Thứ Hai, 20/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quảng cáo ‘Yêu cầu liên doanh’ cản trở cạnh tranh lành mạnh

LS. Nguyễn Văn Phúc - LS. Nguyễn Nhật Dương(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài muốn hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo tại Việt Nam sẽ có hai cách: Ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc phải đầu tư thông qua hình thức liên doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo với tỷ lệ góp vốn không giới hạn. Thực tế cho thấy yêu cầu liên doanh trong lĩnh vực quảng cáo không thực sự bảo vệ được doanh nghiệp quảng cáo trong nước mà ngược lại gây cản trở trong cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp quảng cáo.

Quảng cáo là ngành nghề kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện, theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP (mục B.6 phụ lục I). Còn theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc cung cấp dịch vụ qua phương thức hiện diện thương mại trong lĩnh vực quảng cáo được quy định như sau:

“Không hạn chế, ngoại trừ (1). kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập liên doanh hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo; (2). kể từ ngày gia nhập, cho phép thành lập liên doanh, trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh. Kể từ ngày 1-1-2009, không hạn chế tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài trong liên doanh”.

Đồng thời, khoản 1 điều 40 Luật Quảng cáo 2012 quy định: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam theo hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh”.

Không thực sự bảo vệ doanh nghiệp trong nước

Có thể thấy tại thời điểm gia nhập WTO, việc yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải liên doanh với đối tác Việt Nam phần nào đó là nhằm bảo vệ các doanh nghiệp quảng cáo còn non nớt của Việt Nam, khi so sánh với nhà đầu tư nước ngoài đã rất giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc không giới hạn tỷ lệ góp vốn nước ngoài hiện nay có thể dẫn đến các liên doanh có tỷ lệ vốn góp chênh lệch, thậm chí chỉ mang tính tượng trưng. Và với phần vốn ít ỏi của mình, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn không có quyền quyết định trong liên doanh.

Mặt khác, cần lưu ý quảng cáo không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2020, nên thủ tục thành lập doanh nghiệp hoạt động quảng cáo tương đối đơn giản. Đối với nhiều doanh nghiệp, quảng cáo chỉ là một ngành nghề mà họ đăng ký dự trù và không phát sinh doanh thu.

Tuy nhiên, họ hoàn toàn có thể liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài để thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo với tỷ lệ góp vốn hạn chế, bởi lẽ đây không phải ngành nghề kinh doanh chính của họ. Với thực trạng này, yêu cầu liên doanh hoàn toàn không có tác dụng bảo vệ doanh nghiệp quảng cáo trong nước.

Gia tăng các giao dịch mượn danh

Giao dịch mượn danh (Nominee Agreement) là trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không trực tiếp đầu tư tại Việt Nam mà thông qua một nhà đầu tư ở trong nước. Giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam có thể tồn tại thỏa thuận về việc này (thông thường là các thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ và cấp vốn bởi nhà đầu tư nước ngoài).

Những lý do để nhà đầu tư nước ngoài phải đầu tư tại Việt Nam thông qua hợp đồng mượn danh thường là do các hạn chế về tiếp cận thị trường, trong đó có các ngành nghề mà sự tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài là có điều kiện.

Như đã nêu ở trên, nhà đầu tư nước ngoài cần liên doanh với nhà đầu tư trong nước để kinh doanh quảng cáo tại Việt Nam.

Với một số thủ tục đơn giản để thành lập công ty tại Việt Nam rồi tiến hành liên doanh với doanh nghiệp trong nước có đăng ký kinh doanh quảng cáo (doanh nghiệp trong nước chỉ góp vốn tượng trưng), thì nhà đầu tư nước ngoài đã hoàn toàn giải quyết được các yêu cầu của pháp luật Việt Nam. Thực chất hoạt động đầu tư này đều có nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài nên lẽ dĩ nhiên họ sẽ nắm toàn quyền quyết định đối với các doanh nghiệp mà họ đã bỏ vốn thành lập.

Hiện nay, Luật Đầu tư 2020 đã có quy định về trường hợp chấm dứt dự án đầu tư thực hiện trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự (điều 48). Tuy điều khoản này còn khá mơ hồ và chưa được kiểm chứng về tính áp dụng trên thực tế, nhưng trong trường hợp xấu nhất, nếu dự án liên doanh hoạt động quảng cáo có vốn đầu tư nước ngoài bị chấm dứt, nhà đầu tư vẫn có thể nhận lại các tài sản mà mình đã đầu tư, thậm chí cả lợi nhuận từ việc đầu tư, sau khi thanh lý hoạt động đầu tư (giải thể doanh nghiệp).

Có thể thấy, nhà đầu tư nước ngoài không gặp quá nhiều rủi ro trong đầu tư kinh doanh quảng cáo tại Việt Nam thông qua các giao dịch mượn danh. Nên yêu cầu liên doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài càng khiến các giao dịch mượn danh trở nên đa dạng cả về số lượng lẫn cách thức.

Rõ ràng, việc quản lý hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khi họ đầu tư trực tiếp (không phải qua liên doanh) sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn so với việc phải quản lý nhiều kiểu đầu tư dưới dạng giao dịch mượn danh như hiện nay. Chưa kể các giao dịch mượn danh còn có thể ẩn chứa các thỏa thuận, giao dịch vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư lành mạnh tại Việt Nam.

Sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp quảng cáo

Nhìn ở khía cạnh khác, pháp luật về quảng cáo đã có những thay đổi, điều chỉnh để tạo sự thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Chẳng hạn như trước đây, Nghị định 181/2013/NĐ-CP về thi hành Luật Quảng cáo quy định tổ chức, cá nhân Việt Nam muốn quảng cáo hàng hóa, dịch vụ trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới thì phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam (điều 13); và chủ trang thông tin điện tử có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (điều 14).

Trong một báo cáo tổng kết và đánh giá việc thực hiện Nghị định 181 có nội dung ghi nhận phía các nhà quảng cáo Mỹ nêu những khó khăn và bất cập trong việc thực hiện quảng cáo xuyên biên giới khi phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam và phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Báo cáo này cho biết các phía Mỹ cho rằng quy định này phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp nước ngoài, cũng như không khả thi trong tổ chức thực hiện.

Nhưng kể từ Nghị định 70/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 181) thì việc thực hiện quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam đã không còn phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký. Còn việc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền chỉ đơn thuần là thông báo thông tin liên hệ của cá nhân, tổ chức nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, và chỉ thực hiện một lần tại thời điểm bắt đầu quảng cáo (điều 1). Có thể thấy việc ban hành Nghị định 70 cũng nhằm giải quyết các vướng mắc, khó khăn trên thực tế mà các nhà đầu tư nước ngoài gặp phải.

Dẫn ví dụ này để thấy cũng tương tự như quy định về quảng cáo xuyên biên giới, hiện tại, quy định về yêu cầu liên doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài là một trong những rào cản tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp quảng cáo, cần được cơ quan có thẩm quyền cân nhắc gỡ bỏ.

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới