Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quản lý có hiệu quả sẽ giúp phát huy tính tích cực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý có hiệu quả sẽ giúp phát huy tính tích cực

Vân Oanh thực hiện

Ông Lưu Vũ Hải.

(TBVTSG) – Bộ Thông tin – Truyền thông đang cùng các bộ ngành liên quan hoàn thiện bản dự thảo quy chế về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi trực tuyến (online game) trình Chính phủ, dự kiến sẽ thay thế Thông tư 60 đã ban hành trước đây.

TBVTSG đã phỏng vấn ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin – Truyền thông, xung quanh việc Nhà nước sẽ nâng cao năng lực quản lý loại hình giải trí này ra sao trong thời gian tới.

TBVTSG: Thời gian gần đây, dư luận phản ánh nhiều về tình trạng nhiều trò chơi trực tuyến mang tính chất bạo lực, khiêu dâm đang được lưu hành rộng rãi trên thị trường, gây ra những tác động tiêu cực trong đời sống xã hội. Ông đánh giá thế nào về công tác quản lý nội dung trò chơi trực tuyến trong thời gian qua?

Cục trưởng Lưu Vũ Hải: – Những trò chơi trực tuyến phát hành hợp pháp, chắc chắn không có trò nào mang tính khiêu dâm. Còn về tính bạo lực, hiện đang còn có khoảng cách trong việc nhận định hành vi đối kháng trong trò chơi ở mức độ nào thì chấp nhận được để tăng tính hấp dẫn của loại hình giải trí này, mức độ nào chấp nhận được cho người chơi từ 18 tuổi trở lên và mức độ nào cần cấm.

Các trò chơi mà nội dung mang tính bạo lực và khiêu dâm hiện bao gồm trò chơi điện tử được lưu hành qua con đường băng đĩa lậu và một số trò chơi trực tuyến bất hợp pháp được cung cấp từ máy chủ đặt ở nước ngoài. Những trò chơi bất hợp pháp này càng làm cho dư luận gần đây chủ yếu nhìn nhận loại hình giải trí này mang tính tiêu cực mà bỏ qua mặt tích cực của nó.

Tôi cũng xin nói thêm rằng theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Thông tin – Truyền thông sẽ phải bổ sung vào bản dự thảo quy chế nói trên một chương về vấn đề quản lý trò chơi điện tử được lưu hành qua con đường băng đĩa lậu. Có thể bản dự thảo mà bộ đã trình Thủ tướng sẽ được đổi tên thành dự thảo Quy chế quản lý trò chơi điện tử, gồm cả trò chơi trực tuyến và trò chơi không trực tuyến (offline game).

Trước đây, bản dự thảo chỉ hướng đến việc quản lý trò chơi trực tuyến là lĩnh vực thuộc sự quản lý của Bộ Thông tin – Truyền thông. Còn trò chơi điện tử là lĩnh vực thuộc sự quản lý của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nên giữa hai bộ sẽ có sự kết hợp trong việc bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý trò chơi điện tử không trực tuyến. Bản dự thảo sẽ được hoàn thành trong tháng này.

Về việc chưa có sự thống nhất trong việc thẩm định mức độ, tính chất bạo lực, khiêu dâm của trò chơi ngay cả giữa các cấp cơ quan chức năng, chúng ta sẽ giải quyết ra sao, thưa ông?

– Hiện cách nhìn nhận về tính bạo lực trong các trò chơi còn có cự ly. Cùng một trò chơi mà có người nhìn nhận nó có tính bạo lực nhưng có người lại cho rằng không. Thậm chí có trường hợp một số ý kiến cho rằng trò chơi đó là bạo lực trong khi chính nó được lưu hành rộng rãi trên thế giới hoặc được đưa vào thành một môn thi đấu chính thức trong thế vận hội Olympic.

Để tránh việc nhìn nhận thiếu thống nhất về nội dung trò chơi trực tuyến, bản dự thảo quy chế nói trên có quy định việc thành lập một hội đồng tư vấn. Hội đồng này sẽ thẩm định nội dung kịch bản của các trò chơi trực tuyến nhằm tăng cường tính chặt chẽ của việc kiểm duyệt trò chơi. Hội đồng sẽ có sự tham gia của đại diện nhiều bộ ngành có liên quan để nâng cao hơn nữa tính đại diện cho ý kiến chung của xã hội.

Trên thực tế, từ trước đến nay, đã có một hội đồng đảm nhận việc này. Nay quy mô của hội đồng thẩm định trong quy chế mới sẽ lớn hơn nhiều và tính pháp lý cũng được nâng cao hơn.

Vậy bản dự thảo quy chế sẽ đưa ra những nội dung gì để công tác quản lý nội dung trò chơi trực tuyến được chặt chẽ hơn trước?

– Theo bản dự thảo quy chế, nội dung kịch bản trò chơi trực tuyến phải đáp ứng các yêu cầu như: bảo đảm không có hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động trực tiếp hoặc gián tiếp gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn, kích động bạo lực và thú tính, cũng như khêu gợi, kích dục, trụy lạc, trái với truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Việc cấp giấy phép lưu hành trò chơi trực tuyến sẽ được thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sẽ được kiểm tra tính hợp lệ, sau đó được chuyển đến các thành viên hội đồng tư vấn thẩm định (do Bộ Thông tin – Truyền thông quyết định thành lập). Kết quả thẩm định của hội đồng sẽ quyết định việc có cho phép phát hành trò chơi hay không. Các trò chơi được phép phát hành khi có sự thay đổi về nội dung so với nội dung đã được cấp giấy phép, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung.

Giấy phép lần đầu có thời hạn năm năm. Doanh nghiệp muốn gia hạn giấy phép phải nộp hồ sơ xin gia hạn. Mỗi lần gia hạn có thời hạn không quá một năm.

Mọi tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, đại lý Internet, người sử dụng dịch vụ trò chơi trực tuyến vi phạm các quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 28/2009/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong việc quản lý, sử dụng dịch vụ Internet) và các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan, bị thu hồi giấy phép hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ông đánh giá hiệu quả của quy chế này ra sao khi nó được ban hành?

– Trong quá trình chấp bút để soạn ra bản dự thảo quy chế này, Bộ Thông tin – Truyền thông đã công khai nội dung trên mạng Internet để lấy ý kiến của nhân dân. Bên cạnh đó, bộ cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lấy ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia và người chơi… Hy vọng công tác quản lý lĩnh vực hoạt động này thời gian tới sẽ tốt hơn.

Song chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng để một lĩnh vực hoạt động được phát triển tốt và lành mạnh thì không chỉ trông chờ vào chính sách quản lý của Nhà nước mà cần sự góp sức của các thành phần trong xã hội.

Theo tôi, không nên có cái nhìn phiến diện về trò chơi điện tử nói chung và trò chơi trực tuyến nói riêng, không nên chỉ đổ lỗi tại trò chơi điện tử mà xã hội phát sinh nhiều điều tiêu cực như tình trạng nghiện trò chơi, học sinh bỏ học, ăn cắp tiền, bạo lực học đường… mà cũng nên nhìn nhận những mặt tích cực của nó như tính giải trí, thư giãn, phát triển kỹ năng…

Vấn đề của chúng ta là quản lý có hiệu quả để phát huy mặt tích cực của nó. Một điều quan trọng nữa đó là vai trò của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em mình.

TP.HCM kiến nghị không phát triển trò chơi trực tuyến

UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc không khuyến khích phát triển trò chơi trực tuyến vì những tác hại của nó.

Bản kiến nghị bao gồm nhiều nội dung, trong đó nhấn mạnh vào công tác thẩm định và quản lý trò chơi trực tuyến. Cụ thể, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin – Truyền thông ban hành và công khai tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực và cờ bạc của trò chơi trực tuyến, trên cơ sở này, bộ sẽ tổ chức thẩm định lại các trò chơi đã cho phép phát hành.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo việc không cấp giấy phép cho các trò chơi có nội dung bạo lực, cờ bạc, kích dục; không nhập khẩu trò chơi mới; khuyến khích sản xuất trò chơi trong nước có nội dung phù hợp với văn hóa Việt Nam, chú trọng phát triển các trò chơi mang tính chất giáo dục lịch sử, văn hóa Việt Nam thay thế trò chơi nước ngoài.

Trước đó, Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM đã có văn bản gửi đến 14 doanh nghiệp đang cung cấp 65 trò chơi trực tuyến trên địa bàn thành phố, yêu cầu phân loại các trò chơi theo các tiêu chí xác định tính chất bạo lực; đã có ba nhóm tiêu chí với sáu mức độ đánh giá tính chất bạo lực của trò chơi được đưa ra.

Minh Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới