Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quy hoạch đô thị bên sông Hồng: tính khả thi cần song hành cùng yếu tố khoa học

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các chuyên gia cho rằng, quy hoạch sông Hồng được thành phố Hà Nội vừa thông qua phù hợp, có tính khả thi. Song, muốn phát triển những đô thị lớn bên sông Hồng, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội xứng tầm trung tâm chính trị hành chính, kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thì cần minh bạch thông tin quy hoạch, có sự tham gia của người dân, các nhà khoa học.

Thông tin trên ghi nhận tại diễn đàn “Quy hoạch đô thị ven sông Hồng chuyên đề 2: Điểm sáng phía Đông” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 25-10.

Một góc sông Hồng. Ảnh minh họa: TTXVN

Quy hoạch sông Hồng sẽ như thế nào?

Bà Nguyễn Lan Hương, Phó giám đốc Trung tâm Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, trước đây các quy hoạch nhỏ lẻ, rời rạc chưa tạo được tính thực tiễn và chưa được hiện thực thành công. Ngày 25-3-2022 Hà Nội phê duyệt đề án phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11.000 héc ta, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

Về định hướng quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch trong không gian thoát lũ từ đê cấp 1 (tả ngạn) tới đê cấp đặc biệt (hữu ngạn) hiện có dựa trên nguyên tắc: Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ (không gian thoát lũ theo đê mới trong không gian thoát lũ theo đê cũ); không làm thay đổi mục tiêu và tiêu chuẩn phòng, chống lũ của hệ thống sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016.

Phân khu đô thị sông Hồng được quy hoạch là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm. Khu này có chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô.

Đề án lần này đã thay đổi cách tiếp cận, theo nguyên tắc thuận thiên lấy phòng chống lũ làm hàng đầu, cải tạo khu vực dân cư hiện hữu đảm bảo chất lượng sống cho dân cư hai bên sông, bảo tồn các công trình di tích… kết hợp khai thác quỹ đất mới để tạo lập diện mạo hai bên sông hồng, tạo không gian hài hoà phát triển.

Bà Lan Hương cho biết, trục không gian cây xanh mặt nước chiếm gần 80% là yếu tố quan trọng quyết định sông Hồng thành không gian cảnh quan, không gian xanh của thủ đô Hà Nội. Đề án cũng định hướng rõ khu vực bãi sông gồm các khu vực dân cư cần di dời cũng như khu vực cần chỉnh trang với các nguyên tắc cụ thể. Ưu tiên các quỹ đất cho công trình xã hội, hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng xã hội. Đồng thời quỹ đất trống xây dựng khu đô thị hài hoà với thiên nhiên.

“Đề án lần này đã thay đổi cách tiếp cận, theo nguyên tắc thuận thiên lấy phòng chống lũ làm hàng đầu, cải tạo khu vực dân cư hiện hữu đảm bảo chất lượng sống cho dân cư hai bên sông, bảo tồn các công trình di tích…kết hợp khai thác quỹ đất mới để tạo lập diện mạo hai bên sông hồng, tạo không gian hài hoà phát triển”, bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Người dân Hà Nội than khổ với "siêu dự án" Sông Hồng 25 năm "trên giấy" - Ảnh: TL

Đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cũng cho hay, đề án cũng đã xác định những nội dung về đê điều cần giải quyết… và tạo được hành lang pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc, đây là yếu tố cơ bản và quan trọng. Đưa ra quy hoạch về kiến trúc cảnh quan, nghiên cứu hệ thống cốt nền, khảo sát kỹ khu vực dân cư hiện có.

Chuyên gia góp ý về quy hoạch sông Hồng

Tại diễn đàn, bà Phạm Thị Nhâm, Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia nhắc lại thời điểm hơn 10 năm trước, thành phố Hà Nội với sự phối hợp của các nhà tư vấn Hàn Quốc đã tính đến việc quy hoạch sông Hồng theo mô hình của Hàn Quốc đã từng làm nên kỳ tích sông Hàn - với mong muốn người Việt Nam có thể làm nên kỳ tích sông Hồng. Tuy nhiên, ý tưởng quy hoạch sông Hồng thời điểm đó theo hướng phát triển đại đô thị chạy dọc hai bên sông đã không khả thi.

Bà Nhâm cho rằng, quy hoạch sông Hồng được thành phố Hà Nội vừa thông qua phù hợp, có tính khả thi cao. Cách tiếp cận là phát triển theo hướng tích hợp các giải pháp hài hoà, biến không gian hai bên bờ sông thành lõi xanh của thành phố.

Quy hoạch sông Hồng, theo bà Nhâm thì nó trở thành dấu mốc lịch sử, biến hai bên bờ sông trở thành những đô thị lớn, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội xứng tầm trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Song để đạt được mục tiêu trên, bà Nhâm cho rằng, quan trọng nhất cần quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hai bên bờ sông với thông tin minh bạch, có sự tham gia của người dân, các nhà khoa học. Để khi triển khai các dự án, chính quyền cần thực hiện đối thoại với người dân.

Bên cạnh đó vị đại diện Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia cho rằng, quy hoạch và phát triển đô thị cần dựa trên yếu tố quan trọng sau: cần tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng dòng chảy của sông Hồng, hạn chế bê tông hoá, không chất thải và các hạ tầng lớn ở ven sông. Phát triển cảnh quan hai bên sông trở thành chuỗi các công viên, vườn hoa lớn, gắn với con đường thân thiện với cây xanh, mặt nước cho người đi bộ và xe đạp. Tổ chức mạng lưới quảng trường mở và không gian tụ hội dành cho các lễ hội âm nhạc, thời trang, sự kiện văn hoá, sự kiện giao lưu quốc tế lớn của quốc gia và cư dân thành phố...

Thêm nữa, bà Nhâm cho rằng lựa chọn dự án đầu tư xây dựng 2 bên bờ sông Hồng cần chú trọng hình thành các trọng điểm kinh tế mới, thay vì lựa chọn các chức năng nhà ở thuần tuý. Không gian chức năng đô thị 2 bên sông và cây cầu kết nối qua sông đều phải là những biểu tượng mới về kiến trúc cảnh quan đô thị xanh, thông minh, hiện đại...

Phát biểu tại diễn đàn trên, ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, quy hoạch phân khu sông Hồng là một trong những bước tiến lớn của Hà Nội và phải tổ chức triển khai ngay. Nếu không triển khai nhanh, chỉ dừng ở mức quy hoạch thì quỹ đất ven sông, nguồn lực để nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu, như tồn tại hiện nay bãi Tứ Liên đã thành khu đô thị tự phát...

Do đó, ông Chiến cho rằng cần xác định lại quỹ đất hiện còn để quản lý và giữ lại để tránh thất thoát. Trên quy hoạch phân khu được duyệt, cần xác định, hình thành các dự án và phân ra 3 loại cụ thể: bắt buộc đấu thầu; xã hội hóa; nhà nước và nhân dân cùng làm. Ông nhấn mạnh cần phải bắt tay vào thực hiện ngay quy hoạch để kiến tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tìm đến trong thời gian tới.

Tham gia thảo luận tại diễn đàn, ông Trần Hoàng Linh, Trưởng phòng Quy hoạch Kiến trúc, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho hay, về phát triển quy hoạch sông Hồng, Sở này đã có tham mưu với thành phố Hà Nội để thực hiện. Sau khi quy hoạch xây dựng, các cấp chính quyền, cũng như các sở, ngành triển khai phải lập ranh giới giữa các khu dân cư. Trên cơ sở ranh giới đó, sẽ triển khai các quy hoạch chi tiết để bảo tồn, tôn tạo các khu dân cư, bổ sung các hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới