Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phương Tây bế tắc về mức trần giá dầu Nga

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dù nhất trí áp trần giá dầu của Nga nhưng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang bế tắc trong việc tìm ra giới hạn giá phù hợp. Họ muốn ngưỡng giá này vừa gây “tổn thương” cho doanh thu xuất khẩu của Nga nhưng vẫn bảo đảm các thùng dầu của nước này tiếp tục chảy vào thị trường, để giúp kìm hãm giá cả năng lượng, hỗ trợ cuộc chiến chống lạm phát. Họ đang chạy đua với thời gian để ấn định mức trần giá dầu của Nga trước khi EU chính thức cấm vận dầu Nga vào ngày 5-12 tới.

Công nhân làm việc ở giàn khoan của một mỏ dầu thuộc Công ty dầu khí Bashneft ở Otrada, Nga. Ảnh: Bloomberg

Sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, các nền kinh tế lớn nhất của phương Tây đã nhất trí áp trần đối với giá dầu của Nga và đặt mục tiêu đưa ra các chi tiết vào đầu tháng 12. Động thái này nhằm mục đích hạn chế doanh thu xuất khẩu năng lượng phục vụ chiến tranh của Nga mà không gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế toàn cầu. Nhưng khi thời hạn cuối đến gần, phương Tây vẫn đang bất đồng về việc nên đặt mức giá giới hạn nào.

Mức 65-70 đô la Mỹ/thùng sẽ không gây tổn thất đáng kể

Trong tuần này, tin tức báo chí thu thập được tại một cuộc họp của các nhà ngoại giao châu Âu đã chỉ ra rằng dầu của Nga có thể được giới hạn ở mức từ 65-70 đô la Mỹ/thùng. Tuy nhiên, phạm vi giá này đang gây tranh cãi vì quá sát với giá thị trường hiện tại của dầu Urals từ Nga. Giới hạn giá dầu Nga trong phạm vi đó giúp hạn chế gián đoạn nguồn cung, nhưng cũng không gây tổn thất đáng kể cho doanh thu xuất khẩu cho Nga.

Helima Croft, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets, nhận định: “Ở mức giá này, mục tiêu chủ yếu là giảm lạm phát, thay vì giảm doanh thu của Nga”.

Vào đầu tháng này, một thùng dầu thô Urals của Nga có giá chỉ hơn 70 đô la Mỹ, thấp hơn khoảng 24 đô la Mỹ so với giá dầu chuẩn quốc tế Brent.

Mặt khác, việc ấn định giá trần thấp hơn có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đặc biệt nếu Nga trả đũa. Nếu Moscow cắt giảm sản lượng dầu nhiều hơn dự kiến, điều này sẽ đẩy tăng giá nhiên liệu ngay đúng lúc các nước như Mỹ, Đức và Nhật Bản đang nỗ lực kiểm soát lạm phát.

Hôm 24-11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen bày tỏ tin tưởng rằng EU cùng với khối cường quốc công nghiệp G7 và các đối tác lớn khác sẽ sớm thông qua mức giá trần toàn cầu đối với dầu của Nga. Nhưng các cuộc tranh luận ở châu Âu về mức giá trần này đang gặp bế tắc và được trì hoãn sang đầu tuần tới.

Các nước phương Tây muốn đạt được thỏa thuận trước ngày 5-12, khi lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển có hiệu lực. Lý do là gói trừng phạt của EU cũng bao gồm lệnh cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm, tài chính và các dịch vụ khác cho các tàu chở dầu thô của Nga.

Điều này sẽ khiến các khách hàng lớn của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp tục nhập khẩu hàng triệu thùng dầu mỗi ngày. Hầu hết các công ty bảo hiểm trong lĩnh vực vận chuyển dầu thô đều có trụ sở tại châu Âu hoặc Anh. Áp trần giá dầu của Nga là nhằm điều chỉnh chính sách đó. Các dịch vụ hàng hải và bảo hiểm có thể được cung cấp cho các tàu chở dầu từ Nga với điều kiện dầu của Nga phải được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá trần do các nước phương Tây ấn định.

“Điều này sẽ giúp giảm doanh thu của Nga hơn nữa, đồng thời giữ cho thị trường năng lượng toàn cầu ổn định thông qua việc tiếp tục duy trì nguồn cung dầu từ Nga. Từ đó, giúp giải quyết lạm phát và giữ ổn định chi phí năng lượng vào thời điểm mà chi phí cao, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng cao, đang là mối lo ngại lớn”, EC giải thích trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xác định mức trần phù hợp đối với giá dầu Nga là rất nan giải. Ba Lan và các nước Đông Âu khác muốn áp đặt mức giới hạn thấp hơn. Họ lưu ý rằng Nga tốn ít hơn nhiều so với ngưỡng giá trần đề xuất 65-70 đô la Mỹ để bơm mỗi thùng dầu. Do đó, biên độ giá trần này sẽ cho phép Moscow tiếp tục thu được lợi nhuận từ việc bán dầu thô.

Hãng tư vấn năng lượng Rystad ước tính chi phí sản xuất mỗi thùng dầu của Nga chỉ từ 20-50 đô la Mỹ, tùy thuộc vào cách tính toán các con số.

Thêm vào đó, kế hoạch ngân sách của Nga bao gồm dự báo dầu sẽ được xuất khẩu với mức giá trung bình khoảng 70 đô la Mỹ /thùng vào năm 2023. Nếu đạt được mức giá đó trên thị trường, nước này có thể tiếp tục chi tiêu theo kế hoạch.

Nguy cơ Nga trả đũa nếu bị áp trần giá dầu ở mức quá thấp

Hôm 25-11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi châu Âu đặt mức giá trần là 30 đô la Mỹ. “Chúng tôi nghe nói về các đề xuất đặt giới hạn giá mỗi thùng dầu của Nga ở mức 60 hoặc 70 đô la Mỹ. Đây giống như một sự nhượng bộ đối với Nga”, ông nói.

Tuy nhiên, nếu áp giá trần ở mức quá thấp, Nga có thể phản ứng mạnh mẽ và cắt giảm sản xuất. Điều đó có thể làm rung chuyển thị trường năng lượng do xuất khẩu dầu của Nga trong năm 2022 ước tính đạt khoảng 9,7 triệu thùng/ngày, cao hơn so với năm 2021, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Theo Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại ngân hàng UBS, các công ty kinh doanh dầu mỏ cũng hoài nghi biện pháp áp giá trần dầu Nga có thể được thực thi nghiêm túc. Ông dự báo các bên tham gia giao dịch sẽ tìm kiếm các kẽ hở để mua bán dầu của Nga mà không tuân thủ mức giá trần.

Một số nhà phân tích nhận định mức giá trần rốt cuộc sẽ ít quan trọng hơn lệnh cấm vận dầu Nga của châu Âu. Khối này, đã mua khoảng 2,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga và Moscow, sẽ buộc phải sớm tìm kiếm khách hàng mới khi lệnh cấm vận có hiệu lực

Để hạn chế các thùng dầu dư thừa, Nga có thể phải giảm mạnh sản lượng, khiến giá dầu trên thị trường quốc tế tăng cao hơn.

“Do lệnh cấm vận dầu của EU và biện pháp áp giá trần theo kế hoạch đối với dầu từ Nga, sản lượng dầu ở đó có khả năng bị cắt giảm đáng kể. Điều này sẽ khiến giá dầu Brent tăng trong những tuần tới”, Ngân hàng Commerzbank (Đức) cho biết trong một báo cáo gửi cho khách hàng.

Trong một diễn biến khác, hãng tin Bloomberg hôm 26-11 dẫn một nguồn tin cho biết Điện Kremlin đang soạn thảo một sắc lệnh tổng thống cấm các công ty Nga và các công ty kinh doanh dầu thô bán dầu Nga cho bất cứ nước nào, công ty nào tuân thủ cơ chế áp giá trần theo đề xuất của phương Tây.

Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức khác của Nga nhiều lần nói rằng Moscow sẽ không cung cấp năng lượng cho những bên tham gia áp giá trần. Thay vào đó, nước này sẽ chuyển hướng cung cấp dầu cho “các đối tác có định hướng thị trường” hoặc giảm sản lượng, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói vào đầu tuần này.

Theo CNN, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới