Thứ hai, 4/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Quảng Nam: Ưu tiên gỡ khó cho doanh nghiệp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khi tăng trưởng âm (-5,5%) vào năm 2020, tỉnh Quảng Nam ước tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 tăng 5,04% và đạt mức 8% vào năm 2022.

Buổi nói chuyện giữa doanh nghiệp, chính quyền và nông dân tại Hội An để tìm sự đồng thuận trong phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp với tour du lịch trải nghiệm. Đây được cho là một trong những giải pháp để giúp cả doanh nghiệp và nông dân phục hồi sau dịch. Ảnh: Nhân Tâm

Thu ngân sách trên địa bàn đạt 23.700 tỉ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2021, trong đó thu nội địa 19.000 tỉ đồng, tăng 8,5%.

Thông tin này được ghi nhận trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam vừa mới được công bố.

Để có thể đạt được những con số này trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Nam đưa ra nhiều kế hoạch.

Một trong những ưu tiên là đánh giá hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đơn giản tối đa quy trình, thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Theo đó, Quảng Nam sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do dịch Covid-19 cũng như cơ cấu lại lĩnh vực dịch vụ vận tải phù hợp diễn biến dịch bệnh Covid-19 và tiếp tục có giải pháp khôi phục thị trường du lịch, xây dựng phương án, chuẩn bị tốt các 3 điều kiện đón khách du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát; tổ chức thực hiện hiệu quả, an toàn năm du lịch quốc gia tại Quảng Nam.

Theo ghi nhận từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA), tình hình Covid-19 đã kéo dài trong hai năm qua, làm cho doanh nghiệp du lịch kiệt quệ, mất khả năng trả vốn cùng lãi vay ngân hàng và các khoản thuế- phí khác, đang đứng trước bờ vực phá sản. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ từ chính phủ và địa phương đang gặp khó khăn do hầu hết doanh nghiệp du lịch đóng cửa. Ngành du lịch khách sạn rất nguy kịch, rất khó để tính đến trạng thái phục hồi.

Vì vậy QTA đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ giảm đơn giá tiền thuê đất cho doanh nghiệp từ năm 2021 và ổn định 5 năm đến do doanh nghiệp đang bị áp dụng điều chỉnh đơn giá thuê đất chu kỳ 2020-2024 (theo Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND ngày 20-12-2019 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quy định về giá đất, bảng giá đất thời kỳ 2020-2024).

Theo giải thích từ QTA, với đơn giá mới này, tiền thuê đất tăng quá cao. Tuy nhiên, rủi ro bất khả kháng không lường trước được của khủng hoảng Covid-19, đã làm doanh nghiệp du lịch đóng cửa từ đầu năm 2020 đến nay và chưa xác định được thời điểm phục hồi. Một số doanh nghiệp thống kê tăng đơn giá thuê đất năm 2021 so với chu kỳ trước là gấp từ 4.55 - 10 lần.

Về vấn đề này, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã đề nghị các Sở, ngành, QTA tham vấn các tỉnh, thành khác về việc giảm giá thuê đất trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19 để kiến nghị Trung ương, tỉnh về giảm giá thuê đất riêng đối với doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch, dịch vụ vượt qua khó khăn tiếp tục phát triển.

Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, Quảng Nam cam kết cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tạo đột phá thu hút nguồn nguồn lực ngoài nhà nước; chủ động tạo quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Quảng Nam cũng sẽ thúc đẩy phục hồi phát triển, tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ; duy trì, nâng cao hiệu quả ngành nông, lâm, thủy sản bên cạnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp trở thành động lực, đột phá trong tăng trưởng kinh tế, trọng tâm là công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp phụ trợ; đồng thời, mở rộng thu hút một số lĩnh vực tiềm năng…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới