Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quy hoạch khu CNTT, cần một nhạc trưởng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quy hoạch khu CNTT, cần một nhạc trưởng

Thu Hiền

Một góc Công viên Phần mềm Quang Trung. Ảnh: Lê Toàn.

(TBVTSG) - Các khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung sẽ bước sang một trang mới một khi bản quy hoạch về phát triển các khu CNTT tập trung đến năm 2020 và dự thảo nghị định về khu CNTT do Bộ Thông tin-Truyền thông vừa soạn thảo sẽ được thông qua trong thời gian tới. Việt Nam sẽ không chỉ có bảy khu CNTT tập trung mà trong tương lai các khu CNTT sẽ phát triển nhanh và nhiều hơn với tham vọng đưa Việt Nam thành một Silicon Valley tại Đông Nam Á.

Theo Bộ Thông tin-Truyền thông, việc thành lập các khu CNTT tập trung sẽ góp phần hình thành các trung tâm trọng điểm về công nghiệp CNTT, góp phần định hướng và phát triển toàn ngành công nghiệp CNTT cả nước.Đây là những trung tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm CNTT, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ CNTT có khả năng thay thế sản phẩm nhập khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực viễn thông, tài chính (thuế, kho bạc, kiểm toán...), ngân hàng, hải quan, hàng không, thương mại, thương mại điện tử và các dịch vụ công cộng, giáo dục-đào tạo, y tế, an ninh quốc phòng.

Theo Bộ Thông tin-Truyền thông, việc thành lập các khu CNTT còn nhằm phục vụ cho việc đào tạo chuyển giao CNTT; là nơi ươm tạo doanh nghiệp CNTT Việt Nam; tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút vốn, công nghệ trong và ngoài nước.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin-Truyền thông), cho rằng sự ra đời của các khu công viên phần mềm đã tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp CNTT phát triển. Đồng thời, các khu CNTT còn là những trung tâm đào tạo nhân lực cho ngành CNTT, bên cạnh đó, góp phần khuyến khích việc tạo lập các doanh nghiệp công nghệ mới và nuôi dưỡng các doanh nghiệp hiện có.

Theo ông Tuấn, chủ trương phát triển và quy hoạch các khu CNTT tập trung trong thời gian tới sẽ phải chặt chẽ hơn nhằm tạo điều kiện cho ngành CNTT phát triển có chiều sâu. Bởi trong thời gian qua, chúng ta đã phát triển, xây dựng một số khu CNTT tập trung song rất ít trong số đó hoạt động có hiệu quả và có đóng góp thiết thực cho ngành CNTT nước nhà.

Hiệu quả chưa cao

Điều 51 Luật Công nghệ thông tin định nghĩa khu CNTT là loại hình khu công nghệ cao, tập trung hoặc liên kết cơ sở nghiên cứu phát triển, sản xuất, kinh doanh, đào tạo về CNTT. Khu CNTT tập trung có hai loại hình, gồm: Khu CNTT tập trung có ranh giới địa lý xác định là khu tập trung nghiên cứu phát triển, sản xuất-kinh doanh, đào tạo về công nghiệp CNTT. Loại hình thứ hai là không có ranh giới địa lý xác định là tập hợp các cơ sở nghiên cứu phát triển, sản xuất-kinh doanh về công nghiệp phần mềm, công nghệ nội dung số nằm trong các khu vực, tòa nhà tách biệt về địa lý ranh giới. Như vậy, khu CNTT tập trung được hiểu là các khu công nghệ cao và khu công viên phần mềm.

Theo Viện Chiến lược thông tin và truyền thông hiện cả nước có bảy khu công viên phần mềm đang hoạt động, gồm Trung tâm Giao dịch CNTT Hà Nội, Công viên Phần mềm Quang Trung, khu Công viên Phần mềm Sài Gòn, Khu Công viên Phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM (VNU-ITP), Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE (e-Town), Công viên Phần mềm Đà Nẵng và Trung tâm Công nghệ Phần mềm Cần Thơ.

Theo báo cáo, tổng số vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng khu CNTT trong giai đoạn 2006-2008 là 2.000 tỷ đồng, tăng bốn lần so với năm 2000-2005 là 470 tỷ đồng. Nếu như năm 2005 chỉ có 116 công ty hoạt động trong khu CNTT thì hiện nay con số này là 499 doanh nghiệp, tăng 4,3 lần.

Số doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp CNTT. Năm 2008, các doanh nghiệp có quy mô trên 100 người tăng gấp năm lần so với năm 2005.

Hiện nay, tổng nhân lực làm việc tại các khu CNTT là 30.608 người, trong đó có 12.700 người lao động làm việc trong doanh nghiệp CNTT.

Tuy nhiên, đang tồn tại một thực trạng đáng buồn là hầu như các khu CNTT chưa thực sự đáp ứng các tiêu chí quy hoạch tổng thể cho việc phát triển khu CNTT tập trung theo Điều 19 của Nghị định 71/2007 hướng dẫn về loại hình khu CNTT tập trung.

Theo khảo sát, có đến 3/7 các khu công viên phần mềm không đạt tiêu chuẩn về khu CNTT tập trung, như: có ít nhất 300 người lao động làm việc tại các doanh nghiệp CNTT, có các cơ sở hạ tầng dùng chung để bảo đảm hoạt động công nghiệp CNTT…

Chỉ có 3/7 khu công viên phần mềm có công viên, cảnh quan cho thư giãn, có đến năm khu không có quỹ đất và không gian để mở rộng. Có 2/7 khu không có hệ thống cung cấp dịch vụ viễn thông và có 4/7 khu không có hệ thống nguồn điện ưu tiên hay lưu dự phòng (backup).

Thêm vào đó, diện tích đất của các khu CNTT hiện tại đang bị thu hẹp từ 930.000 mét vuông (năm 2005) xuống còn 737.589 mét vuông (năm 2008) do một số khu không tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển thành khu CNTT tập trung.

Theo ông Tuấn, các con số về tổng mức đầu tư, số công ty hoạt động và lực lượng lao động trong các khu CNTT tập trung tăng lên, song điều đáng nói là quỹ đất để dành riêng cho mục tiêu CNTT đang bị thu hẹp.

“Những số liệu nói trên không quá mới, trên thực tế diện tích đất dành cho mục tiêu phát triển CNTT đang bị thu hẹp mà chúng tôi chưa thể thống kê đầy đủ được. Ban đầu, nhiều dự án đăng ký là khu CNTT tập trung nhưng chỉ triển khai một phần nhỏ cho CNTT và phần lớn thì đem cắt đất phân lô làm chung cư, biệt thự để bán”, ông Tuấn nói. Viện Nghiên cứu Chiến lược thông tin và truyền thông đánh giá rằng những khu hoạt động có hiệu quả hầu như tập trung tại TP.HCM, gồm Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công viên Phần mềm Đại học Quốc gia và Khu Công viên Phần mềm Sài Gòn.

Các khu CNTT tập trung hiện nay chủ yếu tập trung vào công nghiệp phần mềm và nội dung số, trong khi đó, chưa thu hút được các doanh nghiệp CNTT lớn trong lĩnh vực phần cứng như Canon, Fujitsu, Samsung... Thêm vào đó, vai trò của các khu CNTT chưa thực sự nổi bật và chưa có đóng góp lớn nếu tính trên hai khía cạnh: doanh thu và công nghệ.

Ông Tuấn cho rằng thực trạng đáng buồn nói trên là do chưa có sự quản lý thống nhất cũng như định hướng của Nhà nước đối với khu CNTT đang hoạt động và đang xây dựng.

Và những quan ngại

Mặc dù vậy, Bộ Thông tin-Truyền thông vẫn đặt mục tiêu khá cao cho việc phát triển các khu CNTT tập trung cho đến năm 2020.

Theo bản quy hoạch phát triển các khu CNTT tập trung đến năm 2020 đang chờ Chính phủ phê duyệt thì tới năm 2020 sẽ tiếp tục hoàn thiện các khu CNTT đang hoạt động và thành lập 3-5 khu mới vào năm 2015. Đến năm 2020 sẽ thành lập mới từ 5 đến 10 khu CNTT.

Các khu CNTT sẽ được xây dựng tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, Đồng Nai, Cần Thơ và Lâm Đồng.

Theo đề án các khu CNTT tập trung phải trở thành những điểm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, bảo đảm việc sử dụng đất có hiệu quả và có đóng góp lớn cho hai mục tiêu là kinh tế và khoa học kỹ thuật.Với mối lo ngại về sự bùng nổ của các khu CNTT tập trung khi mà một số khu CNTT hiện nay vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, Giáo sư tiến sĩ Phan Anh, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, cho rằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc là một ví dụ cho một mô hình phát triển không thành công. Khu công nghệ cao Hòa Lạc có tổng diện tích là gần 5.500 ha nhưng mới chỉ thu hút được một số nhà đầu tư vào hoạt động với diện tích khoảng 17 ha. “Chúng ta cần đánh giá lại tại sao Khu công nghệ cao Hòa Lạc được Nhà nước ưu tiên đầu tư lại không thành công; trong khi đó, những khu công viên phần mềm tại TP.HCM được các doanh nghiệp đầu tư lại khá thành công. Từ những đánh giá đó chúng ta mới có thể rút kinh nghiệm để xây dựng được một hình khu CNTT phù hợp với thực tế hiện nay”, ông Phan Anh nói.

Giáo sư Nguyễn Đức Phong, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa TP.HCM, cũng băn khoăn đâu là nhân tố quyết định sự thành công của các khu CNTT, đặc biệt là khi chúng ta cứ giao cho từng địa phương tự quy hoạch, phát triển các khu CNTT. “Tính khả thi của việc phát triển thêm 5 hay 10 khu CNTT trong những năm tới đây cũng nên được xem xét lại khi mà những khu hiện hữu đang hoạt động chưa có hiệu quả và thiếu quy hoạch chuẩn”, ông Phong nói.

Trả lời những quan ngại nói trên, ông Tuấn cho rằng chính sách xây dựng khu CNTT nên phù hợp với tình hình thực tế của thị trường. Khi theo đúng nguyên tắc của thị trường thì tốc độ phát triển và khả năng lấp đầy các khu CNTT là khả thi. Các khu công nghệ cao như Hòa Lạc và Công viên Phần mềm Quang Trung khởi động đồng thời nhưng chỉ có Công viên Phần mềm Quang Trung thành công, còn Hòa Lạc vẫn là một khu đất trống. Lý do là Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn đang đi theo cơ chế xin-cho, việc thẩm định dự án đầu tư quá ngặt nghèo. Trái lại, Công viên Phần mềm Quang Trung thực hiện cơ chế một cửa, có khi xin giấy phép đầu tư chỉ trong một ngày. Thêm vào đó, nhu cầu của các nhà đầu tư tại TP.HCM luôn ở mức cao vì địa phương này đáp ứng được các tiêu chí về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho CNTT.

Do đó, để các khu CNTT thành công thì trước hết vẫn phải dựa trên nhu cầu có thực của thị trường và phát triển có quy hoạch chặt chẽ, có định hướng rõ ràng, và thực sự cần có một nhạc trưởng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới