Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sập sàn đấu giá và hiện thực hóa tài sản vô hình

Trần Hữu Hiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Phiên đấu giá trực tuyến biển số ô tô được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam hôm 22-8 phải hủy để tổ chức lại. Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam giải thích là do sự cố kỹ thuật, lượng truy cập tăng đột biến gây quá tải hệ thống, khách hàng không truy cập được vào phòng đấu giá. Đồng thời, đơn vị tổ chức cũng cam kết giữ nguyên quyền lợi khách hàng khi tham gia cuộc đấu giá tiếp theo.

Có 11 biển số đẹp của 10 tỉnh, thành được đấu giá. Theo quy định, người tham gia đấu giá phải nộp 40 triệu đồng tiền cọc cho mỗi biển số mong muốn. Nếu thông tin số người tham gia phiên đấu giá lên đến hàng ngàn người, dẫn đến nghẽn mạng như ban tổ chức công bố là đúng thì lượng tiền đặt cọc không nhỏ. Những người muốn sở hữu biển số xe đẹp một cách minh bạch, hay xem việc sở hữu này là khoản đầu tư sinh lợi hẳn đã tham gia vì muốn cạnh tranh sòng phẳng chứ không chỉ ngồi hóng.

Thật không may khi phiên đấu giá chưa “mở hàng” đã sập sàn. Điều đó cho thấy nhu cầu về biển số xe đẹp của người chơi và có thể là nhà đầu tư cho loại “tài sản ảo” này là rất lớn.

Đề xuất đấu giá biển số xe từng được đưa ra từ khoảng ba thập kỷ trước nhưng đều nhận được những ý kiến trái chiều nên cả năm lần đề xuất ở các thời điểm khác nhau đều bị gác lại. Các tranh cãi nên, không nên vẫn chưa dứt ngay cả khi Quốc hội quyết nghị về thí điểm đấu giá biển số ô tô theo Nghị quyết 73/2022/QH15 ngày 15-11-2022. Cần tiếp tục xem xét từ thực tiễn để hoàn thiện cơ chế quản lý và quy định pháp lý có liên quan.

Trên thực tế, chúng ta không cổ xúy cho mê tín dị đoan cũng không dung túng cho các hành vi trục lợi bất chính, các sai phạm trong quản lý, đăng ký, cấp biển số xe. Cũng theo thực tế, việc có biển số xe, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại đẹp, dễ nhớ luôn đi kèm tiện dụng và phiền toái cho người sở hữu. Và tâm lý chuộng số đẹp, nhu cầu sở hữu biển số ô tô theo quan niệm tâm linh, hợp phong thủy hay các con số mang ý nghĩa kỷ niệm là một nhu cầu có thật.

Dù pháp luật có thừa nhận hay không, thì thực tế vẫn đang diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán các loại số đẹp. Có số điện thoại được mua hàng tỉ đồng. Nhiều ngân hàng thương mại cũng cung cấp các dịch vụ tài khoản số đẹp để thu tiền. Thay vì để mặc cho hoạt động mua - bán diễn ra không có sự kiểm soát, thì đưa chúng vào quản lý.

Về mặt pháp lý, có thể xem xét và phát huy giá trị các loại “số đẹp” như một loại tài sản. Vấn đề quan trọng là cần hoàn thiện khung pháp lý đi kèm. Tại Việt Nam, các loại tài sản vô hình như thương hiệu, nhãn hiệu, phát minh, sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được quan tâm. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng được hoàn thiện hơn.

Tài sản vô hình (intangible property) được xác định là loại tài sản không có hình dạng vật chất, chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, có thể nhận biết được, định lượng được và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế của chủ sở hữu. Theo đó, các loại “số đẹp” cần được xem xét là loại tài sản vô hình để trao đổi, mua bán và phát huy giá trị sử dụng của nó.

Sự cố “sập sàn đấu giá” biển số ô tô đẹp cần được hoàn thiện về kỹ thuật, quy định pháp lý có liên quan, đảm bảo lợi ích khách hàng, thực hiện chủ trương thí điểm đấu giá ô tô đã được Quốc hội thông qua.

Qua đó, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy định về sở hữu, hiện thực hóa các loại tài sản vô hình như biển số xe gắn máy đẹp, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại đẹp, đưa chúng vào dòng chảy thương mại theo quy luật cung - cầu và mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho nguồn thu ngân sách mà còn là lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới