Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sau hơn bốn năm mới trở về quỹ đạo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sau hơn bốn năm mới trở về quỹ đạo

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Trường hợp nêu dưới đây liên quan tới quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp chế xuất. Phải sau hơn bốn năm thông tư hướng dẫn mới trở về đúng quỹ đạo. 

Nhằm khuyến khích xuất khẩu, Luật thuế GTGT quy định: hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thuộc diện thuế suất 0%, nghĩa là doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu không phải nộp thuế đầu ra, nhưng được trả lại (khấu trừ) thuế đầu vào.

Xin bắt đầu từ điều 8 của luật ban hành ngày 17-6-2003:

“Mức thuế suất thuế GTGT được quy định như sau: 1. Mức thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, kể cả hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT xuất khẩu, trừ các trường hợp sau: vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ tín dụng, đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán ra nước ngoài và sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa qua chế biến do Chính phủ quy định”.

Theo quy định trên, luật không tách bạch hàng hóa với dịch vụ, xuất cho nước ngoài với xuất cho doanh nghiệp chế xuất. Sự phân chia tách bạch này nảy sinh từ điều 7, Nghị định 158/2003 ngày 10-12-2003 quy định chi tiết thi hành luật. Quá trình chệch quỹ đạo bắt đầu từ đó.

“1. Mức thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu… a) Dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ đã được cung cấp trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam; b) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, hàng hóa xuất khẩu vào khu chế xuất hoặc hàng hóa xuất khẩu cho doanh nghiệp chế xuất và trường hợp cụ thể được coi là xuất khẩu theo quy định của Chính phủ; c) Các trường hợp sau không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo thuế suất 0%:

– …

– Hàng hóa, dịch vụ bán cho doanh nghiệp chế xuất và khu chế xuất gồm: bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, tư vấn, kiểm toán, kế toán, vận tải, bốc xếp, cho thuê nhà, văn phòng, kho bãi, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cho cá nhân người lao động, xăng dầu bán cho phương tiện vận tải phải chịu thuế suất thuế GTGT theo mức thuế suất quy định áp dụng đối với hàng hóa tiêu dùng tại Việt Nam”.

Vì Nghị định 158/2003 đã quy định như thế nên Thông tư 120/2003 của Bộ Tài chính ngày 12-12-2003 hướng dẫn thi hành nghị định cũng phải theo đó mà chi tiết hóa.

Điều cần nhấn mạnh ở đây là luật không quy định những tách bạch ấy, nhưng văn bản dưới luật lại: i) Không coi dịch vụ bán cho doanh nghiệp chế xuất là xuất khẩu và liệt kê chúng vào diện thuế suất nội địa; ii) Trong số các dịch vụ vừa kể có dịch vụ gọi là “tiêu dùng cho cá nhân người lao động” có nghĩa rất chung chung, song văn bản lại không cho định nghĩa. Đây là điều kiện cho những cách hiểu tùy tiện phát sinh.

Về lý thuyết, luật là văn bản cao nhất, nhưng trong thực tế thông tư mới là văn bản thi hành. Vì vậy, Nghị định 158/2003 và Thông tư 120/2003 dù có trái luật, thì doanh nghiệp vẫn phải thi hành, nếu không sẽ bị phạt. Đó là thông lệ.

Có lẽ các tác giả Nghị định 158/2003 cũng tự cảm thấy đã vượt ra ngoài quỹ đạo của luật, nên chỉ nửa năm sau, Nghị định 148/2004 ngày 23-7-2004 đã được ban hành với những sửa đổi như sau:

“1. Mức thuế suất 0% đối với: hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu… a) Dịch vụ xuất khẩu bao gồm: dịch vụ đã được cung cấp trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam; dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất; b) … ; c) Các trường hợp sau không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo thuế suất 0%:… (liệt kê tương tự điều 8 Luật thuế GTGT).

Nghị định 148/2004 đã trở về đúng vị trí trong quỹ đạo, khi coi hàng hóa, dịch vụ xuất cho doanh nghiệp chế xuất là xuất khẩu, áp dụng thuế suất 0%.

Nhưng đáng tiếc, Thông tư 84/2004 của Bộ Tài chính ngày 18-8-2004 hướng dẫn thi hành lại không chuyển động theo hướng đó: Điểm 3 Thông tư 84/2004 quy định chỉ áp dụng thuế suất 0% cho “dịch  vụ xuất khẩu và dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất để sử dụng cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế xuất, trừ các dịch vụ sử dụng cho tiêu dùng cá nhân”.

Thế là Thông tư 84/2004 vẫn đi theo vết xe đổ của Nghị định 158/2003 và Thông tư 120/2003, không chỉ qua mặt luật, mà qua mặt cả Nghị định 148/2004.

Tiếp đến Thông tư 32/2007của Bộ Tài chính ngày 9-4-2007 lại đi xa hơn, không chỉ nhắc lại quy định nêu trên của Thông tư 84/2004, mà còn xác định đích danh dịch vụ sử dụng cho tiêu dùng cá nhân là “dịch vụ vận chuyển đưa đón công nhân, cung cấp suất ăn cho công nhân của doanh nghiệp chế xuất…”. Đã có những doanh nghiệp bị truy thu thuế do phải áp dụng thuế suất nội địa 5% hoặc 10% về những dịch vụ loại này (xem TBKTSG ngày 12-7-2007).

Phải một năm sau nữa, khi Thông tư 30/2008 ngày 16-4-2008 cho định nghĩa hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho tiêu dùng cá nhân trong doanh nghiệp chế xuất “là hàng hóa, dịch vụ do cá nhân tự bỏ tiền ra để phục vụ nhu cầu của mình” thì lúc đó thông tư hướng dẫn mới quay trở lại được quỹ đạo Nghị định 148/2004 và Luật thuế GTGT.

Từ đây khái niệm dịch vụ sử dụng “cho tiêu dùng cá nhân” và “cho sản xuất kinh doanh” đã có tiêu chí để phân biệt: ai trả tiền? Chiếu theo định nghĩa này, các dịch vụ đưa đón công nhân, cung ứng suất ăn công nghiệp… (do doanh nghiệp trả tiền) không còn là dịch vụ sử dụng cho tiêu dùng cá nhân nữa, mà là dịch vụ sử dụng cho sản xuất kinh doanh.

Quan niệm này phù hợp với lý thuyết và thực tế, cũng phù hợp với quy định trong Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp cho phép tính những khoản này vào chi phí sản xuất kinh doanh.

LÊ VĂN TỨ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới