là chỉ cần Tòa án nhân dân TPHCM thụ lý vụ việc phá sản, Parkson Việt Nam đã tiết kiệm được một nguồn lực nhất định từ việc tham gia các vụ kiện tụng này.

Thứ hai, tạo điều kiện phục hồi kinh doanh trong trường hợp Parkson Việt Nam có mong muốn tiếp tục kinh doanh. Theo quy định của Luật Phá sản 2014, sau khi mở thủ tục phá sản, các bên có liên quan sẽ tham gia Hội nghị chủ nợ, trong đó, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có thể yêu cầu được phục hồi hoạt động kinh doanh(2). Nếu phương án phục hồi hoạt động kinh doanh được xây dựng và được Hội nghị chủ nợ thông qua, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp tục kinh doanh(3). Trừ phi muốn rời khỏi thị trường Việt Nam, Parkson Việt Nam không nhất thiết phải thực hiện phương án này. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thương lượng nhằm thu xếp việc thanh toán nợ cho từng chủ nợ, vì khi đó, các chủ nợ của Parkson Việt Nam đã cùng “tập trung” tại Hội nghị chủ nợ.

Thứ ba, giúp hạn chế rủi ro cho các đối tượng phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Như đã đề cập ở phần đầu, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là các đối tượng có nghĩa vụ phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Nếu không, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bao gồm việc bồi thường thiệt hại phát sinh sau thời điểm doanh nghiệp mất khả năng thanh toán do việc không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gây ra(4). Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 điều 130 Luật Phá sản 2014, nếu cố ý vi phạm quy định về việc nộp đơn, họ có thể bị thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, làm người quản lý doanh nghiệp, trong thời hạn ba năm kể từ ngày tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.

Do đó, việc tự nguyện nộp đơn có thể giúp người quản lý Parkson Việt Nam và chủ sở hữu là PRA không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh và có thể tránh được rủi ro bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật phá sản.

Điểm hạn chế của thủ tục phá sản tự nguyện

Việc mở thủ tục phá sản tự nguyện có thể gây các hạn chế nhất định cho các chủ nợ.

Thứ nhất, ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ theo các bản án/quyết định đang được thi hành. Trong vụ việc của Parkson Việt Nam, ngoài việc tạm đình chỉ/đình chỉ các vụ kiện mà Parkson Việt Nam là một bên đương sự, các bản án/quyết định đang được thi hành mà Parkson Việt Nam là bên phải thi hành án cũng bị tạm đình chỉ/đình chỉ tương ứng bởi cơ quan thi hành án, trong đó có phán quyết của VIAC như đã đề cập ở trên.

Có thể thấy, theo báo cáo gần nhất, chủ nhà tại thành phố Đà Nẵng vẫn còn phải thu của Parkson Việt Nam khoản nợ 42,2 tỉ đồng, một khi Tòa án nhân dân TPHCM thụ lý vụ việc phá sản, việc thi hành án đối với khoản nợ này sẽ phải bị tạm đình chỉ, sau đó là đình chỉ nếu Tòa án nhân dân TPHCM mở thủ tục phá sản.

Đồng thời, nếu chưa có quyết định kê biên tài sản của Parkson Việt Nam để bảo đảm thi hành án, chủ nhà này sẽ được thanh toán như một chủ nợ không có bảo đảm(5), tức sẽ phải chấp nhận thứ tự được thanh toán sau các nghĩa vụ thanh toán khác của Parkson Việt Nam(6) và tương đương với các chủ nợ không có tài sản bảo đảm khác, những người có thể chưa cần thực hiện bất kỳ thủ tục tố tụng nào.

Ngược lại, nếu đã có quyết định kê biên tài sản của Parkson Việt Nam để bảo đảm thi hành án, chủ nhà tại Đà Nẵng sẽ được thanh toán như một chủ nợ có bảo đảm(7), tuy nhiên, thủ tục để thanh toán khoản nợ này khá phức tạp và có thể phụ thuộc vào quyết định của Hội nghị chủ nợ, nếu tài sản bảo đảm được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh(8).

Thứ hai, ảnh hưởng đến việc nhận thanh toán của chủ nợ đối với các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản. Theo quy định, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của thẩm phán và quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (gọi chung là “quản tài viên”)(9). Việc quản lý này được cụ thể hóa bằng quy định buộc doanh nghiệp phải báo cáo quản tài viên trước khi thanh toán khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp, quản tài viên có trách nhiệm trả lời cho doanh nghiệp việc được thực hiện hoặc không được thực hiện hoạt động thanh toán như trên. Đồng thời nếu doanh nghiệp thanh toán mà không có sự đồng ý của quản tài viên thì bị đình chỉ thực hiện, khôi phục lại tình trạng ban đầu(10).

Hiện nay, Parkson Việt Nam, hiện nay vẫn còn kinh doanh tại mặt bằng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM, do đó, sau khi mở thủ tục phá sản mà vẫn tiếp tục kinh doanh, các khoản nợ liên quan đến thanh toán tiền thuê mặt bằng vẫn có thể phát sinh. Khi đó, Parkson Việt Nam phải báo cáo cho quản tài viên và đợi sự chấp thuận trước khi thanh toán cho chủ nhà.

Luật Phá sản 2014 không quy định cụ thể cơ sở nào để quản tài viên chấp thuận/không chấp thuận trong trường hợp này, đồng thời, cũng không quy định Parkson Việt Nam có được quyền thanh toán cho chủ nhà không nếu quản tài viên không trả lời trong thời hạn 03 ngày làm việc nêu trên. Đây rõ ràng là một thiếu sót trong quy định pháp luật, và điều này có thể ảnh hưởng đến chủ nhà, đối với khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản.

Thứ ba, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của khách thuê. Như đã biết, hoạt động kinh doanh của Parkson Việt Nam liên quan đến việc cho các thương hiệu nổi tiếng thuê lại mặt bằng. Do đó, việc Parkson Việt Nam thực hiện thủ tục phá sản tự nguyện ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng thuê giữa doanh nghiệp này và các thương hiệu. Các thương hiệu này sẽ phải tốn rất nhiều nguồn lực trong việc đàm phán, thương thảo với chủ nhà và Parkson Việt Nam để chuyển giao quyền và nghĩa vụ của Parkson Việt Nam trong các hợp đồng thuê này cho chủ nhà, nếu trường hợp chủ nhà và các thương hiệu đều đồng ý phương án tiếp tục cho thuê tại mặt bằng. Nếu không, các thương hiệu buộc “phải” trở thành chủ nợ của Parkson Việt Nam, bởi lẽ lúc này họ có quyền đòi lại số tiền cọc, số tiền đã thanh toán trước và các khoản phạt/bồi thường thiệt hại khác (nếu có).

Nhìn chung, khó có thể nói việc phá sản tự nguyện mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng rõ ràng vẫn có một số điểm tích cực cho Parkson Việt Nam khi thực hiện thủ tục này. Ở chiều ngược lại, các chủ nợ phần nào đó có thể bị ảnh hưởng.

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

(1) https://lionind.com.my/parkson/file/report/16.%20Financial%20Statements.pdf, trang 214, 215, truy cập ngày 6-6-2023.

Luật Phá sản 2014: (2) Điểm e khoản 1 điều 81; (3) Điều 87, 90, 91; (4) Khoản 5 điều 28; (5), (6) Điểm a khoản 1; Khoản 1 điều 54;

(7) Điểm b khoản 1 điều 72; (8) Điều 53;

(9) Khoản 1 điều 47; (10) Điều 49.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới