Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phân cấp trong một hệ thống thống nhất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phân cấp trong một hệ thống thống nhất

(TBKTSG) – Từ việc chính quyền một số địa phương cho doanh nghiệp nước ngoài thuê rừng, đến việc chính quyền địa phương cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan, phung phí tài nguyên thiên nhiên và tác động xấu đến môi trường, có người đặt vấn đề liệu có nên phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương cấp phép đầu tư – một thực tế đang gây nhiều hệ lụy?

Thực ra, phân quyền, phân cấp tự nó là một chủ trương đúng đắn, cần làm trong một nhà nước hiện đại. Việc một số địa phương gần đây đề nghị được phép quyết định một số vấn đề cho phù hợp với đặc thù địa phương cũng cho thấy việc phân cấp, phân quyền là đúng đắn.

Phân quyền, phân cấp sẽ giúp cho chính quyền trung ương tránh mất thời gian vào vô số những quyết định mà chính quyền địa phương có thể giải quyết được để tập trung công sức, thời gian cho những vấn đề lớn, mang tầm chiến lược.

Phân quyền, phân cấp cũng sẽ giúp cho bộ máy chính quyền trung ương bớt quan liêu ôm đồm, đồng thời giúp chính quyền địa phương chủ động hơn, năng động hơn, sáng tạo hơn, biết chịu trách nhiệm hơn trước nhân dân; giúp giải quyết công việc cho người dân, cho doanh nghiệp được nhanh hơn do nắm sát thực tế hơn, hiểu rõ những đặc thù của địa phương hơn.

Tuy nhiên, phân cấp, phân quyền không phải là việc chính quyền trung ương kham không nổi nên buông cho địa phương; cũng không có nghĩa là chính quyền trung ương khoán trắng, để mặc địa phương muốn làm gì thì làm.

Phân cấp, phân quyền cũng không phải là chia cắt, đứt đoạn trong dây chuyền quản trị quốc gia mà phải được đặt trong một hệ thống thống nhất, khoa học, với những hành lang rõ ràng cho sáng kiến của địa phương trên cơ sở hiểu rõ đặc thù của địa phương và nắm chắc năng lực của chính quyền địa phương.

Mặt khác, phân cấp, phân quyền phải đi đôi với việc kiểm tra, giám sát và thực hiện trách nhiệm giải trình trước nhân dân để bảo đảm địa phương luôn làm đúng những gì được phân cấp, không xé rào, không vượt thẩm quyền.

Những hệ lụy không hay từ sự phân quyền, phân cấp vừa qua không phải là hậu quả tất yếu của sự phân quyền, phân cấp mà chỉ là hậu quả của việc không nắm rõ năng lực của chính quyền địa phương trước khi phân cấp cũng như không thường xuyên kiểm tra, giám sát xem địa phương có làm đúng những gì được phân quyền, phân cấp.

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2010 do Ngân hàng Thế giới thực hiện và được công bố hồi đầu năm nay cho rằng, việc phân cấp, phân quyền và trách nhiệm giải trình là hai khía cạnh của thể chế hiện đại và là những khía cạnh đổi mới quan trọng nhất của Việt Nam trong hai thập kỷ vừa qua.

Do vậy, không có lý do gì để đảo ngược chủ trương phân cấp, phân quyền. Vấn đề là phải hoàn thiện nó trên cơ sở đảm bảo các điều kiện cho chủ trương này thành công, như đã nói ở trên. Đây cũng chính là một trong những thách thức quan trọng nhất của việc cải cách thể chế nhằm đảm bảo sự phát triển năng động và ổn định của quốc gia.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới