Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội: Tổng mức đầu tư dự án sân bay Long Thành chưa chính xác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội: Tổng mức đầu tư dự án sân bay Long Thành chưa chính xác

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn I còn gây nhiều ý kiến băn khoăn tại Quốc hội về tính chính xác của tổng mức đầu tư 4,779 tỉ đô la Mỹ vì nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ.

Quốc hội: Tổng mức đầu tư dự án sân bay Long Thành chưa chính xác
Sân bay Long Thành dự kiến sẽ do ACV và VATM đầu tư. Ảnh:TL

Khi Chính phủ trình ra Quốc hội Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn I (dự kiến hoàn thành vào 2025) hôm 24/10, Quốc hội đã có nhiều ý kiến rất quan trọng xung quanh tổng mức đầu tư, nguồn vốn và hình thức đầu tư cho dự án này.

Theo tờ trình của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thì tổng mức đầu tư dự án giai đoạn I là 4,779 tỉ đô la, tương đương 111.689 tỉ đồng, chưa bao gồm hạng mục 4b là hạng mục xã hội hóa (chủ yếu là các công trình của các hãng hàng không, xăng dầu, logistics…) mà Báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) chưa có đánh giá tác động cụ thể của từng loại nguồn vốn dự kiến huy động là chưa chính xác.

Theo đó, Nghị quyết 94 của Quốc hội cho phép Dự án được sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, báo cáo NCKT chưa có đánh giá tác động cụ thể của từng loại nguồn vốn.

Ví dụ: như tính toán tác động đến nợ công nếu vay vốn ODA mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước (TCT quản lý bay- VATM) và doanh nghiệp do Nhà nước chi phối (TCT cảng hàng không ACV) thực hiện. Trong tổng số 4,194 tỉ đô la vốn của ACV đầu tư vào dự án, dự kiến ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỉ đô la.  Theo Phụ lục kèm theo Tờ trình thì khoản vay này không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA.

Nhưng Ủy ban Kinh tế nhận thấy, theo quy định tại Điều 41 của Luật Quản lý nợ công thì Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ. Nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo thêm có khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này không để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của phương án huy động vốn đối với nợ công.

Mặt khác, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do đó, kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc về khả năng huy động vốn của ACV vì phải đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác trên cả nước. Đối với nguồn vốn của VATM cũng cần làm rõ hơn năng lực tài chính để thực hiện. Trong trường hợp sử dụng vốn của ACV và VATM, cần có ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước về việc bố trí vốn của doanh nghiệp để thực hiện dự án.

Trước đó, Chính phủ trình phương án huy động vốn của riêng ACV (đầu tư những hạng mục chính) như sau: tổng số 4,19 tỉ đô la, tương đương khoảng 98 ngàn tỉ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu mà ACV đã tích lũy được và dự kiến tích lũy được là 37% tổng vốn đầu tư. Số còn lại đi vay khoảng 2,68 tỉ đô la. Vừa qua, ACV đã làm việc với các tổ chức tài chính (Ngân hàng và các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài) quan tâm đến Dự án đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành giai đoạn 1 để thu xếp phần vốn huy động. Đến thời điểm hiện tại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỉ đô la, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5 – 5,5%/năm, thông qua các hình thức: Vay thương mại các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (Export Credit Agreement) áp dụng cho các hạng mục thiết bị nhập ngoại; Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, ACV đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ, có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa. Do đó, đề nghị rà soát để tránh gây biến động lớn tổng mức đầu tư dự án. Hội đồng thẩm định dự án cấp nhà nước (HĐTĐ) cũng đề xuất, do Dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, quy mô phức tạp, HĐTĐ sẽ có ý kiến thẩm định cụ thể sau khi có kết quả thẩm tra cuối cùng của Tư vấn thẩm tra trong bước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án. Như vậy, tính chính xác của tổng mức đầu tư dự án chưa thể được bảo đảm.

Bởi có ý kiến cho rằng, cơ cấu tổng mức đầu tư cần tính toán đầy đủ các hạng mục của dự án để thuận lợi cho quá trình thanh quyết toán dự án, tuy nhiên, hạng mục 4b của dự án là các công trình dịch vụ theo quy hoạch được đầu tư để hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động tại cảng nhưng chưa được đưa vào tổng mức đầu tư, do vậy, sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện và thanh quyết toán sau này.


Theo đề nghị của Chính phủ, đối với các hạng mục trên, chủ yếu giao các doanh nghiệp thực hiện là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư và cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại; các hạng mục có liên quan giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; hạng mục giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; và hạng mục còn lại giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư.

Theo Tờ trình của Chính phủ, kết quả phân tích cho tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 19%, cao hơn tỷ suất chiết khấu trung bình của xã hội (mức tiêu chuẩn EIRR cho các công trình công cộng tại Việt Nam trong khoảng từ 10% đến 12%) nên dự án được đánh giá là đem lại hiệu quả về kinh tế – xã hội. Tỷ suất nội hoàn tài chính (FIRR) của Dự án khoảng 11,2%, tỷ suất lợi ích trên chi phí của Dự án là 1,11 (lớn hơn 1), Dự án đem lại hiệu quả tài chính tốt theo nhiều tiêu chí.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, nếu xét các thông số của Báo cáo thì Dự án có hiệu quả kinh tế và hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, cần lưu ý doanh thu, lợi nhuận còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như sản lượng hành khách của Cảng HKQT Long Thành, sản lượng ngành hàng không và mức tăng trưởng GDP, trong khi những thông số này biến động phụ thuộc nhiều biến số, kể cả biến động kinh tế quốc tế, khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực và trên thế giới.

Hơn nữa, tỷ suất nội hoàn kinh tế được tính trên cở sở tổng mức đầu tư do ACV lập và với điều kiện không tăng vốn trong quá trình đầu tư xây dựng. Nếu nhà đầu tư không phải là ACV hoặc trong quá trình đầu tư xây dựng làm tăng tổng mức đầu tư thì tỷ suất nội hoàn có thể thay đổi.

Mời xem thêm:

Câu hỏi để ngỏ về dự án sân bay Long Thành
.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới